Là chất kích trái cây chín được dùng phổ biến hiện nay, ethephon giúp quả mau mềm, lên màu chín đẹp và rút ngắn thời gian thu hoạch.
|
Hóa chất kích chín có thể giúp chuối chuyển màu vàng đẹp. Ảnh minh họa: Wikipedia.
|
Hóa chất kích thích trái cây mau chín được sử dụng rộng rãi trên thế giới là ethephon, còn có tên thương mại là ethrel. Ethephon là hợp chất axit 2-chloroethylphosphonic (C2H 6ClO3P), được phát hiện vào năm 1965 và đăng ký sử dụng lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 1973.
Ethephon có nhiều cách sử dụng khác nhau tùy theo từng loài cây, nồng độ hóa chất và thời điểm dùng thuốc. Ethephon thúc đẩy quá trình phát triển của trái cây thông qua tác động đến những bộ phận khác nhau như cuống, vỏ quả. Tại Mỹ, ethephon được cấp phép ứng dụng trên nhiều loại quả như táo, dứa, dưa vàng, anh đào, dưa chuột, nho, ổi, cà chua, hạt macadamia, hạt óc chó, mía đường.
Cơ chế hoạt động của ethephon là giải phóng ethylene, hợp chất chuyển hóa chính được xem như "hormone gây lão hóa" ở thực vật, đóng vai trò thúc đẩy rau quả chính nhan, mềm ra và đổi màu. Sau khi sử dụng trên thực vật, ethephon nhanh chóng phân hủy thành phosphate, ethylene, và clorua, dễ dàng bay hơi hết trong quá trình vận chuyển trái cây.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), các nhà khoa học từng tiến hành hai nghiên cứu về ảnh hưởng của ethephon đến con người. Kết quả nghiên cứu cho thấy tình nguyện viên có các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi, đi tiểu, tăng hoặc giảm khẩu vị khi tiêm liều lượng ethephon trung bình 1,8 mg/kg mỗi ngày.
Từ năm 1980 đến 1986, có 4 trường hợp bị kích ứng da do tiếp xúc với hóa chất ethephon còn lưu lại trên cánh đồng ở California, Mỹ. Nhìn chung, chất này không gây ung thư và được xếp vào nhóm vô hại đối với con người. Nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Italy, Chile, Australia đã cấp phép sử dụng ethephon như chất làm chín trái cây hợp pháp trong nông nghiệp.
Lượng ethephon một người được phép hấp thụ mỗi ngày là 0,05 mg/kg. Tuy nhiên, việc sử dụng ethephon hiện nay chủ yếu mang tính tự phát, không theo liều lượng hoặc thời gian cụ thể, dẫn đến khả năng trái cây chứa lượng hóa chất vượt ngưỡng rất cao, đi kèm nhiều rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng.