Quốc gia Nam Mỹ tươi đẹp nổi tiếng với bóng đá, vũ điệu tango, thác nước Iguazu,… trong quá khứ đã từng nằm trong nhóm nền kinh tế giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, điều đó chỉ còn là dĩ vãng khi Argentina đương đại đang phải gánh khối nợ khổng lồ (hơn 300 tỷ USD) cùng nguy cơ phá sản thường trực.

Cuối thế kỷ 19, hầu hết mọi người đều tin rằng phía trước “xứ sở của bạc”1 sẽ là cả một tương lai huy hoàng. Sở hữu lãnh thổ rộng lớn (đứng thứ tám thế giới), điều kiện phát triển nông nghiệp tuyệt vời cùng tài nguyên thiên nhiên phong phú, Argentina hầu như không chịu tác động bởi hai cuộc thế chiến, thậm chí còn kiếm bộn tiền nhờ xuất khẩu thịt, ngũ cốc, nguyên liệu, da,… sang châu Âu bị tàn phá nặng nề. Nền kinh tế tăng trưởng liên tục trung bình 5%/năm, thu nhập (GDP) bình quân đầu người tiệm cận Mỹ; đồng peso được xếp vào loại ổn định nhất thế giới (bên cạnh bảng Anh và USD); tỷ lệ sở hữu xe hơi cao hơn Pháp, điện thoại cao hơn Nhật Bản,… “Giàu như dân Argentina” là câu nói cửa miệng của người châu Âu khi ấy vì chứng kiến giới thượng lưu nước này vung tiền xây nhà máy, biệt thự, tậu ngựa đua thuần chủng và sang Paris mua sắm, chưng diện,… Tất cả khiến Argentina trở thành miền đất hứa hay thỏi nam châm thu hút di dân châu Âu (phần lớn từ Đức, Ý, Pháp và Tây Ban Nha). Trong thập niên 1950, GDP đầu người của Argentina vẫn cao hơn đáng kể so với Tây Đức đang phát triển bùng nổ. Ảnh hưởng của đất nước tại Nam Mỹ khi ấy vượt xa láng giềng Brazil. Thủ đô Buenos Aires2 thanh lịch đã trở thành một huyền thoại với tên gọi “la reina del plata” (nữ hoàng bạc) theo lời bài hát của danh ca Carlos Gardel (1890 – 1935), …

Buenos Aires nhìn từ trên cao. Ảnh: Lacgeo

Nhưng sau thời đại hoàng kim là một chuỗi tháng ngày ảm đạm, khởi nguồn từ Juan Domingo Peron (1895 – 1974) – người đàn ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1946 với lời hứa hẹn trước cử tri về một con đường thứ ba (third way)3. Tuy nhiên, chính sách kinh tế sai lầm của Peron và những người kế nhiệm ông đã khiến Argentina sa vào cạm bẫy nợ nần do thói tiêu xài hoang phí. Bộ máy công quyền ngày càng phình to, quan liêu và tham nhũng; chính phủ in tiền vô tội vạ để chi cho các chương trình phúc lợi và từ thiện hào phóng. Bằng khẩu hiệu “Argentina trên hết”, những hàng rào thuế quan được dựng lên để bảo hộ nền sản xuất lạc hậu trong nước; chính phủ quốc hữu hóa các ngành viễn thông, năng lượng,… và thành lập hàng loạt doanh nghiệp rất kém hiệu quả. Ví dụ điển hình là vào năm 1948, chính quyền Peron mua lại mạng lưới đường sắt do bảy công ty Anh quốc đầu tư tại Argentina với giá 150 triệu bảng Anh (tương đương 6,5 tỷ bảng theo thời giá hiện tại) và ăn mừng “chiến thắng” bằng một buổi lễ hoành tráng có pháo hoa, tiếng chuông nhà thờ và còi xe inh ỏi, …

Kiến trúc châu Âu ở Buenos Aires. Ảnh: Lacgeo

Năm 1967, tổng nợ nước ngoài của Argentina mới chỉ ở vào khoảng 8 triệu USD (tương đương 72 triệu USD hiện tại), nhưng chính quyền quân phiệt sau đó (1976 – 1983)4 bắt đầu tăng cường vay nợ, nhất là để chi cho cuộc chiến Falklands (1982)5 vô nghĩa khiến đất nước lâm vào cảnh siêu lạm phát. Năm 1989, sau khi Tổng thống Raul Alfonsin (1927 – 2009) – lãnh đạo hậu độc tài đầu tiên – tuyên bố từ chức, mọi thứ lại càng trở nên tồi tệ. Người lên thay ông – Tổng thống Carlos Menem (1930 – 2021), vốn yêu thích chủ nghĩa tân tự do (neo-liberalism) pha chút hơi hướng Peron – đã mở ra thời kỳ của “pizza và rượu sâm banh”. Ông kêu gọi cắt giảm chi tiêu công, cho tư nhân hóa một số ngành như đường sắt,… (nhưng phần lớn các doanh nghiệp lại được định giá quá thấp, tạo cơ hội để thân hữu thâu tóm), và đổi tiền nhằm thanh toán siêu lạm phát (tỷ giá: 1 Peso ăn 1 USD). Bỗng nhiên có đồng nội tệ giá trị, dân Argentina hân hoan tận hưởng những kỳ nghỉ hè dài tại Miami hay mua xe Đức,… Nhưng chính sách của Menem về bản chất vẫn chỉ là “giấu bụi dưới thảm”. Chi tiêu nhà nước trong giai đoạn 1992 – 1999 tăng hơn 50%; tháng 12/2001, Argentina tuyên bố phá sản khi khối nợ phình lên thành 160 tỷ USD; chỉ trong hai tuần, 5 tổng thống đến rồi đi,…

Juan Peron và vợ trong lễ diễu hành năm 1952.
Ảnh: picture-alliance/Everett Collection

Sau biến cố đó, Argentina đã không tài nào gượng dậy nổi. Phần lớn các kế hoạch tái cấu trúc nợ do IMF đề xuất đều chẳng thể giúp giải quyết triệt để vấn đề, còn Buenos Aires thì bị giới đầu tư ngoại quốc bỏ rơi. Qua gần 10 lần tuyên bố “vỡ nợ”, GDP đầu người của 47 triệu dân nước này chỉ đạt khoảng 13 ngàn USD, chưa bằng 1/4 Âu Mỹ và kém xa Hàn Quốc hay Đài Loan. Ngày nay, bất cứ ai đến với Buenos Aires chắc chắn vẫn sẽ thích thú trước các công trình lịch sử, những tiệm cà phê ngoài trời thơ mộng và người dân đặc biệt thân thiện, hiếu khách,… song một tỷ lệ lớn tầng lớp tinh anh lẫn giới trẻ năng động đều đã và đang tìm đường xuất ngoại, để lại một nền kinh tế không mấy sáng sủa. Các chuyên gia tin rằng tình trạng tụt hậu vẫn sẽ tiếp tục kéo dài nếu Argentina không có những thay đổi cơ chế mạnh mẽ và sâu rộng.

Chú thích:
1. Tên gọi Argentina được bắt nguồn từ argentum trong tiếng Latin (mang nghĩa là “Bạc”). Việc sử dụng từ nguyên “Argentina” lần đầu có thể được tìm thấy trong bài thơ La Argentina y conquista del Río de la Plata (Argentina và cuộc chinh phục dòng sông bạc) của Martín del Barco Centenera vào năm 1602.
2. Mang đậm nét văn hóa châu Âu, Buenos Aires đôi khi còn được mệnh danh là “Paris phương Nam” hay “Paris của Nam Mỹ”.
3. Ở giữa, không nghiêng hẳn về bên nào giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.
4. Năm 1973, Peron trở lại chính trường và được bầu làm Tổng thống nhiệm kỳ 3, vợ ông Isabel Peron trở thành Phó Tổng thống. Tháng 7/1974, Peron qua đời vì trụy tim, Isabel lên thay nhưng bị thay thế bởi chính quyền quân sự chỉ sau hai năm.
5. Cuộc chiến kéo dài 10 tuần giữa Argentina và Anh quốc do tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Falkland & South Georgia và South Sandwich tại Nam Đại Tây Dương. Kết quả: Anh thắng, Argentina chịu rất nhiều tổn thất về uy tín và nền kinh tế lâm vào khủng hoảng.

Theo DW, World Bank