Mỗi khi bọ nhảy hay ốc sên ăn lá bạch anh xanh, chất ngọt rỉ ra từ những vết thương khiến kiến xuất hiện.
Quả mọng màu đỏ, lá xanh mướt và hoa sắc sỡ là những đặc điểm mà những loài động vật ăn thực vật chú ý khi tìm mục tiêu.
Mặc dù những quả của cây bạch anh xanh (Solanum dulcamara) chứa sẵn chất độc để ngăn chặn những côn trùng ăn thực vật, dường như chúng còn có một cách khác để bảo vệ bản thân. Vệ sĩ của chúng chính là kiến, tạp chí Nature Plants đưa tin.
Giáo sư Ankie Stepphuhn cùng các đồng nghiệp thuộc Đại học Mở ở thành phố Berlin, Đức phát hiện ít nhất 3 loài kiến lửa bò lên cây bạch anh xanh để ăn mật từ những vết thương trên lá. Những con kiến còn xua đuổi một số động vật như ấu trùng bọ nhảy và ốc sên.
“Vết thương của thực vật thường liền rất nhanh để ngăn chặn thất thoát dưỡng chất và sự lây nhiễm. Tuy nhiên, những vết thương trên lá bạch anh xanh không liền hoàn toàn mà tạo ra chất ngọt dưới dạng giọt. Chúng tôi thường thấy kiến ăn chất ngọt từ rìa vết thương".
Nhóm nghiên cứu nhận thấy kiến có thể bảo vệ bạch anh xanh trước hai kẻ thù “truyền kiếp” là ốc sên và bọ nhảy.
Bạch anh xanh có nguồn gốc từ châu Á và châu Âu, nhưng cũng mọc ở Bắc Mỹ, nơi nó là loài thực vật xâm lấn. Quả của nó chứa chất độc đối với con người và gia súc. Tuy nhiên, chất độc giúp cây ngăn chặn mối họa từ động vật. Những trường hợp người tử vong vì cây bạch anh xanh khá hiếm, song chất độc có thể gây đau dạ dày dữ dội và thường khiến nạn nhân phải vào bệnh viện.
Để kiểm tra xem sự hiện diện của kiến thực sự khiến ốc sên và bọ nhảy tránh xa cây bạch anh xanh hay không, các nhà khoa học đặt một hợp chất ngọt trên thân của một cây lành lặn (kẻ thù chưa tấn công).
Họ nhận thấy tổn thất trên lá của những cây có chất ngọt chỉ bằng khoảng 50% so với những cây không có. Ngay sau khi bọ nhảy ăn lá, cây tiết ra mật ngọt từ vết thường để kiến kéo tới và tấn công ấu trùng bọ nhảy. Ngoài ra kiến cũng tấn công ốc sên trên cây rất dữ dội.
Rất nhiều loài thực vật cũng sử dụng kiến để tự bảo vệ bản thân trước côn trùng và thậm chí động vật có vú. Chẳng hạn, kiến trên cây Acacia ở châu Phi có thể ngăn voi ăn lá bằng cách chui vào vòi voi và đốt. Trong những trường hợp như thế, cây có thể cho kiến chỗ ẩn náu hoặc nguồn cung cấp mật dồi dào từ hoa.
“Bằng cách tiết ra mật từ những vết thương, cây bạch anh xanh đã phát triển một phương pháp chiêu mộ vệ sĩ rất hiệu quả nhằm đề phòng các mối đe dọa”, nhóm nghiên cứu nhận xét.
Minh Phong