Việt Nam cần có bộ tiêu chuẩn đô thị thông minh để định hình phát triển bền vững đô thị thông minh, đưa ra các tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống và dịch vụ cung cấp cho cộng đồng nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất.

Để giải quyết các vấn đề phát sinh do tốc độ đô thị hóa quá nhanh như giao thông tắc nghẽn, rác thải ùn ứ, thiếu chỗ đậu xe, quá tải về thủ tục hành chính..., việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào giám sát, hỗ trợ công tác quản lý và đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân đang được xem là giải pháp hữu hiệu.

Đó là hình dung phổ biến về smart city - thành phố thông minh. Dù đến thời điểm này vẫn chưa có một khái niệm chung thống nhất về nó, song về bản chất, có thể hiểu đó là một đô thị được đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin và được kết nối để hỗ trợ tốt nhất cả công tác quản lý và thực thi.


Tháng 10/2015, Liên minh Viễn thông quốc tế đưa ra định nghĩa thành phố thông minh là thành phố “sử dụng công nghệ ICT và những phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động và việc cung cấp các dịch vụ tại đô thị, cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời đảm bảo rằng nó đáp ứng được nhu cầu hiện tại cũng như trong tương lai ở cả khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường”.

Theo nghĩa hẹp được giới chuyên môn đưa ra, đô thị thông minh có thể được chia thành bốn tầng, gồm: Tầng cảm biến (sensor layer), tầng mạng (network layer), tầng nền tảng (platform layer) và tầng ứng dụng (application layer). Với cấu trúc này, các công nghệ cốt lõi tập trung chủ yếu ở tầng ứng dụng - được coi là hạ tầng công nghệ trung tâm quan trọng nhất. Công nghệ thông tin được coi là công cụ để kết nối các hạ tầng công nghệ của đô thị thông minh.

Ngoài ra, đô thị thông minh có thể được hiểu là một kết nối hữu cơ giữa công nghệ, con người và các thành phần thể chế.


Ở Việt Nam, từ cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1819/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước với mục tiêu “triển khai đô thị thông minh ít nhất tại 3 địa điểm theo tiêu chí do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn”.

Nghị quyết của Hội nghị Trung ương IV khóa XII cũng nhấn mạnh “ưu tiên phát triển đô thị thông minh”. Tháng 12/2016, Văn phòng Chính phủ ra công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành các tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Từ chủ trương này, nhiều địa phương đã tìm hiểu và triển khai smart city theo các quy mô, hạng mục khác nhau tùy theo điều kiện và nhu cầu. Đến nay, đã có 20 địa phương bắt đầu triển khai đề án đô thị thông minh như Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh, TPHCM, Kiên Giang (huyện đảo Phú Quốc), Lâm Đồng (Đà Lạt), Bình Dương, Hải Phòng, Cà Mau...

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần có bộ tiêu chuẩn đô thị thông minh để định hình phát triển bền vững đô thị thông minh, đưa ra các tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống và dịch vụ cung cấp cho cộng đồng nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất: Mang lại cho người dân đô thị một tiêu chuẩn an toàn mới, an sinh tốt hơn và an ninh được kiểm soát.