Trong thử nghiệm trên diện rộng, vaccine HIV của Johnson & Johnson chỉ có khả năng bảo vệ rất yếu đối với phụ nữ ở năm quốc gia châu Phi cận Sahara.

Đây là một kết quả đáng buồn, nhưng đã quá quen thuộc trong lĩnh vực nghiên cứu vaccine phòng chống HIV/AIDS.

Thử nghiệm của Johnson & Johnson (J&J) lần này, có tên là Imbokodo, so sánh hiệu quả của vaccine với giả dược, bắt đầu vào năm 2017 với sự tham gia của 2.600 phụ nữ ở Nam Phi và bốn quốc gia lân cận.

Một thử nghiệm của J&J một lần nữa cho thấy rất khó phát triển vaccine chống lại virus HIV.

Thử nghiệm Imbokodo đã nhận được sự hỗ trợ từ cả Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (NIAID) và Quỹ Bill & Melinda Gates. Kết quả, được J&J công bố ngày 31/8 trong một thông cáo báo chí, cho thấy 63 trường hợp nhiễm bệnh ở nhóm dùng giả dược so với 51 trường hợp ở những nhóm tiêm vaccine, tương đương với hiệu quả 25,2% - quá thấp và không hữu ích. Về mặt tích cực, thử nghiệm không cho thấy những lo ngại về an toàn.

Glenda Gray, người đứng đầu Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi và là người giám sát quy trình thử nghiệm, nhấn mạnh, Imbokodo đã cho thấy kết quả hứa hẹn hơn so với hai thử nghiệm vaccine HIV/AIDS khác mà bà đã tham gia điều hành và cho phép các nhà nghiên cứu thiết kế một loại vaccine tốt hơn trong tương lai.

Giám đốc khoa học của J&J, Paul Stoffels, cho biết, bất chấp thất bại, hãng vẫn tiếp tục thử nghiệm một loại vaccine tương tự trong một nghiên cứu khác có tên Mosaico, diễn ra ở châu Mỹ và châu Âu từ năm 2019, bao gồm 3.800 người chuyển giới và nam quan hệ tình dục đồng giới. Stoffels lưu ý, thử nghiệm Mosaico đã tìm được đủ người tham gia và đang đánh giá hiệu quả của một phiên bản cải tiến của vaccine để bảo vệ chống lại sự lây truyền qua trực tràng chứ không phải qua đường âm đạo. Ông nói, tạo ra vaccine HIV “là một thách thức lớn và [những kết quả này] thật đáng thất vọng, nhưng chúng tôi không bỏ cuộc”.

Cả hai thử nghiệm Imbokodo và Mosaico đều sử dụng kết hợp hai loại vaccine và tiêm cho người tham gia tổng cộng bốn liều. Loại thứ nhất là vaccine dựa trên adenovirus 26 (tương tự như vaccine COVID-19 của J&J), một phương tiện vận chuyển vô hại - trong vaccine này, adenovirus 26 chuyển bốn gen HIV vào tế bào người. Các gen HIV đó được thiết kế để tạo ra các protein HIV mà theo lý thuyết sẽ kích thích phản ứng miễn dịch để bảo vệ chống lại một loạt các chủng virus HIV. Loại thứ hai là vaccine dựa trên một phiên bản được biến đổi gen của protein bề mặt của HIV. (Khác biệt giữa Imbokodo và Mosaico là sử dụng các loại protein khác nhau.)

Theo Lawrence Corey, nhà nghiên cứu vaccine tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, người đồng lãnh đạo Mạng lưới Thử nghiệm Vaccine HIV của NIAID, chiến lược của J&J chủ yếu dựa vào việc kích hoạt sản xuất các tế bào T có thể xác định và loại bỏ các tế bào nhiễm HIV. Các nhóm khác đã thực hiện một cách tiếp cận khác, nghiên cứu sản xuất các kháng thể có thể ngăn chặn virus lây nhiễm vào tế bào. Corey nói, nếu chiến lược sử dụng tế bào T không chứng minh hiệu được quả trong tương lai gần thì "toàn bộ lĩnh vực [vaccine HIV] cần chuyển sang cách tiếp cận sử dụng kháng thể trung hòa".

Một số nhóm nghiên cứu đã bắt đầu thử nghiệm trên người các loại vaccine được thiết kế để tạo ra các kháng thể trung hòa mạnh chống lại HIV, nhưng khả năng là không có nhóm nào đủ điều kiện thực hiện các thử nghiệm hiệu quả diện rộng trong khoảng 4 năm tới, Corey nói. “Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm,” Corey nói thêm. “Có thể vaccine COVID sẽ dạy cho chúng tôi về cách đẩy nhanh tiến độ”.

Nguồn: