Thủy triều đỏ là hiện tượng bùng nổ số lượng tảo, nguyên nhân cá chết hàng loạt tại nhiều nơi trên thế giới.

thuy-trieu-do-la-gi

Hiện tượng thủy triều đỏ. Ảnh: Robert Scribbler

Bộ Tài nguyên Môi trường hôm nay công bố độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển; và hiện tượng thủy triều đỏ là nguyên nhân cá chết hàng loạt ở dải ven biển miền Trung.

Thủy triều đỏ, hay còn gọi là tảo nở hoa, là hiện tượng quá nhiều tảo sinh sản với số lượng nhanh trong nước. Tảo ở cửa sông, biển, hoặc nước ngọt tích tụ thường khiến mặt nước đục hoặc chuyển màu, có thể tím, hồng, xanh hoặc đỏ.

Thủy triều đỏ nhìn chung không liên quan đến chuyển động của thủy triều, vì vậy, các nhà khoa học thường thích dùng cái tên tảo nở hoa để mô tả hiện tượng này hơn. Thủy triều đỏ cũng không nhất thiết làm chuyển màu nước, khi mức độ tảo tích tụ không quá dày đặc.

Tuy vào loại tảo, thủy triều đỏ có thể sản sinh các độc tố tự nhiên, làm suy giảm oxy và gây ra các tác hại khác. Các nhà khoa học gọi đây là "hiện tượng tảo nở hoa độc hại" (HAB). Tác hại dễ thấy nhất của HAB là động vật biển hay các loài cá, giáp xác, thân mềm và các sinh vật khác chết hàng loạt.

Thủy triều đỏ cũng có khả năng gây hại cho sức khỏe con người, nếu ăn sinh vật bị nhiễm độc tố. Karenia brevis, loại tảo thường gặp ở vịnh Mexico, khi nở hoa có thể gây dị ứng mắt và ảnh hưởng đường hô hấp như ho, hắt hơi, chảy nước mắt. Những người bị bệnh hô hấp nặng hay kéo dài, như bệnh phổi mãn tính hoặc bệnh hen suyễn, có thể bị ảnh hưởng nặng.

Thực tế, không phải đợt bùng phát tảo biển nở hoa nào cũng có hại. Chúng có thể có lợi vì là thức ăn cho sinh vật trong đại dương.

Theo một cuốn sách của ông Kin-chung Ho, Đại học Mở Hong Kong, sự xuất hiện của thủy triều đỏ ở một số địa điểm dường như là hoàn toàn tự nhiên, do sự chuyển động của các dòng hải lưu nhất định. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng có thể do phú dưỡng hóa nguồn nước - thải quá nhiều vào nước chất dinh dưỡng như nitrat hay phốt phát từ hoạt động nông nghiệp hay hiện tượng nước trồi - dòng nước lạnhđặc vànhiều dinh dưỡngdi chuyển từ phía sâu lên bề mặt đại dương, thay thế dòng nước nóng hơn.

Yếu tố khác như bụi giàu sắt đến từ các vùng sa mạc rộng lớn như sa mạc Sahara được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra thủy triều đỏ. Một số lần thủy triều đỏ xảy ra ở Thái Bình Dương có liên quan đến biến đổi khí hậu quy mô lớn, như El Nino.

Theo Scientific American, công chúng thường cho rằng ô nhiễm môi trường là nguyên nhân dẫn đến thủy triều đỏ, vì các loại tảo HAB phát triển mạnh trên các chất dinh dưỡng chứa trong nước thải và chất gây ô nhiễm.Tuy nhiên, trong thực tế, chỉ có một số đợt HAB có thể liên quan đến ô nhiễm môi trường. Liên kết rõ ràng nhất có thể là với loại tảo Pfiesteria, thường gặp trong các vùng nước bị ô nhiễm. Trang này nhấn mạnh rằng chưa có kết luận về liên quan giữa Pfiesteria và ô nhiễm môi trường, nhưng các bằng chứng có vẻ khá mạnh.

Thủy triều đỏ khiến cá chết hàng loạt ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Mexico, Canada và Trung Quốc. Khoảng 36 tấn cá chết ở Hong Kong vào cuối năm ngoái được cho là do hiện tượng này.Năm 2013, thủy triều đỏ tại bờ biển đảo Borneo, phần do Malaysia kiểm soát (đảo chia làm ba phần thuộc chủ quyền của ba nước Brunei, Indonesia và Malaysia), làm hai người thiệt mạng, sau khi họ ăn sinh vật biển bị nhiễm độc.

thuy-trieu-do-la-gi-1

Cá chết do thủy triều đỏ. Ảnh:thewatchers