Tại buổi triển lãm tranh Bring Them Back (Đường về hoang dã) do CHANGE và WildAid phối hợp thực hiện vào năm 2022, nhiều người đã không khỏi bất ngờ khi hình ảnh một chú hổ đứng giữa đồng cỏ bỗng xuất hiện từ… thinh không. Chú hổ 3D lơ lửng giữa không trung, sau đó dòng chữ “Bring Them Back” dần hiện lên là một trong những dấu ấn của sự kiện. “Lần đầu tiên mình nhìn thấy công nghệ này”, một người tham quan nhận xét.
Để tạo nên hình ảnh sinh động trên, Công ty Hololab đã sử dụng công nghệ Hologram - hay còn gọi là ảnh toàn ký. Cụ thể, ông Vũ Hồng Phong (Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hololab) cho biết Hologram (ảnh toàn ký) là kỹ thuật chụp lại và tái dựng hình ảnh ba chiều của vật thể. Về ý nghĩa mở rộng, đó là hình ảnh 3 chiều của vật thể lơ lửng trên không trung.
Hologram có từ năm 1947 khi nhà khoa học người Anh gốc Hungary có tên là Dennis Gabor bắt đầu sử dụng thuật ngữ ảnh ba chiều từ tiếng Hy Lạp “holos” nghĩa là toàn bộ và “gramma” nghĩa là thông điệp. Ông Dennis Gabor được xem là cha đẻ của ảnh ba chiều. Nhờ công trình này mà ông được trao giải Nobel Vật lý năm 1971. Tuy nhiên giai đoạn này sự phát triển của Holography vẫn sơ khai do nguồn ánh sáng chủ yếu là đơn sắc khó có thể sử dụng để tạo ra ảnh ba chiều.
Những năm sau đó, kỹ thuật này được cải tiến dần, và đến năm 1972, Lloyd Cross đã phát triển hình ảnh ba chiều tích hợp bằng cách kết hợp hình ảnh ba chiều truyền ánh sáng trắng với kỹ thuật quay phim thông thường để tạo ra hình ảnh 3 chiều chuyển động. Các khung hình liên tiếp của cảnh phim chuyển động 2D của một chủ thể đang quay được ghi lại trên phim ảnh nổi ba chiều. Khi xem, các hình ảnh tổng hợp được não người tổng hợp dưới dạng hình ảnh 3D.
Với những trải nghiệm độc đáo và gây ấn tượng mạnh cho người xem, công nghệ 3D Hologram đã trở nên phổ biến trên khắp thế giới và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, truyền thông, quảng cáo.
Quả thật, các ứng dụng của Hologram rất gần gũi với chúng ta ngày nay. Ví dụ điển hình là những con tem chống hàng giả thường được dán đằng sau các loại sách, dưới những góc nhìn khác nhau chúng sẽ hiện lên màu sắc khác nhau kèm với logo thương hiệu. Có một số loại tem đặc biệt còn hiển thị thêm dòng chữ hàng thật khi nghiêng một góc độ và logo thương hiệu khi nghiêng ở một góc độ khác. Ngoài ra, một số đồ chơi của học sinh tiểu học thường có dán các hình ảnh mà khi nghiêng góc trái sẽ ra bông hoa, nghiêng góc phải sẽ ra chiếc lá.
HoloFan hoạt động dựa trên sự kết hợp giữa ánh sáng và sự chuyển động. Trên thiết bị, một số lượng lớn các đèn LED được sắp xếp xung quanh trục quay. Khi thiết bị quay, các đèn LED phát sáng theo chuỗi thời gian cụ thể, tạo thành một mẫu ánh sáng xoắn ốc. Trong quá trình quay, quạt sẽ tạo ra sự chuyển động liên tục của ánh sáng xoắn ốc, tạo ra hiệu ứng hình ảnh 3D khi nhìn từ nhiều góc độ khác nhau.
|
Tuy nhiên đây chỉ là những ứng dụng đơn giản. Hologram ngày nay còn được ứng dụng trong các buổi diễn múa tương tác. người nghệ sĩ sẽ múa cùng với một tấm màn siêu mỏng trong suốt có thể nhìn xuyên thấu qua, được dệt từ một loại sợi đặc biệt có thể giữ lại ánh sáng của Projector – gọi là màn Gauze. Ngoài ra, các nhà khoa học đã tạo ra công nghệ Pyramid Hologram (kim tự tháp ảnh ảo đa chiều), hoạt động bằng cách phản chiếu ánh sáng qua các mặt tam giác trong suốt để tạo ra một hình ảnh 3D đặc biệt.
“Hai ứng dụng như Gauze Hologram và Pyramid Hologram đều đòi hỏi phải có một diện tích màn hoặc màn hình lớn trong trường hợp biểu diễn cho đám đông. Chúng tôi hướng đến phát triển công nghệ HoloFan. Thiết bị của HoloFan được thiết kế ở dạng module hóa để người dùng có thể ghép lại, tạo thành nhiều kích cỡ linh hoạt”, ông Vũ Hồng Phong cho biết.
HoloFan hoạt động dựa trên sự kết hợp giữa ánh sáng và sự chuyển động. Trên thiết bị, một số lượng lớn các đèn LED được sắp xếp xung quanh trục quay. Khi thiết bị quay, các đèn LED phát sáng theo chuỗi thời gian cụ thể, tạo thành một mẫu ánh sáng xoắn ốc. Trong quá trình quay, quạt sẽ tạo ra sự chuyển động liên tục của ánh sáng xoắn ốc, tạo ra hiệu ứng hình ảnh 3D khi nhìn từ nhiều góc độ khác nhau.
Con hổ tại triển lãm tranh Bring Them Back cũng được tạo ra từ công nghệ HoloFan này. “Mắt người có khả năng lưu lại hình ảnh trong thời gian ngắn. Khi quạt quay cực kỳ nhanh, toàn bộ hình ảnh được quạt vẽ ra sẽ lưu lại trên mắt người, nên chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh của một vật thể đầy đủ”, ông Phong giải thích tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ 3D Hologram vào quảng bá và trưng bày sản phẩm” do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức vào cuối tháng bảy vừa qua.
Tham vọng mở rộng ra Đông Nam Á “Hololab được thành lập vào đầu năm 2022. Khi ấy, chúng tôi thành lập với mong muốn đưa công ty trở thành cầu nối mang thế giới số ra ngoài đời thực, giúp cho mọi người có những trải nghiệm tốt hơn”, ông Vũ Hồng Phong nhớ lại.
Thời điểm ông và các nhà đồng sáng lập ấp ủ ý tưởng thành lập nên Hololab là lúc metaverse, AI, VR đang gây “sốt” trên khắp thế giới. “Tôi nhận thấy những công nghệ này đều phát triển theo hướng mang thế giới thực vào thế giới số, trong khi chúng tôi muốn đi ngược lại: mang thế giới số ra bên ngoài thế giới thực, để mọi người có thể trải nghiệm cái thế giới số đấy bằng mắt thường mà không cần phải dùng một cái thiết bị hỗ trợ nào”, ông kể. “Và Hologram có thể giúp chúng tôi hiện thực hóa được mong muốn đó”.
Hiện nay, Hololab đang cung cấp giải pháp bao gồm tư vấn, thiết kế, vận hành và quản lý vận hành công nghệ Hologram. Trong giải pháp, hình ảnh 3D của vật thể sẽ được hiển thị trong không trung, cho phép người xem có thể quan sát bằng mắt thường mà không cần thiết bị hỗ trợ. Đáng chú ý, đội ngũ công ty có thể khiến hình ảnh xoay 360 độ, không giới hạn hình ảnh và kích thước hiển thị nhờ cách lắp nối thiết bị đơn giản, tối ưu chi phí đầu tư.
“Khách hàng khi tìm đến Hololab hầu hết đều hỏi rằng thiết bị này sử dụng có khó không, mất bao lâu để hoàn thành”, ông Phong chia sẻ. Hiểu được lo lắng đó, khi nhận được yêu cầu cung cấp dịch vụ, Hololab sẽ tư vấn lựa chọn giải pháp và nội dung trình chiếu Hologram phù hợp nhất theo nhu cầu của doanh nghiệp. Sau đó, lên ý tưởng và thiết kế các hình ảnh, hiệu ứng Hologram đặc sắc và ấn tượng. Tiếp theo, Hololab phối hợp cùng doanh nghiệp triển khai giải pháp trực tiếp, cung cấp các công cụ và hỗ trợ doanh nghiệp quản lý hệ thống trình chiếu như công cụ điều khiển hệ thống thiết bị (di động, PC, Cloud), công cụ tạo hiệu ứng 3D miễn phí (studio.hololab.vn)… Thời gian triển khai dịch vụ khoảng hai tuần.
Công nghệ này có thể ứng dụng vào việc tổ chức sự kiện, giải trí, quảng cáo, thông qua việc tạo ra key visual 3D, tăng sự tương tác của các khách tham dự tại sự kiện. Trong lĩnh vực giáo dục, Hologram giúp tạo ra các mô hình tương tác và chân thực giúp giáo viên, học sinh, sinh viên có thể tương tác với các mô phỏng này một cách trực quan để hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động của chúng. Một trong những ứng dụng thường thấy nhất của Hologram là trong lĩnh vực bán lẻ, bất động sản, Hologram cho phép người dùng hiển thị các mô hình sản phẩm và bất động sản dưới dạng 3D chân thực.
Một ưu điểm lớn của công nghệ HoloFan, đó là nó không bị ảnh hưởng bởi điều kiện ảnh sáng như Gauze Hologram hay Pyramid Hologram. “Để nhìn thấy được những gì Gauze Hologram và Pyramid trình chiếu, chúng tôi phải quan sát nó trong một không gian rất tối. Trong khi đó, HoloFan sử dụng đèn LED nên người xem có thể nhìn thấy mọi thứ rất rõ ngay cả trong điều kiện ánh sáng ban ngày bình thường”, ông Phong giải thích.
Mới đây, tại chương trình “Google for Startups Accelerator, Southeast Asia: Việt Nam bứt phá đổi mới” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Google tổ chức, ban tổ chức đã đặt hàng Hololab trình diễn công nghệ Hologram 3D như một điểm nhấn, thể hiện đúng tính chất đổi mới, sáng tạo của sự kiện. Hololab đã quyết định lắp đặt dạng Holo F Wall với sáu thiết bị và có thể điều chỉnh giao diện chiếu xuất hiện theo từng khoảnh khắc quan trọng của buổi lễ.
Đó chỉ là một trong số những sự kiện đã được Hololab tham gia triển khai. Hiện tại, họ đã triển khai dự án ứng dụng Hologram thành công cho các đơn vị Intel, FPT, OCB, MB Bank, Piaggio… hay thậm chí là các trường đại học như Đại học RMIT, Đại học Fulbright, Đại học Kinh tế TP.HCM.
“Chúng tôi đặt mục tiêu trở thành một công ty công nghệ về giải pháp 3D Hologram dẫn đầu ở Việt Nam”, ông Vũ Hồng Phong chia sẻ về tham vọng của mình. “Đến năm 2025, tôi mong muốn Hololab sẽ vươn ra các thị trường khác ở Đông Nam Á”.