Các nhà khoa học cho rằng hai nguyên nhân chính có khả năng gây xói lở tại sông Gò Gia là chế độ thủy văn và hoạt động nạo vét.

g
Nhóm nghiên cứu khoanh vùng vị trí sạt lở trên sông Gò Gia (Cần Giờ). Ảnh: CESTI

Năm 2019, UBND TPHCM đã đồng ý chủ trương triển khai Dự án Xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh trú bão trên sông Gò Gia (huyện Cần Giờ, TPHCM) đoạn từ tim sông Tắc Ông Cu cắt vuông góc sông Gò Gia về phía thượng lưu. Tuy nhiên trong quá trình thi công từ tháng 9/2016 đến tháng 12/2016, khu vực có dấu hiệu sạt lở, xâm thực đất rừng phòng hộ.

Đáng chú ý, khi sạt lở xảy ra, bên cạnh tác động về kinh tế - xã hội, còn có tác động về tài nguyên đất, rừng tại khu vực rừng ngập mặn Cần Giờ - vốn được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2000.

Trước tình trạng này, năm 2019, UBND huyện Cần Giờ đã kiến nghị tạm dừng nạo vét nhằm đánh giá, xác định nguyên nhân sạt lở, cũng như xây dựng giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng sạt lở rừng phòng hộ trong khu vực thi công.

Vì vậy, năm 2021, PGS.TS Nguyễn Thị Bảy (Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TPHCM) và các đồng nghiệp đã tiến hành nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN cấp Thành phố về nội dung nêu trên.

Sử dụng dữ liệu ảnh viễn thám giai đoạn 2016 - 2020, nhóm nghiên cứu nhận thấy khu vực sông Gò Gia có hiện tượng xói rõ rệt với phần lớn chiều dài sông, ở hai bên bờ phải và bờ trái, chiều dài xói lần lượt là 77,19 và 69,91%. Phần lớn sông Gò Gia đều bị xói trong giai đoạn này, đồng thời những vị trí sạt nghiêm trọng cũng bắt đầu xuất hiện, có những vị trí sạt đến hơn 50m và chiều dài đoạn sạt khoảng 250m với tổng diện tích sạt lên đến hơn 1ha.

Kết quả tính diễn biến đáy vào năm 2016 từ mô hình MIKE 21FM cũng cho thấy, quá trình bồi - xói xảy ra xen kẽ trên sông Gò Gia, tuy nhiên quá trình xói chiếm ưu thế, mức độ xói trong khu vực dao động trong khoảng 0,8m đến 4,85m tùy từng khu vực.

Sau khi tiến hành đánh giá nguyên nhân và cơ chế gây sạt lở khu vực sông Gò Gia, nhóm nghiên cứu cho rằng hai nguyên nhân chính có khả năng gây xói lở tại sông Gò Gia là chế độ thủy văn và hoạt động nạo vét.

Cụ thể, việc thay đổi chế độ thủy văn ảnh hưởng đến quá trình diễn biến lòng dẫn tại khu vực sông Gò Gia. Sự gia tăng mực nước trong sông làm vận tốc dòng chảy tăng và tăng khả năng xói lở lòng dẫn sông. Đối với hoạt động nạo vét, xét trong trường hợp khai thác theo quy hoạch về độ sâu và phạm vi khu vực nạo vét, các kết quả cho thấy tại các khu vực nạo vét sẽ có xu hướng bồi, tuy nhiên tại các khu vực ven bờ xung quanh khu vực nạo vét sẽ có xu hướng xói.

Cần đảm bảo không khai thác quá mức

Từ những kết quả trên, nhóm nghiên cứu đề xuất tại các khu vực đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng, chính quyền nên có biện pháp di dời, hạn chế tàu bè neo đậu và cấm tàu di chuyển gần khu vực bờ sông nơi đã bị sạt lở; kết hợp theo dõi và kiểm tra định kì các khu vực có nguy cơ sạt lở cũng như khu vực đã bị sạt lở. Bên cạnh đó, có thể dùng phương pháp xây dựng hệ quan trắc xói lở bờ sông nhằm nắm bắt kịp thời tình hình sạt lở ở hai bên bờ sông.

Dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh trú bão trên sông Gò Gia được cho là gây sạt lở, xâm hại rừng phòng hộ Cần Giờ
Trong quá trình thi công từ tháng 9/2016 đến tháng 12/2016, khu vực có dấu hiệu sạt lở, xâm thực đất rừng phòng hộ. Ảnh: Báo Giao thông

Ngoài ra, “các hoạt động nạo vét trên sông cần được triển khai sau khi đã được tính toán hợp lý và được sự cho phép của các đơn vị có thẩm quyền, đảm bảo khai thác đúng quy hoạch, không khai thác quá mức gây sạt lở”, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị. Để kiểm soát chặt chẽ, ban quản lý khu vực cần tăng cường kiểm tra, thanh tra việc các công trình hoạt động trên sông nhằm phát hiện và quản lý kịp thời nếu có sai phạm trong quá trình thi công. Nếu cần, có thể tăng cường kiểm tra và gia tăng mức độ xử phạt và chế tài xử phạt đối với hoạt động khai bất hợp pháp, không đúng theo quy định trong giấy cấp phép.

Đáng chú, trong bối cảnh tình trạng sạt lở vẫn đang tiếp tục diễn ra, nhóm nghiên cứu cho rằng các hoạt động nạo vét được cấp phép trên khu vực nghiên cứu nên được tiến hành theo trình tự, không nên tập trung khai thác vào một chỗ dẫn đến mất cân bằng bề mặt địa hình đáy sông, gây ra đổ vỡ bờ sông. Cụ thể, không nên khai thác hai bến phao gần kề cùng lúc, điều này sẽ dễ gây mất ổn định bờ sông làm tăng nguy cơ sạt bờ.

Đáng chú ý, việc bảo vệ phát triển rừng ngập mặn hai bên bờ sông là điều vô cùng cần thiết, bên cạnh nỗ lực phục hồi hệ sinh thải rừng ngập mặn tại các khu vực đã xảy ra sạt lở.

Ban quản lý khu vực cũng có thể xây dựng các công trình như làm kè giảm sóng kết hợp với trồng rừng ngập mặn tại hai khu vực bị sạt trên sông Gò Gia. “Tuy nhiên, giải pháp này cần được đánh giá tiền khả thi trước khi đưa vào thực hiện”, nhóm lưu ý.

Các kết quả nghiên cứu của đề tài là những thông tin tham khảo hữu ích để Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM và UBND huyện Cần Giờ đưa ra các chính sách quản lý phù hợp trong công tác quản lý rủi ro thiên tai (sạt lở - bồi tụ), cũng như xây dựng các giải pháp bảo vệ bờ trong thời gian tới.