“Thiên nga đen” được dùng như một cụm từ để chỉ những hiện tượng “xuất chúng”, “dị biệt”, vượt ngoài khả năng dự đoán của con người, có tác động xã hội mạnh mẽ.

Và điều buồn cười là, sau đó, con người lại dựng lên một câu chuyện hợp lý để giải thích cho sự ngu ngốc của mình và khiến mọi thứ có vẻ bớt hỗn loạn.

Nhà thống kê, chuyên gia giao dịch chứng khoán, nhà triết học Nassim Nicholas Taleb cũng sử dụng chính hiện tượng này để đặt tên cho cuốn sách gây tiếng vang lớn của ông: “Thiên nga đen: Xác xuất cực nhỏ, tác động cực lớn”.

Nhà triết học Nassim Nicholas Taleb.

Thành công rực rỡ của Google là một thiên nga đen; phong trào chính thống Hồi giáo, sự nổi lên của Internet, các vụ sụp đổ thị trường chứng khoán, vụ khủng bố 11/9... - tất cả những sự kiện này đều tiềm ẩn những yếu tố mang tính “Thiên nga đen”, một sự bất định không thể đo lường, rất khó dự đoán nhưng để lại nhiều cú sốc khổng lồ.

“Ý tưởng trọng tâm của cuốn sách này nói về sự mù tịt của chúng ta về tính ngẫu nhiên, đặc biệt là những độ lệch lớn: Vì sao chúng ta, dù có là nhà khoa học hay không, là người nổi tiếng hay dân thường, đều chỉ nhìn thấy những đồng xu thay vì đồng đô-la? Vì sao chúng ta toàn chú trọng vào những chi tiết vụn vặt mà không quan tâm tới bằng chứng rõ ràng về ảnh hưởng to lớn của các sự kiện tầm cỡ mang tính trọng đại có thể xảy ra?”, ông viết.

Taleb lưu ý rằng, để thực sự hiểu về thế giới này, chúng ta cần phải khiêm tốn hơn với những mô hình của mình, và cẩn trọng với những thứ tưởng như không thể xảy ra, vậy mà lại có thể xuất hiện. Như lời tác giả than phiền, “bất kể bằng chứng thực tế, chúng ta tiếp tục dự đoán tương lai như thể mình rất giỏi việc đó”.

Vì vậy, một trong những đối tượng bị chỉ trích nhiều nhất trong cuốn sách này là các chuyên gia, những người tin vào các đường cong hình chuông, nơi hầu hết sự phân phối mang tính bình thường, có thể biết trước và mọi chuyện đều trong tầm kiểm soát.

Từ những nhà Nobel kinh tế gạo cội (ông gọi các lý thuyết về các thị trường vốn của Harry M. Markowitz và William F. Sharpe, giải Nobel năm 1990, là "vị thuốc dởm" mà ai trong ngành cũng biết là lừa đảo) đến vị CEO nổi tiếng (ông cho rằng thành công của họ phụ thuộc nhiều vào may mắn hơn là năng lực hay kỹ năng) và các chuyên gia tài chính hay thị trường chứng khoán (ông cho rằng họ đáng lẽ phải biết xấu hổ khi phần lớn kết cục những dự báo của họ không khác biệt nhiều so với một người không chuyên tập đoán mò), Taleb đi vào mọi lĩnh vực để thức tỉnh những người vẫn còn tin rằng thế giới chỉ có thiên nga trắng... cho đến khi họ bị sốc bởi một con thiên nga đen.

Cuốn sách không cố gắng dự đoán những hiện tượng Thiên nga đen (một điều gần như không thể) mà khuyến khích người đọc sử dùng những hiểu biết về nó để có thể tự xây dựng những mô hình mạnh mẽ hơn, tránh bị tổn thương bởi các sự kiện bất ngờ.

Ông mời chúng ta thử tưởng tượng về con gà tây. “Lấy ví dụ về một con gà tây được cho ăn mỗi ngày. Việc mỗi ngày được cho ăn sẽ giúp con gà tin rằng quy luật chung của cuộc đời là nó sẽ được cho ăn mỗi ngày bởi những con người thân thiện “luôn vì lợi ích tốt nhất của nó”, đúng theo cách mà chính trị gia hay nói. Vào buổi chiều trước Lễ Tạ ơn, có chuyện bất ngờ xảy đến với con gà tây đó. Nó sẽ phải tự xem xét lại niềm tin của mình.»

Bởi vậy, lập trường của cuốn sách là một sự kiện được phân loại “Thiên nga đen hay trắng” sẽ tùy thuộc vào vị trí người quan sát. Đối với con gà tây, ngày Lễ Tạ ơn là một sự kiện hoàn toàn bất ngờ, giống như toàn nước Mỹ trong ngày 11/9; nhưng đối với người làm thịt gà thì mọi chuyện chẳng có gì là “đột biến”.

Ông viết “bài toán về con gà tây có thể được áp dụng vào bất kỳ tình huống nào mà bàn tay cho bạn ăn cũng chính là bàn tay vặn cổ bạn.”