Phát hiện mới của TS. Nguyễn Văn Thắng (Đại học Missouri, Mỹ) có thể mở ra cơ hội nâng cao hiệu quả các thuốc điều trị ung thư hiện nay.

Các loại thuốc điều hòa miễn dịch như thalidomide, lenalidomide hay pomalidomide thường được sử dụng khi điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh đa u tủy xương hoặc các bệnh ung thư máu khác. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, hầu như tất cả các bệnh nhân đều bị kháng lại các loại thuốc này.

Mới đây, TS. Nguyễn Văn Thắng, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y học Chính xác, Đại học Missouri (Mỹ) đã phát hiện ra một protein có tên USP15 - tồn tại rất nhiều trong các tế bào ung thư - đóng vai trò quan trọng gây nên tình trạng kháng thuốc này.

Phát hiện mới có thể giúp nâng cao hiệu quả điều trị ung thư trong tương lai. Ảnh minh họa: medicine.missouri.edu
Phát hiện mới có thể giúp nâng cao hiệu quả điều trị ung thư trong tương lai. Ảnh minh họa: medicine.missouri.edu

Kết quả nghiên cứu đã được anh công bố trong bài báo “USP15 antagonizes CRL4CRBN-mediated ubiquitylation of glutamine synthetase and neosubstrates” trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America - PNAS).

Theo TS. Nguyễn Văn Thắng, “USP15 là protein giúp bảo vệ các tế bào ung thư không bị phá hủy, nhờ vào việc loại bỏ các ‘nhãn’ ubiquitin [một protein điều hòa có kích thước nhỏ - PV] mà các thuốc điều hòa miễn dịch đặt trên các tế bào. Đây là các ‘nhãn’ giúp làm suy thoái tế bào ung thư. Tuy nhiên, nếu các ‘nhãn’ ubiquitin đó bị USP15 loại bỏ, tế bào ung thư sẽ tiếp tục phát triển và nhân lên”.

Với phát hiện mới này, TS. Nguyễn Văn Thắng cho rằng, nếu xét nghiệm USP15 cho các bệnh nhân mắc đa u tủy xương thì có thể xác định liệu bệnh nhân có bị kháng thuốc điều hòa miễn dịch hay không. Từ đó, các nhà nghiên cứu có thể đưa ra các phác đồ điều trị chính xác và được cá nhân hóa hơn cho người bệnh.

“Nghiên cứu này có thể sẽ giúp chúng ta khám phá ra: liệu việc kết hợp một chất ức chế USP15 với các thuốc khác có thể đem lại hiệu quả cao hơn trong điều trị ung thư hay không”, TS. Nguyễn Văn Thắng cho biết. Để làm được điều đó, anh cho rằng, cần tiếp tục thực hiện các nghiên cứu sâu hơn nhằm xác định các phương án kết hợp thuốc tốt nhất để cải thiện kết quả lâm sàng của các bệnh nhân mắc đa u tủy xương và các bệnh ung thư khác.

TS. Nguyễn Văn Thắng hiện đang công tác tại Đại học Missouri (Mỹ). Sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, anh lấy bằng thạc sỹ về sinh học phân tử tại Đại học Free Brussels và Đại học KU Leuven (Bỉ). Năm 2011, anh lấy bằng tiến sỹ về miễn dịch học và sinh học ung thư tại Trung tâm Ung thư MD Anderson - Đại học Texas (Mỹ).

Hướng nghiên cứu chính của anh là ung thư, miễn dịch học và sự biến đổi sau dịch mã của protein (post-translational modifications of proteins).


Nguồn: