Dựa trên số đồng tác giả trong các bài báo nghiên cứu, có thể thấy Nga đang tăng cường hợp tác với Trung Quốc và giảm hợp tác với Mỹ.


Các tòa nhà của trường đại học ở Kharkiv, Ukraine, đã bị hư hại trong xung đột vào đầu tháng này.

Phân tích số đồng tác giả của các bài báo trong cơ sở dữ liệu Scopus, Nature nhận thấy, năm 2022, hơn 1/4 các bài báo của Nga trong Scopus có đồng tác giả quốc tế. Tỷ lệ này tương đương năm trước nữa, nhưng có sự thay đổi về việc nhà khoa học từ nước nào là đồng tác giả với Nga. Cụ thể, tỷ lệ các bài báo của Nga có đồng tác giả từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng lên, còn tỷ lệ đồng tác giả với các tác giả Mỹ hoặc Đức giảm xuống. Đặc biệt, Trung Quốc hiện sắp vượt qua Mỹ và Đức để trở thành đối tác nghiên cứu hàng đầu của Nga. Ấn Độ cũng đã tăng thăng lên vị trí thứ bảy.

Các dấu hiệu tương tự cũng được Nature tìm thấy trong Dimensions, một cơ sở dữ liệu học thuật khác.

Nature lưu ý xu hướng trên sẽ trở nên rõ ràng hơn vào cuối năm nay, vì nhiều bài báo xuất bản trong năm 2022 đã được gửi tới các tạp chí trước khi phương Tây tạm dừng quan hệ đối tác khoa học với Nga từ sau ngày 24/2/2022.

Số đồng tác giả không đại diện cho toàn bộ bức tranh hợp tác nghiên cứu, nhưng trên thực tế, Nga đang trong xu hướng dài hạn giảm hoạt động hợp tác nghiên cứu với các nước phương Tây. Trong khi đó, Trung Quốc đang tăng tỷ lệ đồng tác với hầu hết các quốc gia, trừ Mỹ, vì vậy ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này đối với Nga không phải bất thường.

Xung đột Nga - Ukraine diễn ra trong bối cảnh các quốc gia nhận thức rõ hơn về khía cạnh địa chính trị trong hợp tác nghiên cứu, kiểm soát "xuất khẩu" một số kết quả nghiên cứu và hạn chế hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực được coi là nhạy cảm với an ninh quốc gia.

Nhiều tổ chức nghiên cứu đã giảm các hoạt động hợp tác với Nga ngay sau khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine. Một số nhà tài trợ cũng không khuyến khích các nhà nghiên cứu tiếp tục hợp tác viết bài với các nhà khoa học Nga.

Các tạp chí quốc tế nhìn chung không bài trừ các công trình của người Nga, và một số đã cảnh báo rằng không nên cô lập các nhà khoa học Nga. Nhưng ít nhất một tạp chí, đó là Tạp chí Khoa học Phân tử của Elsevier, đã tuyên bố không xem xét các bản thảo của các nhà khoa học tại các tổ chức của Nga nữa. Tổng biên tập tờ này, Rui Fausto, nhà hóa học tại Đại học Coimbra ở Bồ Đào Nha, nói rằng chính sách vẫn còn hiệu lực.

Trong khi đó, tỷ lệ các bài báo của Ukraine có đồng tác giả là người Nga giảm mạnh. Khoảng 38% số bài báo được công bố trong năm 2022 của Ukraine có đồng tác giả quốc tế, tăng nhẹ so với những năm trước, và dường như nước này đang tăng cường hợp tác nghiên cứu với Ba Lan.

Michael Rose, người nghiên cứu về kinh tế khoa học và đổi mới tại Viện Đổi mới và Cạnh tranh Max Planck, Munich, Đức, cho biết chính phủ Ukraine không khuyến khích hợp tác với các nhà nghiên cứu Nga và công bố trên các tạp chí Nga.


Nguồn: