Nhóm nghiên cứu tại Đại học Texas ở Austin (Mỹ) và các cộng sự đã phát triển thành công thuật toán có khả năng đọc suy nghĩ của mọi người từ dữ liệu quét não mà không cần chạm vào đầu của họ.

Các kỹ thuật đọc suy nghĩ trước đây chủ yếu dựa trên công nghệ cấy điện cực vào sâu trong não. Phương pháp mới dựa vào một kỹ thuật quét não không xâm lấn gọi là chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI), giúp theo dõi dòng chảy của máu giàu oxy qua não. Bởi vì các tế bào não đang hoạt động cần nhiều năng lượng và oxy hơn, do đó dữ liệu fMRI đóng vai trò là một thước đo gián tiếp về hoạt động của não.

Để tiến hành thí nghiệm, các nhà khoa học đã quét bộ não của một phụ nữ và hai nam giới ở độ tuổi 20 và 30 khi họ nghe các tệp âm thanh và chương trình radio khác nhau trong khoảng thời gian 16 giờ. Nhóm nghiên cứu đưa dữ liệu quét não vào một thuật toán máy tính gọi là “bộ giải mã” có nhiệm vụ so sánh các mẫu âm thanh với hoạt động não được ghi lại.

Sau đó, thuật toán có thể sử dụng một bản ghi fMRI bất kỳ để tạo ra một câu chuyện dựa trên dữ liệu quét não. Nội dung câu chuyện này trùng khớp với cốt truyện ban đầu của tệp âm thanh hoặc chương trình radio. Nói cách khác, bộ giải mã có thể suy ra câu chuyện mà mỗi người tham gia đã nghe hoặc suy nghĩ dựa trên hoạt động não của họ.

Về lâu dài, nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu phát triển công nghệ này để sử dụng trong các giao diện não-máy tính được thiết kế dành riêng cho những người không thể nói hoặc đánh máy.

Nguồn: Livescience.com