Hiện tượng nhật thực và nguyệt thực từng khiến người cổ đại cho là dấu hiệu của ngày tận thế.

Các nền văn minh cổ đại coi thiên thực là điềm xấu. Ảnh: LiveScience.
Các nền văn minh cổ đại coi thiên thực là điềm xấu. Ảnh: LiveScience.

Mặt Trăng đã đổ bóng lên một phần lãnh thổ Mỹ ngày 21/8 khi đi vào giữa Trái Đất và Mặt Trời, tạo nên sự kiện nhật thực toàn phần được nhiều người chờ đợi. Tuy nhiên, các nền văn minh cổ đại không chào đón nhật thực hay nguyệt thực vì cho rằng chúng là dấu hiệu của ngày tận thế, theo LiveScience.

Những ghi chép đầu tiên về thiên thực có từ khoảng 5.000 năm trước, nhưng đều gắn liền với sự kinh ngạc và sợ hãi của các nền văn minh loài người.

Theo E.C. Krupp, nhà thiên văn học của Đài Thiên văn Griffith ở Los Angeles, Mỹ, con người thời cổ đại theo dõi sự chuyển động của Mặt Trời, Mặt Trăng để phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của mình. Mặt Trời mọc và lặn hàng ngày trong khi Mặt Trăng tròn mỗi tháng. Bởi vậy, khi hiện tượng nhật thực hay nguyệt thực xảy ra, họ đều coi đây là sự rối loạn lớn trong trật tự vũ trụ, thậm chí là ngày tận thế.

Các nền văn hóa sơ khai tôn thờ Mặt Trời và Mặt Trăng là các thực thể siêu nhiên hay các vị thần hiện hữu nhưng ngoài tầm với trên bầu trời. Nhật thực làm Mặt Trời tối đen, hay nguyệt thực làm Mặt Trăng chuyển màu đỏ đều được coi là điềm báo về thảm họa siêu nhiên, theo Krupp.

Trong giải thích của nhiều văn hóa, nhật thực xảy ra do sinh vật huyền bí nuốt chửng Mặt Trời. Lời giải thích này phù hợp với quá trình Mặt Trời bị Mặt Trăng che khuất từng phần như bị cắn.

Theo Krupp, sinh vật huyền bí ăn thịt Mặt Trời được giải thích là con ếch trong văn hóa Đông Á, là sư tử núi trong khu vực dãy Andes ở Nam Mỹ, hai con sói trong văn hóa Na Uy hoặc thiên khuyển trong văn hóa Trung Quốc. Truyền thuyết Maya khắc họa quỷ sao bằng hình ảnh rắn hoặc côn trùng khổng lồ, ám chỉ sao Kim, sao Thủy xuất hiện khi bầu trời tối đi.

Đối phó hiện tượng này, con người sáng tạo ra các vũ điệu thiên thực. Người Kwakiutl ở tây bắc Thái Bình Dương đốt lửa và gây tiếng động để xua đuổi sinh vật ăn Mặt Trăng. Con người cũng nghĩ đến việc bắn mũi tên lên trời để xua đuổi hoặc giết chết quái vật làm đảo lộn vũ trụ. Họ tin rằng mũi tên lửa mang ánh sáng và nhiệt để khôi phục Mặt Trăng hoặc Mặt Trời.

Truyền thống tạo tiếng động để bảo vệ Mặt Trời, Mặt Trăng khi có thiên thực có lịch sử ít nhất 2.000 năm và còn tồn tại đến ngày nay ngay tại Đài Thiên văn Griffith. "Khi thiên thực đạt cực điểm, chúng tôi biết mình có trách nhiệm bảo đảm Mặt Trời hoặc Mặt Trăng sẽ quay trở lại. Vì vậy, một vài người sẽ mang nồi, chảo ra gõ", Krupp nói.