Trong số bảy loài đinh lăng được ghi tên tại Việt Nam, mới chỉ có duy nhất một loài đinh lăng được khai thác sử dụng. Và trong số các bộ phận của loài cây có rất nhiều giá trị dược liệu này, mới chỉ có rễ đinh lăng được ứng dụng làm dược liệu cho các sản phẩm trên thị trường.
Nhắc đến đinh lăng, bên cạnh những món ăn dân dã được ăn kèm cùng với lá đinh lăng hay những bài thuốc dân gian cổ truyền trị mẩn ngứa, có lẽ hình ảnh mà nhiều người sẽ nghĩ ngay đến là hộp thuốc bổ não được chiết xuất từ loài cây phổ biến đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam suốt bao nhiêu năm nay. Khởi nguồn từ sản phẩm hoạt huyết dưỡng não ra đời vào năm 1995 của Công ty Traphaco, đến nay, cả nước đã có khoảng 130 số đăng ký thuốc và hàng trăm thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ đinh lăng, với tổng giá trị thị trường lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Những tưởng những con số này cho thấy đinh lăng đã phát triển rực rỡ, nhưng hóa ra, đó mới chỉ là một phần nhỏ những giá trị mà cây dược liệu quý này có thể đem lại. “Đinh lăng còn rất nhiều tác dụng tiềm năng khác như bảo vệ gan, chống viêm,... nhưng các sản phẩm từ đinh lăng hiện nay mới chỉ giới hạn ở tác dụng bổ não”, TS. Nguyễn Huy Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Traphaco - cho biết tại Hội thảo “Đa dạng hóa sản phẩm từ đinh lăng: Cơ hội và thách thức” do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) phối hợp với Traphaco tổ chức vào cuối tháng tám. “Thị trường sản phẩm từ đinh lăng có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, sản phẩm gia đình, đáp ứng nhu cầu toàn dân với tổng giá trị có thể đạt đến 5.000 tỷ vào năm 2025”.
Những bước tiến mớiĐược mệnh danh là “nhân sâm của người nghèo”, đinh lăng có lẽ là một trong những cái tên phổ biến nhất trong các bài thuốc dân gian suốt hàng trăm năm nay, dù đến năm 1961, cái tên này mới được nhắc đến trong cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Đỗ Tất Lợi. Trong đó, đinh lăng lá nhỏ (Polyscias fruticosa) là loài được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam, có nguồn gốc ở các vùng đảo Polynesia ở Thái Bình Dương, và hiện đã phân bố rải rác khắp cả nước. “Có 16 bài thuốc dân gian độc vị đinh lăng và phối hợp đinh lăng với các vị khác để chữa mệt mỏi, biếng vận động, lợi sữa, chữa đau tử cung, phòng kinh giật ở trẻ em, trị mẩn ngữa, trị tắc tia sữa, bổ khí huyết, chữa thiếu máu,...”, TS. Nguyễn Huy Văn chỉ ra đa dạng tác dụng của đinh lăng. Trong số đó, có 6/16 bài sử dụng lá, 10/16 bài sử dụng rễ và 3/16 bài sử dụng thân đinh lăng. Thế nhưng hiện nay, chỉ có rễ đinh lăng được khai thác để làm các sản phẩm bổ não. “Đã có khá nhiều nghiên cứu hay về thân và lá đinh lăng, nhưng chúng ta chưa tập trung vào đó. Cây đinh lăng này gần như không bỏ cái gì cả, và thời gian trồng thì dài, thường 5-7 năm mới thu hoạch. Nếu không tận dụng tài nguyên này và khai thác các tác dụng khác thì sẽ rất lãng phí”, ông cho biết. Chưa kể đến, đinh lăng lá nhỏ gần như là loài duy nhất được nghiên cứu và sử dụng tại Việt Nam. Các cái tên khác như đinh lăng lá to, đinh lăng lá trổ, đinh lăng lá tròn, đinh lăng lá ráng, đinh lăng lá đĩa, đinh lăng lá cơm cháy gần như chưa được tìm hiểu và khai thác.
Để phần nào giải quyết hạn chế này, năm 2020, Việt Nam đã bắt tay với Hàn Quốc thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ theo nghị định thư “Sàng lọc tác dụng sinh học và xác định thành phần hóa học có hoạt tính của một số loài đinh lăng (Polyscias) tại Việt Nam”. Với tổng ngân sách 3,8 tỷ đồng từ Nhà nước Việt Nam và 150.000 USD từ phía Hàn Quốc, nhiệm vụ được triển khai đến năm 2024 với đơn vị chủ trì nhiệm vụ là VKIST và đơn vị thụ hưởng chính các kết quả là Công ty Cổ phần Traphaco. Mục tiêu chính của nhiệm vụ bao gồm sàng lọc các tác dụng sinh học tiềm năng của các loài đinh lăng tại Việt Nam và xác định các thành phần hóa học có hoạt tính từ các mẫu được lựa chọn - những thông tin mà cho đến trước nghiên cứu này, các nhà khoa học vẫn còn chưa rõ dù đã biết các thành phần hóa hoc chính của đinh lăng gồm alcaloit, glucozit, saponin, flavonoid, tannin, vitamin B1 và 13 axit amin.
Sau bốn năm thực hiện, những kết quả mới từ nhiệm vụ này đã góp phần cung cấp cơ sở khoa học để tạo tiền đề giúp đinh lăng phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Một trong những kết quả nổi bật từ nghiên cứu là việc các nhà khoa học đã định tính, định lượng được thành phần chính trong rễ, thân, lá của đinh lăng lá nhỏ cũng như phân lập các hợp chất từ loài cây này. Theo TS. Vũ Thị Oanh (Phòng Công nghệ Sinh học, Viện VKIST), nhóm nghiên cứu đã xác định được hàm lượng trong rễ của đinh lăng oleanoic acid là 0.025 – 0.049 %, “một con số khá thấp”. “Bởi vậy chúng tôi đặt ra câu hỏi, tác dụng của rễ đinh lăng có thể đến từ một thành phần khác hay không?”, TS. Vũ Thị Oanh nhớ lại.
Đó là lý do họ tiếp tục nghiên cứu một thành phần khác và phát hiện ra polysaccharide trong rễ có khả năng bảo vệ các tế bào thần kinh, cũng như xác định hàm lượng polysaccharide trong rễ ở mức 23.48 – 26.70 % - một tỷ lệ rất cao. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng xác định được hàm lượng acid oleanoic trong thân là 0.056 – 0.066 % và trong lá là 0.826 – 1.548 %, còn hàm lượng quercitrin trong lá là 0.095 – 0.352 %. Họ cũng phân lập được 10 hợp chất, trong đó 1 saponin mới từ lá và 10 hợp chất gồm 1 phenolic mới từ rễ, cũng như khẳng định được khả năng bảo vệ tế bào thần kinh của đinh lăng lá nhỏ trên cả mô hình in vitro và in vivo.
Những thành tựu mới trong nghiên cứu đinh lăng còn được thể hiện ở bộ dấu vân tay mẫu đinh lăng lá nhỏ do Công ty CP Traphaco thực hiện. ThS. Vũ Hương Thủy - Công ty CP Traphaco cho biết, bộ dấu vân tay này có thể góp phần giải quyết các khó khăn trong kiểm soát chất lượng dược liệu đầu vào cho sản xuất thuốc cũng như vấn đề nguồn gốc khác nhau có thể dẫn đến thành phần hóa học khác nhau và cho tác dụng khác nhau của đinh lăng. Để xây dựng bộ dấu vân tay, nhóm nghiên cứu đã thu rễ, thân, lá của các mẫu đinh lăng lá nhỏ ở Nam Định, Gia Lai, Phú Yên, Phú Thọ, An Giang, sau đó xây dựng dấu vân tay bằng phương pháp phân tích và đối chiếu ADN vùng ITS-rADN, phân tích TLC và phân tích phổ sắc ký HPLC. “Kết quả sắc ký lớp mỏng cho thấy các thành phần saponin của hai loài đinh lăng lá nhỏ và đinh lăng lá ráng là gần như nhau và chúng khác nhau về hàm lượng. Các thành phần khác saponin triterpenoid (có thể là flavon, sterol,…) tạo nên sự khác nhau về thành phần hóa học của hai loài này. Từ đó, chúng ta có thể phân biệt được rễ, thân, lá đinh lăng lá nhỏ và đinh lăng lá ráng bằng TLC khi soi dưới đèn ở 254 nm hoặc 365 nm (trước khi phun thuốc thử hiện màu)”, ThS. Vũ Hương Thủy dẫn ra một ý nghĩa của nghiên cứu.
Đáng chú ý, từ đề tài này, các nhà khoa học từ Đại học Dược Hà Nội cũng đã bổ sung được phương pháp định lượng acid oleanolic trong rễ đinh lăng, hướng đến thiết lập chỉ tiêu định lượng acid oleanolic trong tiêu chuẩn chất lượng dược liệu rễ đinh lăng và xây dựng dự thảo tiêu chuẩn thân đinh lăng, hướng đến khai thác, sử dụng dược liệu này.
Để tiến ra thị trường?
Với diện tích trồng công nghiệp trên 1.000 ha và sản lượng tiêu thụ khoảng 3.000 tấn theo ước tính của Traphaco, đinh lăng còn rất nhiều dư địa để phát triển và nâng cao giá trị. Những kết quả nghiên cứu trên có thể phần nào đã bù đắp các khoảng trống thông tin về dược liệu đinh lăng và tạo tiền đề đề phát triển chuỗi giá trị sản phẩm. Nhưng, chỉ nghiên cứu sẽ là chưa đủ để đinh lăng trở thành viên thuốc mới hay là một sản phẩm hoàn chỉnh đặt trên kệ của các cửa hàng. Từ kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn trong ngành dược, TS. Nguyễn Huy Văn chỉ ra năm vấn đề có thể là thách thức để đa dạng hóa được các sản phẩm từ đinh lăng: Chính sách chưa rõ ràng (dù đã có khoảng 50 văn bản liên quan đến việc phát triển dược liệu ở Việt Nam), việc hiện đại hóa và tiêu chuẩn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, việc cấp phép, đăng ký sản phẩm còn phức tạp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ rất khó khăn, thiếu vốn và khó tiếp cận nguồn vốn, bên cạnh việc thiếu các nghiên cứu.
“Chúng ta phải thừa nhận là số đăng ký thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được cấp mới hằng năm không nhiều, nếu không nói là quá ít, cho nên phát triển thuốc dược liệu không dễ”, TS. Nguyễn Huy Văn cho hay. Đó là lý do nhiều công ty xoay sang công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe hay thực phẩm bổ sung.
Ông phân tích thêm, số đăng ký nguyên liệu làm thuốc từ dược liệu như cao, bột, cốm rất ít và cực kỳ khó khăn. “Điều này nói lên một điều là chúng ta chưa thực sự quan tâm đến chuẩn hóa nguồn nguyên liệu, chưa có thị trường cho bán thành phẩm dược liệu, tính chuyên nghiệp hóa chưa tốt. Các công ty dược chưa thay đổi được tư duy là phải chuyên nghiệp hóa mà công ty nào cũng tự mình chế biến tại phân xưởng”, TS. Nguyễn Huy Văn nhận xét. “Đã nói đến sản xuất phải nói về quy mô. Nếu các doanh nghiệp không thay đổi tư duy mà cứ tự mình làm tất cả, mỗi cái manh mún một tí thì không thể tối ưu chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp”.
Và đó là lý do Phó tổng Giám đốc Traphaco nhấn mạnh: “Muốn thành công thì bắt buộc phải liên kết”. Dược liệu để làm thuốc cho nên việc bán - mua cũng phải có điều kiện, cộng với phải có đơn vị đủ năng lực để sử dụng. “Nếu như không có liên kết giữa doanh nghiệp - nhà nước - nhà khoa học - người trồng dược liệu/nông dân thì không thể thành công được”, TS. Nguyễn Huy Văn nhận định.
Đây cũng là những điều mà PGS. TS Trần Văn Ơn - nguyên trưởng bộ môn Thực vật, trường ĐH Dược Hà Nội và là người chuyển hóa thành công nhiều cây thuốc, bài thuốc cổ truyền thành những sản phẩm bào chế hiện đại và tiện lợi cho người dùng từng chỉ ra. “Nếu coi nghiên cứu đến đây là đủ và các nhà khoa học dừng lại, chuyển sang làm cây khác thì làm bao đề tài cũng mãi thế thôi, không đi đến đâu cả”, ông từng chia sẻ với Tia Sáng vào năm 2021, ngụ ý đến một quá trình dài hơi ở phía sau nữa mới đến được công đoạn cuối cùng, “theo nghĩa là sản xuất ở nhà máy thật với mô hình tham số thật”.