Các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ đã phát triển một lớp phủ trong suốt ngăn đọng hơi nước, chống mờ cho kính đeo và kính áp tròng.

Hiện tượng mờ kính xảy ra khi không khí ấm và ẩm tiếp xúc với một bề mặt tương đối lạnh, khiến hơi nước đọng lại. Hầu hết các lớp phủ chống mờ kính thương mại hoạt động bằng cách khiến cho bề mặt kính trở nên siêu ưa nước, khiến các giọt nước li ti dàn ra thành màng mỏng. Không may là các lớp phủ như vậy cũng tích tụ chất ô nhiễm. Một phương cách khác là khiến cho mặt kính siêu kị nước, ngăn không cho những giọt nước li ti đọng lại, nhưng điều này lại đòi hỏi tạo ra một bề mặt có kết cấu kích thước nano. Tìm ra một lớp phủ bền và siêu kị nước trên bề mặt kính là điều cực kì khó, theo Iwan Hächler ở Đại học ETH Zurich.

Mờ kính là một điều bất tiện với những người cận thị
Mờ mắt kính là một điều bất tiện với người dùng.

Hächler và các đồng nghiệp trong trường có một cách tiếp cận hoàn toàn khác, đó là dùng hơi nóng từ mặt trời làm tăng nhiệt độ bề mặt mắt kính để ngăn tình trạng đọng hơi nước. Họ kẹp một lớp vàng mỏng dày 10 nanomet giữa hai lớp titan dioxide nhờ phương pháp làm bay hơi bằng nhiệt. Lớp vàng này sẽ hấp thụ bức xạ hồng ngoại trong ánh nắng, khiến kính nóng thêm 8°C, nhờ thế mà ngăn được hơi nước đọng lại, duy trì độ trong suốt cho bề mặt kính.

Hiệu ứng tăng nhiệt nhờ ánh sáng cải thiện gấp 4 lần khả năng chống mờ mắt kính và gấp 3 lần khả năng loại bỏ lớp mờ, so với các mẫu mắt kính không được phủ. Nó hoạt động tốt ở môi trường trong nhà hay ngoài trời, thậm chí là cả những lúc trời nhiều mây.

“Lớp phủ này hoạt động hiệu quả ngay ngay cả khi cường độ ánh sáng yếu,” Hächler cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm lớp màng nano này trong nhiều ứng dụng thực tế, chẳng hạn như trên kính áp tròng và cho người dùng đeo khẩu trang FFP2, hay trên các tấm polyester dán cửa sổ, và nhận thấy hiệu quả của nó tốt hơn nhiều so với thí nghiệm đối chứng. Các nhà nghiên cứu đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho công nghệ mới.

Các nhà khoa học đánh giá đây là một ý tưởng thông minh, thú vị khi sử dụng lớp phủ quang nhiệt để chống hơi ẩm làm mờ mắt kính, giải quyết được vấn đề chống mờ cho bề mặt trong suốt trong môi trường có độ ẩm cao. Điểm hạn chế duy nhất là lớp màng này cần phải có ánh sáng hồng ngoại nên không thể phát huy hiệu quả ở chỗ tối.

Nguồn: