Tạo ra một môi trường để ai cũng có điều kiện phát huy tối đa tài năng của mình là điều kiện tiên quyết để sản sinh ra nhân tài. Còn để thành đạt một khối lượng sáng tạo lớn, mà Edison là trường hợp điển hình nhất, thì tri thức và kinh nghiệm của con người phải phát triển theo cấp số nhân qua kết quả lao động chứ không theo cấp số cộng.

Chỉ có niềm đam mê sáng tạo mới bảo đảm được quy luật phát triển theo cấp số nhân đó. Nói theo hình tượng toán học: cuộc đời là cấp số cộng của các sự kiện, trong khi sự nghiệp (sáng tạo) là cấp số nhân của các kết quả lao động. Có thể vì không lưu ý đến liệu pháp đơn giản đó mà chúng ta dường như đã mất đi khá nhiều nhân tài.

Nhà bác học Isaac Newton.
Nhà bác học Isaac Newton.

Trong số hàng vạn người đã và đang làm vật lý trên toàn cầu, không phải ai cũng được nhắc đến trong sách vở hoặc được thường xuyên trích dẫn trong các công trình khảo cứu. Lại cũng chỉ rất ít người trong số ít ỏi đó đã thật sự khai phá ra tòa lâu đài vật lý nguy nga ngày nay. Điều này không thể phủ nhận giá trị lao động của hàng vạn người, nó chỉ nhấn mạnh đến cấu trúc hình chóp của bất kỳ cộng đồng nào có cùng những mục tiêu chung. Đáng mừng là trong số 100 nhân vật “làm nên thiên niên kỷ” do tuần san “Ledde” bình chọn có đến 14 nhà vật lý, theo hướng cơ bản như Galileo (thứ 4), Newton (6), Conpernicus (19), Einstein (21), Descarte (32), Bohr (53), Faraday (70), M.Curie (75), hoặc ứng dụng như Edison (1), Marconi (27). Bell (31), Morse (39), Tesla (57), Vật lý học đã được nhìn nhận là ngành khoa học tiên phong tạo nên bộ mặt của thiên niên kỷ.

Nhưng ta hãy tạm gác chuyện vật lý lại để xem xét đôi nét đại thể trong bức tranh toàn cục của cuộc bình chọn. Đứng hạng “top ten” trong bản danh sách là Edison, Columbus, Luther, Galileo, L.da Vinci, Newton, Magellan, Pasteur, Darwin và Shakesppeare. Trong số 90 vị trí còn lại có Marx (18), Lenin (29), Mao (28), Gandhi (22), Pierre đại đế (77), Mandela (91), Kant (58), Beethoven (33), Picasso (78), Disney (90), Tolstoi (93), Lavoisier (80), Neumann (94), Mendel (35), Adam Smith (74)… lại cũng có cả Napoleon (12), Hitler (13) và Hốt Tất Liệt (23) , những người đã từng làm cho nhân loại điên đảo.

Theo Welss K.M (Human Biology, 56, 637, 1984), trong thiên niên kỷ vừa qua đã có khoảng 100 tỷ người từng sống trên Trái đất. Vậy mà chỉ có 100 người được mệnh danh là “làm nên” thiên niên kỷ, nghĩa là cứ 1 tỷ người mới có 1 người! Tạo hóa sao lại quá “bất công” để cho người này lại thành đạt gấp tỷ lần người kia? Mà nếu chấp nhận điều đó như một hiện tượng tự nhiên, thì làm sao có thể chọn ra 100 người trong số 100 tỷ người cho chính xác được? Lại còn phân ngôi thứ khá rành mạch cho họ. Dùng cái thước nào để đo? Bởi lẽ nếu cứ bằng mắt trần mà quan sát thì mọi ngôi sao trên bầu trời đều nằm trên cùng một thiên cầu cả thôi!

Nhà bác học Galileo.
Nhà bác học Galileo.

Trước hết đối với những ai quen nhìn con người qua tầm vóc bề ngoài, quen dùng cái thước, cái cân thông thường để đo chiều cao và trọng lượng, hoặc những ai hay bị ngộ nhận bởi những khái niệm “dân chủ công bằng” mơ hồ, chắc sẽ dễ dàng từ chối các câu hỏi trên. Tôi cao 1,6m, vào loại trung bình, nếu trong số 70 triệu người Việt Nam có ai đó độc nhất vô nhị cao đến 1,9m, thì anh ta cũng chỉ cao hơn tôi 30 phân thôi, đáng là bao! Trên thực tế, trong khi các đặc trưng nhân chủng học như chiều cao, cân nặng… có dạng phân bố gần đối xứng quanh những giá trị trung bình nào đó của cộng đồng, giống như hình quả chuông (phân bố normal hay Gauss) thì các đặc trưng về năng lực (và do đó cống hiến) của con người lại phân bố bất đối xứng trải dài về phía trên, mà trong toán học người ta gọi là phân bố logarit – normal. Hệ quả là những người siêu phàm thường thấy nhiều hơn những người dị dạng. Có lẽ chính vì thế mà Landau lúc sinh thời đã đề nghị dùng thang logarit – Normal. Thay cho thang tuyến tính nhằm thu gọn cho dễ thấy sự khác biệt về năng lực và cống hiến của các nhà vật lý xuất chúng. Cái thang tuyến tính mà chúng ta vẫn quen sử dụng hằng ngày chính là cái thước, cái cân được chia vạch ra đều nhau. Khi dùng thang logarit hệ 10 sẽ rút xuống thành 1, 100 thành 2, 100000 (=106) thành 6… Hơn nữa, thang logarit chia vạch không đều, vạch thứ 2 cách vạch thứ 3 xa hơn là vạch thứ 3 cách vạch thứ 4, và cứ thế.

Sau đây là một phương án minh họa ý tưởng dung thang logarit của Landau. Edison được xếp thứ 1 trên 100 tỷ, mà 100 tỷ = 1011, nên thang logarit Edison sẽ có điểm số cao nhất, bằng 11. Shakespeare đứng thứ 10 trên 10 tỷ, mà 10 tỷ = 1010, nên nhà soạn kịch nước Anh sẽ có điểm số mới là 10. Các "top ten") khác sẽ có điểm số giữa 11 và 10. Sau đó đến lượt các danh nhân từ thứ 11 (Napoleon) đến 100 Linnaeus (nhà thực vật học Thụy Điển) sẽ có điểm số giữa 10 và 9. Nếu tổ chức bình chọn “1000 người làm nên thiên niên kỷ) thì 900 người tiếp theo sẽ nằm giữa hai vạch 9 và 8… và cứ tiếp tục như thế, bất kỳ ai cũng có thể đưa tên mình lên danh sách, sánh vai cùng các danh nhân thế giới, thậm chí nếu bạn tự cho mình là người bét nhất, nghĩa là người thứ 100 tỷ trên 100 tỷ. Quả vậy, trên thang logarit bạn sẽ đứng ở vạch số 0, cũng chỉ cách người xuất sắc nhất hành tinh có 11 vạch, xem ra còn có vẻ công bằng và đỡ tủi thân hơn! Nhưng thủ pháp biểu diễn toán học này vẫn không che lấp được thực chất khác biệt rất xa về năng lực và cống hiến của con người.

Thomas Edison.
Thomas Edison.

Ví phỏng những người đại loại như chúng ta đang ngồi đây không đến nỗi quá “xấu số” để rơi xuống phía dưới vạch số 1, nhưng lại cũng đủ khiêm tốn để đừng đặt mình lên cao hơn vạch số 4-5. Tôi nhắc lại, dù sao đây cũng chỉ là thí dụ, bạn có thể cho điểm cao hơn hoặc thấp hơn thế. Tiếc thay, ngay trong cái cộng đồng với thang độ hạn hẹp ấy nhiều khi cũng chẳng có thước đo nào rành mạch cả. Đặt dấu bằng giữa tất cả mọi người là cách hành xử thường thấy nhất. Hậu quả là cộng đồng không phát triển được do thiếu cấu trúc hình chóp và chẳng có đầu đàn. Tệ hại hơn là cái thang giá trị lung tung vẫn thường được đem ra đo đạc, số bé có khi đặt trên số lớn. Thí dụ thành tích về học thuật thường được xem như đương nhiên tỷ lệ thuận với chức sắc. Nhưng ngay trong các hội đồng xét duyệt đề tài khoa học chuyên ngành, nơi mà thang giá trị thường rất rành mạch, thì cũng còn lắm vấn đề. Điểm đánh giá “xuất sắc” là phổ biến. Thực ra chỉ cần một hội đồng ba người có chuyên môn và tâm huyết còn hơn là một hội đồng chín người mới đầy đủ tước hiệu nhưng xa rời học thuật và thiếu trách nhiệm. Nhưng ai là người có chuyên môn, có tâm huyết? Vì không có lời giải cho câu hỏi này nên cách tốt nhất là cứ theo phương án chín người cho dân chủ.


Trong sự nghiệp khai phá của các vĩ nhân làm nên thiên niên kỷ, niềm đam mê sáng tạo là nguồn sức mạnh vun đắp tài ba, năng lực và làm rạng danh nhân cách của họ.

Sẽ hết sức sai lầm nếu phủ nhận vai trò của công tác quản lý lãnh đạo như một nghề nghiệp cao quý và quan trọng. Trong số 100 nhân vật làm nên thiên niên kỷ có khoảng 15 người đã từng cầm đầu các đế chế hoặc là nguyên thủ quốc gia. Nhưng Mandela được bình chọn không phải vì ông ra làm Tổng thống Nam Phi trong năm năm, mà vì bị cầm tù trong 30 năm, vì ông là biểu tượng cho cuộc đấu tranh của người da đen chống chủ nghĩa Apartheid kéo dài hơn 400 năm. Trong danh sách cũng có vài người đã từng giàu có nhất thế giới như Henry Ford (14), Rockfeller (51), nhưng họ được bầu chọn để tôn vinh sự làm giàu bằng phát minh sáng chế và khi chết đi họ đã cống hiến tài sản cho các quỹ phát triển xã hội của hậu thế.

Đa số những người làm nên thiên niên kỷ là những bậc thiện nghệ về chuyên môn, học thuật nhưng lại thường xuất thân từ những gia đình bình thường: Einstein (21) phát minh ra hiệu ứng quang điện và thuyết tương đối khi đang làm nhân viên ở Cục Sáng chế Thụy Sĩ. Faraday (70) nhờ làm thợ đóng sách tại London mà có cơ hội đọc rất nhiều và nảy ra ý định làm các thí nghiệm về điện. Còn Edison, người đứng đầu bảng danh sách bình chọn, thì chỉ được học trong nhà trường có ba tháng, lên 12 tuổi làm nghề bán báo, 16 tuổi làm điện báo viên và bắt đầu cuộc đời sáng chế phát minh từ đó. Nhờ bán được một số máy điện báo do ông chế ra. Edison mới có tiền để lập ra phòng thí nghiệm riêng của mình, rồi từ đó có đến hơn 1000 bằng phát minh sáng chế. Bell (31), người phát minh ra điện thoại và lập ra phòng thí nghiệm Bell Telephone (hiện nay là AT&T) mà từ đây đã sản sinh ra hàng chục phát minh Nobel của thế kỷ 20. Bell đã bắt đầu cuộc sống ở Mỹ lúc 24 tuổi bằng nghề dạy học cho những người câm điếc.

Không thể hình dung được tại sao trong lịch sử dài dằng dặc suốt gần hai thiên niên kỷ người ta vẫn cứ tin theo Aristotle rằng vật nặng rơi nhanh hơn vật nhẹ. Mãi cho đến năm 1589 khi Galileo (4) thả hai viên bi nặng nhẹ khác nhau từ trên đỉnh tháp nghiêng Pisa xuống đất để cho mọi người chứng kiến tận mắt rằng vận tốc của hai viên bi đó chẳng khác gì nhau, thì ông ta buộc phải thôi việc và chịu bao nhiêu khổ ải khác, vì dám cả gan cãi lại Aristotle. Cái thí nghiệm quá đơn giản của Galileo đã đánh dấu một bước nhảy vọt trong lịch sử nhận thức nhận thức của Con Người: làm thực nghiệm để tìm ra chân lý chứ không phải “phán nhăng cuội” theo kinh thánh (tôi dùng từ hơi mạnh, thật ra người ta vẫn hay ghép các kiểu phán đó vào một loại khoa học gọi là speculative science). Năm 1609, Galileo đã sáng chế ra kính viễn vọng có độ phóng đại 20 lần, nhờ đó đã phát hiện các vết đen trên Mặt trời, núi non thung lũng trên Mặt trăng, các pha tròn khuyết của sao Kim, bốn vệ tinh của sao Mộc, đoán nhận có các sao nằm trong dải ngân hà. Tầm mắt con người đã vươn tới vũ trụ xa xăm! Những quan sát đó củng cố thêm lòng tin của ông vào thuyết nhật tâm của Copernicus(19), mà đã thế thì chống lại thuyết địa tâm của Ptolemy, tức là chống lại Nhà thờ. Ông bị cấm không được viết và nói: Trái đất quay quanh Mặt trời. Bất chấp phán quyết đó, ông vẫn viết nên đã bị kết tội chung thân (sau đó chuyển thành quản thúc vĩnh viễn tại gia), sách của ông bị đốt, tội trạng của ông được tuyên đọc ở khắp các trường đại học. Đáng buồn thay, tội của Galileo vẫn cứ bị treo đó trong suốt bốn thế kỷ văn minh nhất loài người vừa qua. Mãi cho đến năm 1992, Giáo hoàng John Paul II mới chịu nhận sai lầm của Vatican, nhưng cũng phải 13 năm sau khi tổ chức hội đồng xem xét lại vụ án Galileo dưới áp lực của hội Thiên văn quốc tế.

Sự tôn vinh Galileo lên vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng có thể vẫn còn chưa công bằng. Bởi lẽ chính nhờ có Galileo mà phần còn lại của nhân loại, trong đó có các bậc siêu nhân quyền quý, mới nhận ra sự yếu kém của mình. Không khí ngột ngạt bao trùm lên vụ hỏa thiêu Bruno và vụ án Galileo đã làm vẩn đục các giảng đường khiến Newton (6) luôn luôn e sợ trình bày và công bố các công trình nghiên cứu của mình. Mặc dù là người đầu tiên phát minh ra tính toán giải tích, trong một thời gian dài phát minh này vẫn chỉ gán cho nhà toán học Đức Leibniz. Phát minh của Newton về sự trộn lẫn các màu sắc trong ánh sáng Mặt trời đã bị các “đồng nghiệp” tại Cambridge công kích gay gắt. Tệ hại hơn, sau khi xuất bản cuốn “Principia”, có một nhà vật lý đã kiện Newton đánh cắp công thức của ông ta về lực vạn vật hấp dẫn (lực tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa hai vật).

Trong sự nghiệp khai phá của các vĩ nhân làm nên thiên niên kỷ, niềm đam mê sáng tạo là nguồn sức mạnh vun đắp tài ba, năng lực và làm rạng danh nhân cách của họ. Sống với nguồn năng lượng đó rất khó xảy ra tình trạng một nhân cách có vấn đề trong một tài ba lớn. Cũng chính niềm đam mê sáng tạo mới có thể giải thích nổi hiện tượng Edison (1): trong một đời người có đến 1000 bằng sáng chế phát minh. Việc Edison được bình chọn là người số 1 để tôn vinh sức sáng tạo huyền diệu của con người khiến ta không thể từ chối lý giải hiện tượng Edison mà vội chặc lưỡi cho rằng đó là một trường hợp siêu nhiên. Vả lại nếu hàng chục tỷ người khác có được hoàn cảnh thuận lợi như Edison ở Mỹ để phát huy tài năng thì biết đâu nhân loại còn có thêm nhiều Edison nữa./.