Thị trường fintech của Việt Nam đang chứng kiến ​​sự tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là khi cả bốn kỳ lân công nghệ nội địa đều tham gia vào lĩnh vực này (VNLife, MoMo, Sky Mavis, VNG sở hữu ZaloPay). Ai đang chiếm lĩnh thị trường? Cuộc đua “đốt tiền” liệu có hiệu quả? Các startup nên làm gì để tạo ra sự khác biệt?

Sự nở rộ của các startup fintech

Fintech là viết tắt của từ Financial Technology (công nghệ tài chính), được sử dụng để chỉ tất cả các công ty sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư. Thị trường fintech Việt đang ngày càng đa dạng với nhiều lĩnh vực như ngân hàng số (digital bank), ví điện tử (E-wallet), mua trước trả sau (BNPL)…

Một trong những dấu ấn đầu tiên trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam là sự xuất hiện của MoMo. Thực chất MoMo ra mắt từ tháng 10/2010 nhưng dưới dạng dịch vụ liên kết giữa mạng điện thoại VinaPhone với các hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam, cho phép các thuê bao di động thực hiện thanh toán, chuyển khoản ngay trên thiết bị của họ. Phải đúng năm năm sau đó, MoMo mới chính thức được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép, đảm bảo tiền trong ví là tiền thật và được bảo chứng.

Dịch vụ thanh toán vẫn là phân khúc lớn nhất, chiếm 31% số lượng các công ty khởi nghiệp fintech tại Việt Nam; tiếp đến là P2P lending (17%), blockchain (13%), POS (7,5%), quản lý tài sản (7,5%...). Trong ảnh: MoMo là siêu ứng dụng có số người sử dụng nhiều nhất Việt Nam. Ảnh: MoMo

Dù lúc bấy giờ ứng dụng này có hàng trăm nghìn lượt tải về, trở thành một trong năm ứng dụng tài chính có số lượt tải cao nhất trên Google Play, nhưng không nhiều người tin rằng MoMo sẽ làm nền kỳ tích. “Không thể hiểu được vì sao không trả tiền mặt cho nhanh mà phải chuyển tiền về một ứng dụng, rồi dùng ứng dụng đó để thanh toán” là một trong những nhận xét phổ biến nhất trên mạng xã hội khi ấy về MoMo. Gần 10 năm sau đó, MoMo trở thành đại diện đầu tiên của Việt Nam có mặt trong Fintech50 (do hai tổ chức tài chính H2 Ventures và KPMG đánh giá độc lập). Cuối năm 2021, siêu ứng dụng MoMo công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ năm Series E với số tiền huy động khoảng 200 triệu USD, đưa định giá công ty vượt mốc 2 tỉ USD, chính thức trở thành kỳ lân công nghệ mới của Việt Nam và khu vực.

Sự thành công của MoMo - một hãng fintech nội địa - đã thu hút các doanh nghiệp đối thủ nước ngoài “nhảy” vào thị trường giàu sức hút này, giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường fintech cạnh tranh nhất châu Á. Hàng chục doanh nghiệp, bao gồm cả những gã khổng lồ công nghệ Đông Nam Á như Sea và Grab, cũng đã tham gia vào cuộc đua giành thị phần fintech ở Việt Nam và đang trong giai đoạn “đốt tiền” để thu hút người tiêu dùng.

Cho đến hiện tại, Việt Nam đang có bốn kỳ lân công nghệ được định giá trên 1 tỷ USD là VNG, VNLife, MoMo và Sky Mavis. Trong số bốn công ty này, có hai công ty thuộc lĩnh vực fintech là VNLife và MoMo. Thực chất VNG cũng tham gia vào cuộc chơi khi sở hữu một công ty con trong lĩnh vực fintech là ZaloPay. Còn Sky Mavis mặc dù tập trung vào mảng trò chơi trực tuyến nhưng cũng gắn liền với hệ sinh thái tiền mã hóa.

Được thành lập vào năm 2018, Sky Mavis phát triển các trò chơi và sản phẩm dựa trên blockchain, đồng thời sáng lập ra Axie Infinity - được mô tả là một “vũ trụ thú cưng kỹ thuật số nằm trên blockchain” và là một trong những ứng dụng phổ biến nhất của tiền mã hóa cho đến nay, với hơn 2 triệu người dùng hoạt động hằng ngày.

Axie Infinity là một trò chơi điện tử trực tuyến cho phép người chơi thu thập và đúc các mã NFT (Non-Fungible Token, các Token có tính độc nhất và không thể thay thế) đại diện cho vật nuôi kỹ thuật số được gọi là Axies. Những sinh vật này có thể được lai tạo và chiến đấu với nhau trong trò chơi. Người chơi Axie Infinity cũng có thể mua đất ảo và các tài sản trong trò chơi khác dưới dạng NFT.

Nói thế không có nghĩa thị trường fintech Việt Nam hiện tại là sân chơi riêng của một vài tên tuổi lớn. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện có đến hơn 160 công ty phát triển trong lĩnh vực công nghệ tài chính, gấp khoảng 4 lần so với năm 2017. 70% trong tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp mới vào năm ngoái tập trung vào lĩnh vực fintech.

Số lượng các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam luôn tăng trưởng mỗi năm, từ 39 công ty (năm 2015) lên 44 công ty (năm 2017) và 124 công ty (năm 2019) (Vietnam Fintech Report 2020). Trong giai đoạn 2017 - 2020, số lượng những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam tăng hơn 179%. Trong đó, dịch vụ thanh toán vẫn là phân khúc lớn nhất, chiếm 31% số lượng các công ty khởi nghiệp fintech; tiếp đến là P2P lending (17%), blockchain (13%), POS (7,5%), quản lý tài sản (7,5%...).

Không một người Việt nào nghiện mua sắm trực tuyến trên các trang thương mại điện tử lại không biết đến Shopee và Ví điện tử ShopeePay. Với sản phẩm Ví điện tử ShopeePay, người dùng sẽ được hưởng vô số khuyến mãi độc quyền từ Shopee. Đến mùa khuyến mãi, nhiều người sẽ khoe trên các hội nhóm Facebook hình ảnh mình mua một chiếc xe máy, tủ lạnh, quần áo với giá rẻ… như cho, nhờ áp dụng các mã giảm giá và xu tích lũy. Thậm chí hình ảnh các tài xế giao hàng bày hàng chục hộp hàng trước một toà nhà văn phòng để chờ từng người xuống lấy không còn là hình ảnh xa lạ hay “gây sốc”. Các khuyến mãi trên Ví điện tử ShopeePay giúp người mua hàng cảm thấy mình đã mua được món hời, và tiếp tục quay lại “săn” sản phẩm.

Ví điện tử ShopeePay đã hai lần đổi tên, trước là TopPay, sau đó là AirPay. Giữa năm 2021, Airpay đã liên kết với Shopee và đổi tên thành ShopeePay. “Rất tiện lợi khi ví điện tử tích hợp vào ứng dụng mua sắm trên điện thoại. Tôi có thể sử dụng Shopee để thanh toán đơn hàng, mua vé xem phim và nạp tiền điện thoại. Nhiều cái lợi”, anh H, 25 tuổi, trú tại TP.HCM, chia sẻ.

Tạo ra sự khác biệt

Một trong những yếu tố quyết định thúc đẩy thị trường fintech Việt Nam phát triển chính là sự bùng nổ của đại dịch. Tại Diễn đàn “Quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính, thúc đẩy hoạt động Fintech và ngân hàng số tại Việt Nam” do VCCI tổ chức cách đây hai tháng, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, cho biết năm 2021 đã chứng kiến những bước tiến nhảy vọt của thị trường fintech Việt Nam, Fintech Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể nhờ việc mở rộng các hình thức thanh toán số cũng như việc áp dụng ngày càng nhiều các giao dịch kỹ thuật số và sự phát triển của thị trường thương mại điện tử.

Năm 2021, Chính phủ đã phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile - Money), phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, và đến cuối năm thì chính thức cấp phép thí điểm cho Mobile - Money. Sự thúc đẩy của đại dịch cùng sự hỗ trợ của chính phủ đã giúp fintech hiện là mảng khởi nghiệp hàng đầu ở Việt Nam trong những năm gần đây (26,6%), theo sau đó là thương mại điện tử (20,3%), công nghệ giáo dục (edutech), công nghệ y tế (healthtech) và phần mềm dịch vụ (6,3%).

Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách liên quan đến việc hỗ trợ phát triển fintech, nhưng khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực này chưa đầy đủ và hoàn thiện. Trong một hội thảo, ông Thẩm Trung Hiếu - Chuyên gia pháp lý, Quỹ đầu tư ThinkZone cho biết với startup, nhất là trong lĩnh vực fintech, để đảm bảo dòng tiền, nguồn vốn vay là yếu tố rất cần thiết. Startup thường chưa có tài sản đảm bảo nên rất khó vay được ở ngân hàng thông thường. Nếu vay từ quỹ cho vay nước ngoài hoặc hình thức tín dụng khác thì lãi suất cao. Để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Thẩm Trung Hiếu cho rằng, cần bổ sung hoạt động cấp khoản vay cho các startup vào phạm vi hoạt động của Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, startup cũng rất cần chính phủ có cơ chế hỗ trợ riêng với mức lãi suất thấp, trong giai đoạn đầu còn nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh tỷ lệ người dùng smartphone tại Việt Nam tăng cao, đạt 72%, cùng với xu hướng phát triển nhanh chóng của ngành thương mại điện tử, các startup đang tận dụng cơ hội để “gấp rút” gia tăng mức độ phủ sóng của mình. Bên cạnh đó, nhu cầu về tài chính cá nhân tại Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, đến năm 2025, tín dụng cá nhân sẽ chiếm khoảng 24% thị trường ứng dụng công nghệ trong dịch vụ tài chính. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển, có thể trở thành thị trường hấp dẫn cho các sản phẩm fintech.

Cho đến hiện tại, không chỉ các nhà hàng lớn mà cả những quán ăn nhỏ cũng có mã QR dán trên tường - như một cách hòa vào xu hướng của khách hàng. Tuy nhiên hiện tại mảnh đất ví điện tử đã có rất nhiều bên tham gia, cơ hội đang dành cho tất cả, mỗi startup cần phải có sự khác biệt nếu không muốn bị khách hàng xóa ứng dụng của mình ra khỏi điện thoại. Họ không thể chỉ phụ thuộc vào việc “đốt tiền” để cung cấp các dịch vụ khuyến mãi, ưu đãi để giữ khách hàng - đó không phải là phương án hợp lý về lâu dài.

Lúc này, các công ty lớn đang từng bước xây dựng hệ sinh thái tiện ích đa dạng đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống. VNLife hiện điều hành một hệ sinh thái bao gồm danh mục hệ thống và dịch vụ đa dạng, từ dịch vụ ngân hàng và dịch vụ tài chính, đến các trang web thương mại điện tử và dịch vụ đặt vé máy bay. Công ty VNPay - thuộc VNLife - hiện vận hành mạng lưới gần 200.000 điểm trên toàn quốc, cho phép người dùng thanh toán qua VNPay-POS, VNPay-QR và cổng thanh toán VNPay-QR. VNPay-POS là giải pháp “tất cả trong một”, đáp ứng các nhu cầu thanh toán và hỗ trợ người bán vận hành, tối ưu hóa chi phí và tăng trưởng doanh thu. VNPay-QR là giải pháp thanh toán bằng mã QR được tích hợp vào hơn 30 ứng dụng ngân hàng di động, ví VNPay và tám ví điện tử khác.

Bản thân MoMo - “anh cả” trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam - cũng đang định vị mình như một “siêu ứng dụng” mang đến cho khách hàng nhiều tiện ích đa dạng. Gọi MoMo là “siêu ứng dụng” bởi giờ đây người dùng có thể thanh toán hơn 500 dịch vụ khác nhau trên ứng dụng này.

Khi chia sẻ về tầm nhìn của siêu ứng dụng, ông Nguyễn Mạnh Tường liên tục nhấn mạnh đến chỉ số ‘người dùng sử dụng thường xuyên” như là một trong những tiêu chí quan trọng nhất của MoMo. Việc cung cấp các trải nghiệm “như một thành phố đáng sống” với các dịch vụ chắc chắn sẽ giúp họ giữ chân người dùng và trở thành lợi thế cạnh tranh so với các mô hình truyền thống hay sản phẩm tương tự.