Sau khi tiêm chủng corona hiệu lực bảo vệ thường là bao nhiêu lâu? Một điều có thể khẳng định là cho dù đã tiêm chủng đầy đủ, vẫn có thể bị lây nhiễm, trường hợp này được gọi là đột phá tiêm chủng. Tuy nhiên khi đã tiêm chủng thì khả năng bị bệnh nặng là không xảy ra.
Do chiến dịch tiêm chủng đang diễn ra, hiệu quả giờ đây cũng thể hiện trên cơ sở dữ liệu ngoài các nghiên cứu phê duyệt – qua đó cho phép có thể có những nhận định khác biệt hơn về hiệu quả của tiêm chủng. Leif Erik Sander, người đứng đầu Nhóm nghiên cứu vaccine và miễn dịch truyền nhiễm tại Charité ở Berlin, giải thích: “Đúng như dự đoán, chúng tôi nhận thấy khả năng bảo vệ chống lây nhiễm, kể cả lây nhiễm trùng có triệu chứng, giảm đi phần nào theo thời gian, nếu so với tổng dân số". Một số nghiên cứu cho thấy, sau bảy đến tám tuần sau khi tiêm chủng đầy đủ, tác dụng bảo vệ của vaccine giảm dần.
Dữ liệu của Anh và Israel cũng cho thấy khả năng bảo vệ của vaccine cũng giảm dần ở người cao tuổi. Ngoài ra một nghiên cứu của Anh, kết quả được công bố dưới dạng bản in trước, đã chỉ ra rằng thời gian sau tiêm chủng càng dài thì khả năng mắc bệnh mặc dù đã được tiêm chủng càng cao. Một nghiên cứu của cơ quan y tế Hoa Kỳ CDC gần đây đã cung cấp thêm số liệu: Theo đó, hiệu quả của chế phẩm Biontech giảm xuống 77% sau bốn tháng, trong khi Moderna vẫn gần như ổn định với hiệu quả 92%.
Theo Watzl, các số liệu từ Viện Robert Koch (RKI) về đột phá vaccine phù hợp với điều này: "Đối với Moderna cho đến nay có ít ca nhiễm đột phá nhất, Biontech và Astrazeneca gần như có kết quả tương tự nhau, ở đây còn lệ thuộc vào những ai, được tiêm chủng loại vaccine nào với những người là nam giới, còn trẻ và khỏa mạnh thì nên dùng Moderna, những người lớn tuổi hơn nên dùng Astrazeneca hoặc Biontech".
Vaccine của Johnson & Johnson có hiệu quả ngắn nhất, tuy nhiên loại này cho đến nay chỉ cần tiêm một lần. Theo Ủy ban Tiêm chủng Thường trực, bất kỳ ai đã được tiêm phòng Johnson & Johnson vì thế nên tiêm chủng bổ sung một liều vaccine- mRNA. Điều này có thể được thực hiện bốn tuần sau khi tiêm phòng Johnson & Johnson.
RKI ước tính, hiệu quả của tất cả các loại vaccine đã được phê duyệt chống lại COVID-19 thì khả năng bảo vệ để không bị bệnh nặng và phải nhập viện ở những người từ 18 đến 59 tuổi là 93% và ở nhóm tuổi trên 60 khoảng 89 phần trăm. Tỷ lệ bảo vệ để không phải điều trị chăm sóc đặc biệt là 96% ở nhóm trẻ và 94% ở nhóm người cao tuổi, trong khi việc bảo vệ chống lại tử vong ở cả hai nhóm tuổi là 97 và 88%.
Tại sao sự bảo vệ sau tiêm chủng lại giảm? Sander giải thích - Điều này lệ thuộc vào nhiều yếu tố, yếu tố cá nhân cũng như loại vaccine và mầm bệnh: "Sars-CoV-2 là một mầm bệnh rất dễ lây nhiễm qua đường hô hấp, tự tái tạo ở đó và có thể lây truyền trực tiếp. Đó là lý do tại sao việc xây dựng hệ thống miễn dịch bảo vệ hoàn toàn chống lại nó khó hơn nhiều so với việc chống lại các mầm bệnh khác mà trước tiên phải đi qua đường máu".
Watzl minh họa vai trò của sự xuất hiện của biến thể Delta bằng cách so sánh với một chiếc ô: “Tùy thuộc vào mức độ hữu hiệu của vaccine và hệ thống miễn dịch của bản thân, chiếc ô che chắn to hay nhỏ. Nếu chỉ mưa bình thường thì ta vẫn khô ráo, nhưng khi mưa to, gió lớn, ô không đủ sức che chắn thì ta vẫn bị ướt như thường”. Biến thể Delta với tải lượng virus cao và khả năng lây lan mạnh chính là một cơn bão như vậy.
Điều đó có nghĩa là ta cần mỗi năm một cái ô, có nghĩa là phải tiêm chủng hằng năm, tương tự như đối với virus cúm?