Sau hơn 30 năm thương mại hóa, dù chưa có bất cứ bằng chứng khoa học rõ ràng nào về tác động tiêu cực của thực phẩm biến đổi gene nhưng nỗi sợ từ một bộ phận công chúng khiến loại thực phẩm này vẫn chưa được rộng đường phát triển.
Có trái tự nhiên? Cây trồng biến đổi gene (GMO) là cây trồng mang gene được chuyển từ cây trồng hoặc một sinh vật khác, có thể là động vật hay vi sinh vật, để tạo ra tính trạng mong muốn. Từ đâu mà con người lại có ý tưởng “đóng vai tạo hóa”, dường như can thiệp vào tự nhiên để chuyển gene từ sinh vật này sang sinh vật khác?
Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (USFDA), từ khoảng 8.000 năm TCN, con người đã sử dụng các phương pháp truyền thống như lai chọn lọc và lai chéo để lai tạo các loài thực vật và động vật có tính trạng tốt hơn, và hầu hết thực phẩm của chúng ta ngày nay đều được tạo ra bằng các phương pháp lai tạo truyền thống. Tuy nhiên, các phương pháp này thường mất thời gian, và có những tính trạng rất khó hoặc không tạo ra được bằng phương pháp truyền thống, ví dụ như khả năng kháng sâu, chống chịu thuốc trừ cỏ hay mang các chất dinh dưỡng vốn không có ở cây.
Với sự phát triển của kỹ thuật di truyền vào những năm 1970, các nhà khoa học đã có thể thực hiện những thay đổi tương tự một cách chính xác và trong thời gian ngắn hơn bằng cách chuyển các gene quy định tính trạng từ sinh vật khác vào bộ gene của cây trồng để tạo tính trạng mong muốn.
Ví dụ, giống ngô biến đổi gene NK66 Bt mang sự kiện chuyển gene Bt11 có tính trạng kháng sâu đục thân, hay đậu nành mang sự kiện chuyển gen MON87769 có tính trạng giàu axit stearidonic (axit béo thay thế omega 3) là hai trong số nhiều sự kiện biến đổi gene đã được công nhận tại Việt Nam.
Tuy nhiên, bản thân sinh vật cũng có thể tự trao đổi gene với nhau qua một quá trình hoàn toàn tự nhiên. Chuyển gene theo chiều ngang - sự trao đổi vật chất di truyền giữa các sinh vật cùng một loài hoặc khác loài mà không thông qua giao phối hay thụ tinh - rất phổ biến trong lịch sử tiến hóa. Gần đây các nhà khoa học ĐH Sheffield (Anh) phát hiện các gene chuyển theo chiều ngang ở 13/17 loài thực vật họ cỏ được nghiên cứu. Hay trong “Báo cáo đầu tiên về hiện tượng chuyển gene theo chiều ngang giữa thực vật và động vật”, các nhà nghiên cứu ghi nhận ruồi trắng có khả năng “đánh cắp” gene BtPMaT1 từ chính các loài thực vật mà chúng ăn nhằm tự bảo vệ khỏi chất độc glycoside phenolic do nhiều thực vật sản sinh để tự vệ trước loài gây hại này.
Như vậy, cây trồng biến đổi gene hoàn toàn không đi ngược lại tự nhiên mà chỉ là một nỗ lực của khoa học nhằm cải thiện và đẩy nhanh các quy trình tự nhiên và phương pháp lai tạo truyền thống để tạo ra các loại cây trồng và thực phẩm có chất lượng cao và khả năng thích ứng tốt hơn với môi trường đang thay đổi và ngày càng khắc nghiệt hơn.
Gọi sao cho đúng?
Lâu nay, báo chí thường đề cập đến thực phẩm biến đổi gene bằng cụm từ “GMO” (“genetically modified organism”) nhưng các chuyên gia đề xuất cách gọi “cây trồng chuyển gene” thay cho “cây trồng biến đổi gene” để tránh nhầm lẫn với “cây trồng chỉnh sửa gene” - ("genome editing crops"), tức loại cây trồng được tạo ra từ một công nghệ khác là CRISPR/Cas – được ví như chiếc “kéo cắt phân tử” có thể chỉnh sửa trực tiếp trên bộ gene của cây.
Hiện CRISPR/Cas được xem là phương pháp chính xác và hiệu quả nhất để cải tạo giống cây trồng. Trong nông nghiệp, hệ thống này cho phép tạo ra các đột biến theo định hướng, có thể tác động tới nhiều gen cùng một lúc, và các đột biến tạo được có thể không mang bất cứ trình tự DNA ngoại lai nào trong hệ gene.
Khác với cây chuyển gene, CRISPR/Cas sau khi thực hiện việc chỉnh sửa gene sẽ được loại khỏi hệ gene cây chủ thông qua quá trình phân ly để tạo ra các dòng đột biến ổn định tương tự như những đột biến xuất hiện tự nhiên hay qua xử lý hóa chất hoặc phóng xạ. Năm 2020, hai nhà khoa học Emmanuelle Charpentier và Jennifer Doudna đã được trao giải thưởng Nobel Hóa học cho việc phát triển phương pháp chỉnh sửa gene CRISPR/Cas.
Công nghệ này làm giảm đáng kể thời gian chọn tạo và đưa những giống cây trồng mới ra thị trường so với sử dụng các phương pháp truyền thống, vốn thường tốn rất nhiều thời gian để có thể cho ra đời một giống mới với tính trạng mong muốn. Cây chỉnh sửa gene còn được ví như “cây của người trung lưu” vì không đòi hỏi quá trình đánh giá rủi ro kéo dài và rất tốn kém, trái với cây chuyển gene.
Ở Việt Nam, các nhà khoa học ở nhiều đơn vị đã nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ chỉnh sửa gene. Nhiều sản phẩm tiềm năng đã được tạo ra nhưng hiện vẫn đang nằm trong các phòng thí nghiệm do Việt Nam chưa có chính sách quy định cây chỉnh sửa gene được trồng như cây truyền thống hay cây chuyển gene. Trong khi đó, ở Đông Nam Á đã có Thái Lan, Philippines và Singapore cấp phép trồng cây chỉnh sửa gene tương tự như cây trồng truyền thống nếu không chứa gene ngoại lai. Mong muốn của các nhà khoa học và nhà chọn giống là Việt Nam sẽ sớm đưa ra các chính sách cho cây trồng chỉnh sửa gene.
Chuyển dịch sang cây trồng chuyển gene, đặc biệt là cây trồng chỉnh sửa gene, cũng là xu hướng chung của thế giới. Năm 2014, một nhóm nhà khoa học về công nghệ sinh học tại Anh đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) nới lỏng các quy định về cây trồng chuyển gene. Tính đến năm 2014, nông dân châu Âu chỉ được phép trồng duy nhất một loại ngô chuyển gene, trong khi Mỹ đã chấp thuận tới 96 loại khác nhau. Đầu năm nay, Nghị viện châu Âu cũng đã bỏ phiếu về việc nới lỏng các quy định với cây trồng chỉnh sửa gene.
Vai trò không thể phủ nhận
Sau hơn 30 năm kể từ khi cây trồng chuyển gene đầu tiên được thương mại hóa trên thế giới, thực phẩm chuyển gene đã trở nên rất phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp, đảm bảo sinh kế cho người nông dân và an ninh lương thực toàn cầu.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, hơn 90% ngô và đậu tương đang trồng ở nước này là ngô và đậu tương chuyển gene, và con số tương tự cũng được ghi nhận ở các nước sản xuất lớn trên thế giới như Argentina, Brazil. Hiện nay Việt Nam đang nhập khẩu khoảng trên 90% đậu tương, hầu hết từ các nước như Mỹ, Argentina... Giá trị của ngô và đậu tương chuyển gene, cũng như cây trồng chuyển gene nói chung, là giúp giảm công chăm sóc và thuốc trừ sâu, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân, đồng thời đảm bảo sản lượng, năng suất để phục vụ an ninh lương thực trên thế giới.
Tại Việt Nam, đã có hơn 50 giống cây trồng và sản phẩm từ giống cây trồng chuyển gene được cấp phép làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, ví dụ như ngô biến đổi gene. Các vùng trồng ngô lớn cũng đang chuyển dịch sang trồng ngô chuyển gene do các dịch sâu hại rất lớn, đặc biệt là sâu keo mùa thu. Hiện người nông dân khi trồng các giống ngô chuyển gene kháng sâu thì thấy năng suất ổn định, không phải phun thuốc nhiều và sản phẩm vẫn tiêu thụ tốt.
Vì sao còn lo ngại?
Bất chấp những lợi ích to lớn nói trên, cây trồng và thực phẩm chuyển gene vẫn là tâm điểm của nhiều tranh cãi khi không ít người vẫn hoài nghi về khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới có những nhóm “anti-GMO” [phản đối sinh vật biến đổi gene] đã tìm mọi cách, mọi chứng cớ để nói cây trồng chuyển gene có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe song sau 30 năm vẫn chưa thể đưa ra một minh chứng cụ thể, thuyết phục về mặt khoa học.
Các chuyên gia khẳng định, hoàn toàn không thể xảy ra việc gene từ thực phẩm chuyển gene xâm nhập và làm biến đổi hệ gene của con người. Hãy tưởng tượng hệ gene của vi khuẩn bacillus - thường được dùng để tạo tính trạng kháng sâu cho cây - như một thư viện với rất nhiều cuốn sách. Loại vi khuẩn này có trong rau ăn hằng ngày, vì vậy toàn bộ “thư viện” gene của vi khuẩn này đã có trong hệ tiêu hóa của con người, và chúng ta vẫn chưa ghi nhận bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào. Vì vậy, sẽ không có lý do gì để lo ngại khi chúng ta đưa vào cơ thể chi một gene – cũng chỉ như một quyển sách trong thư viện đó. Tương tự, cho đến nay chưa có nghiên cứu hay báo cáo nào về hiện tượng chuyển gene theo chiều ngang từ các sinh vật khác vào cơ thể con người.
Nỗi sợ thực phẩm chuyển gene không chỉ xuất phát từ tâm lý con người mà còn được nhào nặn bởi rất nhiều thông tin sai sự thật và thuyết âm mưu lan truyền trên internet, chủ yếu xuất phát từ các nhóm anti-GMO không có chuyên môn khoa học nhưng ảnh hưởng có khi còn lớn hơn các nhà khoa học. Do vậy, để đẩy lùi những thông tin không chính xác, các nhà khoa học rất cần phải lên tiếng, chủ động đưa ra thông tin để mọi người hiểu đúng và giải thích những băn khoăn, thắc mắc của công chúng qua báo chí hay các diễn đàn. Đó là trách nhiệm của những người làm khoa học.
Có cần dán nhãn?
Nếu chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào về tác động tiêu cực của thực phẩm chuyển gene, liệu có cần dán nhãn đối với loại thực phẩm này? Các chuyên gia cho rằng việc dán nhãn vẫn cần thiết vì người tiêu dùng có quyền được biết về nguồn gốc của những thực phẩm họ tiêu thụ và lựa chọn thực phẩm không chuyển gene nếu họ vẫn còn băn khoăn. Tuy nhiên, cần phải làm rõ mục đích thực sự của việc dán nhãn là để nâng cao tính minh bạch và làm sáng tỏ chứ không phải để “hù dọa”, “cảnh báo rủi ro”. Ngoài ra, khi dán nhãn, người tiêu dùng có thể tự quan sát và so sánh về chất lượng của thực phẩm chuyển gene và không chuyển gene. Chính họ sẽ là minh chứng về mức độ an toàn của thực phẩm chuyển gene. Lúc đó, người dân sẽ tự cảm thấy bớt quan ngại hơn.
Bên cạnh đó, việc dán nhãn còn giúp các cơ quan chức năng dễ dàng quản lý thực phẩm chuyển gene hơn. Ví dụ, cùng là ngô chuyển gene, nhưng ở Việt Nam mới chỉ cấp phép những loại mang một số sự kiện chuyển gene nhất định. Khi dán nhãn, cơ quan quản lý có thể kiểm tra xem loại ngô đó có đáp ứng điều kiện tiêu thụ tại Việt Nam không.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết khó khăn lớn nhất trong việc gắn nhãn thực phẩm chuyển gene ở nước ta hiện nay là thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát. Việc ghi nhãn chủ yếu vẫn do các đơn vị sản xuất tự nguyện thực hiện. Thực tế, tinh thần tự nguyện này khó có thể phát huy trong bối cảnh vẫn còn những lo ngại về thực phẩm chuyển gene, và việc tuân thủ quy định về gắn nhãn có thể vô tình làm sản phẩm của mình “kém hấp dẫn” hơn trong mắt người tiêu dùng. Vì vậy, họ mong sớm có cơ chế kiểm tra, đánh giá để việc dán nhãn thực phẩm chuyển gen được thực hiện đồng bộ, thực chất, từ đó tạo niềm tin cho người dân.
Bài viết có sự hỗ trợ chuyên môn của một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ tế bào thực vật ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Đăng số 1310 (số 38/2024) KH&PT