Muỗi Aedes aegypti hoang dã có thể mang các loại virus như chikungunya, sốt xuất huyết, Zika và sốt vàng da, vì vậy các nhà khoa học đã dùng muỗi biến đổi gen để giảm số lượng quần thể loài muỗi này trong tự nhiên.

Cụ thể, muỗi đực được biến đổi gen để mang một gen làm chết hoặc làm mất khả năng sinh sản của muỗi thế hệ sau. Về lý thuyết, khi được thả vào môi trường, muỗi đực biến đổi gen sẽ giao phối với muỗi cái hoang dã. Muỗi con là cái sinh ra sẽ chết, muỗi con là đực sẽ mang gen theo gen biến đổi và tiếp tục truyền sang thế hệ con cháu. Qua mỗi thế hệ, quần thể sẽ ngày càng ít muỗi cái và suy giảm giảm dần.

Thử nghiệm thực tế muỗi biến đổi gen ở Mỹ vừa hoàn thành, và Oxitec - công ty công nghệ sinh học thực hiện thử nghiệm - cho biết hành vi của đàn muỗi diễn ra như mong đợi, nhưng vẫn cần thử nghiệm ở quy mô lớn hơn để xác định hiệu quả của phương pháp này. Thử nghiệm được tiến hành từ tháng 4/2021 tại quần đảo Florida Keys. Trong bảy tháng, Oxitec đã thả gần năm triệu con muỗi Aedes aegypti biến đổi gen và để đảm bảo muỗi biến đổi gen thâm nhập vào toàn bộ quần thể, Oxitec đặt các hộp trứng muỗi khắp các khu vực trong địa bàn.

Theo kết quả công bố ngày 6/4, con đực nở ra từ trứng thường di chuyển trong phạm vi 1 hecta xung quanh hộp trứng, tương tự phạm vi hoạt động của A. aegypti hoang dã. Muỗi biến đổi gen có giao phối với quần thể hoang dã và đẻ trứng gần khu vực phóng thích và các địa điểm đẻ trứng thông thường của muỗi như chậu hoa, nắp thùng rác và lon nước ngọt.

Oxitec đã thu thập hơn 22.000 trứng muỗi để đưa về kiểm tra lại hiệu quả biến đổi gen trong phòng thí nghiệm. Kết quả, tất cả muỗi cái sinh ra đều chết trước khi đến tuổi trưởng thành. (Các nhà nghiên cứu có thể xác định đâu là muỗi mang gen đột biến và đâu là muỗi hoang dã hoàn toàn vì muỗi đột biến được thiết kế để phát huỳnh quang dưới một số ánh sáng nhất định.)

Về mặt di truyền, gen gây chết muỗi vẫn tồn tại trong quần thể hoang dã trong hai đến ba tháng (khoảng ba thế hệ muỗi), và sau đó biến mất.

Oxitec đặt các hộp trứng muỗi biến đổi gen ở Florida Keys.

Thử nghiệm của Oxitec không nhằm xác định liệu muỗi biến đổi gen có làm giảm số lượng muỗi hoang dã hay không. Oxitec có kế hoạch thu thập dữ liệu này trong các thử nghiệm tiếp theo ở Florida và California.

Nhưng ngay cả khi số lượng muỗi giảm thì cũng không có nghĩa là ngăn chặn được dịch bệnh, dịch bệnh vẫn có thể bùng phát kể cả khi số lượng muỗi ít. "Họ sẽ không thể chứng minh phương pháp này thực sự có tác động đến sức khỏe cộng đồng, vì vốn không có đủ trường hợp nhiễm virus do A. aegypti ở Mỹ," Thomas Scott, nhà côn trùng học tại Đại học California, cho biết. Để chứng minh hiệu quả kiểm soát bệnh, công ty phải đầu tư vào một thử nghiệm có đối chứng ở nơi khác, với quy trình giống như một thử nghiệm lâm sàng, và sẽ rất tốn kém.

Tuy vậy, Cơ quan Kiểm soát Muỗi Florida Keys (FKMCD) ủng hộ các thử nghiệm của Oxitec. “Chúng tôi đã gặp nhiều đợt bùng phát dịch bệnh, vì vậy chúng tôi phải làm mọi thứ có thể để bảo vệ người dân ở đây và nền kinh tế,” giám đốc điều hành của FKMCD cho biết. “Chúng tôi đang xem xét bất kỳ công cụ tiềm năng nào.”

Khu vực Florida Keys đã trải qua đợt bùng phát bệnh sốt xuất huyết vào năm 2010 với 68 ca và đợt bùng phát vào năm 2020 với 72 ca, theo FKMCD. Phần lớn cư dân ở đây ủng hộ dự án Oxitec, mặc dù một số người và các nhóm môi trường đã phản đối kế hoạch này. Đối với các kế hoạch tương tự, đặc biệt là liên quan đến vấn đề gây tranh cãi như biến đổi gen, rất cần tương tác với cộng đồng, theo Scott.

Các thử nghiệm tiếp theo của Oxitec ở Florida và California đã được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) phê duyệt vào tháng trước, và công ty đang chờ sự cho phép của cả hai bang.

Nguồn: