Sau hơn 65 năm là thành viên của Viện Nghiên cứu hạt nhân Dubna (JINR), câu hỏi “Làm gì để khai thác tốt cơ hội hợp tác với Dubna?” vẫn còn được đặt ra với khoa học Việt Nam.

Kết thúc phiên họp Hội đồng khoa học Dubna, diễn ra từ ngày 16 đến 17/2/2023, cả giáo sư Lê Hồng Khiêm (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và TS. Trần Chí Thành (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đều cho rằng một trong những giải pháp quan trọng để Việt Nam có thể khai thác được tri thức, hệ thống cơ sở vật chất và các giá trị khoa học khác ở một viện nghiên cứu tiên tiến như Dubna là thiết lập được dự án riêng của mình tại đó. “Ở góc độ khoa học thuần túy, đây là một vấn đề rất quan trọng bởi nó liên quan đến nhiều yếu tố như năng lực khoa học, nhân lực khoa học, uy tín khoa học… Từ trước đến nay, chúng ta chưa hội tụ đủ yếu tố đó nên mới chỉ khai thác được Dubna ở khía cạnh là một cơ sở đào tạo nhân lực thôi”, giáp sư Lê Hồng Khiêm, người nhiều năm từng là đại diện toàn quyền của Việt Nam tại Dubna, cho biết.

Việc thiết lập được dự án riêng và triển khai nó ở Duba có thực sự khó? Nếu không tại sao hơn sáu thập niên, Việt Nam vẫn chưa làm được điều này?

Giáo sư Boris Sharkov (thứ ba từ phải sang) và giám đốc PTN Vật lý neutron Frank Valery Shvetsov (ngoài cùng bên trái) trao đổi về dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia với TS. Trần Chí Thành vào tháng 12/2022.

Không dễ thuyết phục hội đồng khoa học Dubna

“Ngay từ điểm khởi đầu, Dubna đã hội tụ nhiều yếu tố của một viện nghiên cứu hàng đầu thế giới”, TS. Trần Chí Thành, một người có nhiều năm học tập và làm việc tại Nga, cho biết như vậy. Ra đời sau một số trung tâm nghiên cứu lớn của thế giới như Viện Nghiên cứu Hóa học và Vật lý (RIKEN), Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) hay các phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ… nhưng Dubna đã hội tụ được một đội ngũ các nhà khoa học xuất sắc và nhận được sự ưu tiên đầu tư của chính phủ lúc bấy giờ. Một trong những người đặt viên gạch đầu tiên ở Dubna là Nikolay Bogolyubov, người thiết kế và xây dựng nhà máy điện hạt nhân nối lưới đầu tiên trên thế giới Obninsk và sau nhận huy chương Dirac. Rất nhiều tên tuổi lớn của vật lý Nga và thế giới đã như Igor Tamm (giải Nobel Vật lý), Vladimir Veksler, Lajos Jánossy, Yuri Oganessian… đều dành nhiều thời gian làm việc và có được những công trình quan trọng nhất tại đây.

Xu hướng quốc tế hóa ngay từ lúc thành lập và còn duy trì đến ngày nay, với việc cho phép các thành viên nước ngoài đảm trách các vị trí chuyên môn và quản lý, đã góp phần đem lại sức mạnh khoa học cho Dubna, đó là quy tụ nhiều nhà khoa học giỏi từ nhiều quốc gia, gồm các quốc gia thành viên và quốc gia trong vai trò quan sát. Họ làm việc ở bảy phòng thí nghiệm với hệ thống cơ sở vật chất ở đẳng cấp thế giới: PTN Vật lý năng lượng cao Veksler và Baldin, PTN Các vấn đề hạt nhân Dzhelepov, PTN Vật lý lý thuyết Bogoliubov, PTN Vật lý neutron Frank, PTN Phản ứng hạt nhân Flerov, PTN công nghệ thông tin Meshcheryakov, PTN Sinh học phóng xạ. “Mỗi phòng thí nghiệm của họ đều có khoảng 500 người tham gia, mỗi năm xuất bản được khoảng 100 đến 200 bài báo quốc tế”, TS. Trần Chí Thành cho biết.

Đoàn công tác của Dubna tới làm việc ở Viện KH&KT hạt nhân vào tháng 12/2022.

Cũng như ở những cơ sở nghiên cứu khoa học khác trên thế giới, việc định hướng phát triển và các chủ đề lớn có thể khai thác ở Dubna đều do hội đồng khoa học thông qua (trong hội đồng khoa học Dubna, hiện Việt Nam có hai đại diện là giáo sư Lê Hồng Khiêm và TS. Trần Chí Thành). “Ngay cả một dự án khoa học nhỏ cũng cần được bảo vệ trước hội đồng khoa học chuyên ngành gồm các nhà khoa học ở lĩnh vực đó. Hội đồng này đồng thuận phê duyệt thì dự án mới được cấp kinh phí và triển khai”, anh nói. Nhưng tiêu chuẩn nào để được phê duyệt? “Tôi nghĩ là dự án đề xuất phải có ý nghĩa khoa học thực sự, phải hứa hẹn đem lại đóng góp vào sự phát triển của Dubna… Và nó đòi hỏi người ta phải hết sức nghiêm túc trong công việc, mà nghiêm túc thì với dự án hay đề tài ở quy mô quốc gia hay cấp bộ, ngành có ý nghĩa khoa học và ứng dụng thực tiễn, đều khó cả”.

Quả là một thách thức cho các nhà khoa học bảo vệ được ý tưởng và đề xuất của mình trước các hội đồng khoa học chuyên ngành ở Dubna. Không dễ thuyết phục được họ. Trước con mắt phán xét của những chuyên gia giỏi và giàu kinh nghiệm thì mọi nỗ lực chuẩn bị đều không thừa, và thậm chí cả những “tên tuổi lớn” đều trở nên bé nhỏ. Có lẽ, nói một cách hình ảnh thì nó cũng giống như việc giáo sư Ngô Bảo Châu, người Việt Nam đầu tiên đoạt giải thưởng Fields, cũng chợt trở nên thiếu hoạt ngôn trước các giáo sư Hà Huy Khoái, Ngô Việt Trung, Lê Tuấn Hoa… trong một tọa đàm tại Viện Toán học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).

Nhưng một khi vượt qua được cửa ải quan trọng này, nghĩa là thuyết phục được hội đồng khoa học chuyên ngành, “người chủ trì dự án sẽ được tạo mọi điều kiện, cơ hội thực hiện ý tưởng của mình, từ kinh phí thực hiện đến cả một hệ thống cơ sở vật chất tiên tiến được Dubna tích lũy tạo dựng qua rất nhiều năm một cách bình đẳng như với bất kỳ nhà nghiên cứu nào ở đó”, giáo sư Lê Hồng Khiêm trao đổi vào năm 2018.

Không dễ tìm người giỏi

Từ nhiều năm nay, Dubna vẫn là một trong những điểm đến của khoa học Việt Nam với số người thường trực khoảng 20 người, trong khi với tư cách là quốc gia thành viên, Việt Nam có thể cử tối đa 30 đến 40 người làm việc dài hạn. Tuy nhiên có một vấn đề là hầu hết các gương mặt này, hoặc là sang để tham gia vào dự án, đề tài của các nhóm nghiên cứu quốc tế, hoặc là sang làm nghiên cứu sinh bởi “Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc coi đây là một cơ sở đào tạo chất lượng cao. Trong lịch sử tham gia Dubna, mình chưa có một dự án hay đề tài nghiên cứu nào riêng của mình”, giáo sư Lê Hồng Khiêm nói. Trên thực tế, ngay cả việc các cán bộ Việt Nam tham gia làm nghiên cứu với các nhóm nước ngoài, thực hiện xong công việc của họ rồi trở về nước thì vẫn chưa phải là thực sự làm khoa học, một nhà khoa học nhận xét.

Trong lĩnh vực vật lý hạt nhân hay nhiều lĩnh vực khoa học khác, Việt Nam chưa thực sự có nhiều người giỏi ở tầm quốc tế. Là một nền khoa học còn đang trong quá trình hội nhập, Việt Nam vẫn còn đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. “Đúng là hiện tại thì mình chưa làm chủ được một dự án nào cả. Muốn làm được việc này, mình cần phải có người nghĩ được ra việc, nghĩa là có đủ năng lực viết đề xuất, xây dựng một dự án và có thể dẫn dắt nó”, TS. Trần Chí Thành nhận xét. “Chưa người có đủ năng lực và ý tưởng như vậy. Phần lớn các cán bộ của mình mới đi theo thôi, chưa tự chủ làm việc, hoặc nếu có làm những việc quá nhỏ, chưa là dự án lớn”.

Vấn đề ở đây chính là con người và ý tưởng khoa học. Không phải một sớm một chiều có được những ý tưởng tốt ở tầm quốc tế. “Anh phải đi theo một con đường nào đấy, đạt được một trình độ nhất định trong nghề nghiệp rồi mới có thể nghĩ ra được công việc và tạo ra một đội ngũ có thể thực hiện được ý tưởng đó cho mình”, TS. Trần Chí Thành nói. Triển khai dự án ở Dubna nghĩa là nhà khoa học đó không chỉ có đủ năng lực thuyết phục người trong nước làm mà thậm chí còn đủ uy tín khoa học để thuyết phục được cả các đồng nghiệp ở quốc gia khác tham gia cùng với mình. Trong lĩnh vực vật lý hạt nhân, cần phải có sự tích lũy kinh nghiệm nhiều năm mới có thể thiết kế được một thí nghiệm trên hệ thống các thiết bị hiện đại như các máy gia tốc siêu dẫn, máy gia tốc proton, lò phản ứng xung neutron IBR2, các hệ phổ kế ghi đo… “Và không chỉ vật lý hạt nhân, các lĩnh vực nghiên cứu khác như sinh học phóng xạ, môi trường… cũng đều có những thiết bị quan trọng và chỉ khi hiểu rõ nó thì nhà khoa học mới có thể khai thác được thế mạnh của nó”, giáo sư Lê Hồng Khiêm giải thích. “Nếu làm việc từ năm đến bảy năm trong không khí khoa học ở đây, khi trở về họ sẽ là chuyên gia”.

Từ ý tưởng đến việc hình thành đề tài hay dự án khoa học, với nhà khoa học là cả một quá trình. Theo TS. Trần Chí Thành “Không đơn giản chút nào. Anh phải tận tâm làm việc, tâm huyết về khoa học và tích lũy đủ kiến thức thì mới có thể nghĩ ra được một định hướng mới cũng như các đề tài, dự án triển khai trên đó”.

Đây là một điểm khó hiện nay. Hầu hết các nhà khoa học có tiềm năng trở thành người như vậy đều không muốn sang Dubna, họ muốn hướng tới các trung tâm nghiên cứu lớn khác trên thế giới, dù phần lớn cũng chỉ là tham gia vào dự án của các nhà khoa học ở đó.

Giải pháp lâu dài

Qua thời gian đảm trách vai trò phụ trách hoạt động của khoa học Việt Nam ở Dubna, giáo sư Lê Hồng Khiêm quan sát thấy, nhiều nhà khoa học thuộc các quốc gia thành viên khác như Mông Cổ, Romania, Bulgaria… đều dành rất nhiều thời gian sống và làm việc tại đó. Được ký hợp đồng làm việc, chi trả toàn bộ kinh phí đi lại, bố trí nhà ở, bảo hiểm và lương hằng tháng như các cán bộ của Nga, những nhà khoa học này đều yên tâm làm việc và trở thành trưởng nhóm nghiên cứu, qua đó chủ trì nhiều dự án nghiên cứu ở Dubna. Trong khi đó, hầu hết các cán bộ Việt Nam đều chỉ sang đó trong một khoảng thời gian ngắn.

Trong bối cảnh hiện nay, không thể có ngay những người đủ năng lực khoa học như mong muốn, cả giáo sư Lê Hồng Khiêm và TS. Trần Chí Thành đều thừa nhận như vậy. Khi Việt Nam chưa có được người giỏi thì phải đào tạo hoặc hướng họ đến mức đó để đến một thời điểm nhất định, khi đã tích lũy đủ các yếu tố sẽ tiến lên làm chủ một dự án nghiên cứu khoa học ở Dubna – đây là ý tưởng của cả hai người. “Chúng ta cần cử có trọng tâm một số người có đủ năng lực học hỏi những nhà khoa học giỏi ở Dubna, trực tiếp làm việc ở Dubna trong một khoảng thời gian nhất định để họ dần nắm bắt công việc, biết cách làm việc trên các thiết bị ở đó rồi dần đủ năng lực độc lập”, TS. Trần Chí Thành nói.

Vì vậy, trước mắt việc tuyển người sang Dubna làm việc sẽ chú trọng đến những hạt nhân như vậy. “Chúng tôi đã trao đổi với một số nhà nghiên cứu có tiềm năng để họ sẵn sàng sang đó một thời gian để có thể làm quen với không khí làm khoa học ở bên đó, trao đổi với các nhà khoa học ở đó. Nhờ vậy, họ có thể hiểu khai thác được những gì ở hệ thống cơ sở vật chất ở Dubna, có thể tìm được bài toán có ích cho mình nhưng vẫn phù hợp với Dubna”, TS. Trần Chí Thành cho biết. Những bài toán phù hợp với Dubna không khu trú ở một vài lĩnh vực nhất định của vật lý hạt nhân, “hiện tại Dubna vẫn giữ mục tiêu phát triển theo hướng viện nghiên cứu đa ngành, đủ sức cạnh tranh ở tầm thế giới nên phạm vi hoạt động của họ rất rộng”, giáo sư Lê Hồng Khiêm bổ sung.

Trong năm 2023, việc tuyển chọn và cử người sang Dubna sẽ được triển khai theo hướng này. Yêu cầu đặt ra cho những nhà nghiên cứu có tiềm năng là bên cạnh việc hình thành ý tưởng còn phải quy tụ được nhân lực, “đào tạo được những người đủ khả năng đảm trách công việc trong một khoảng thời gian nhất định bởi có thể là anh sẽ không ở trọn vẹn một năm ở Dubna nhưng phải có người thay anh theo dõi công việc trong khoảng thời gian anh về nước để công việc cứ chạy liên tục, không bị đứt quãng”, anh nói. “Nhưng trước tiên, mình vẫn cần cử được nhiều người sang đó đã”.

Tại cuộc họp tổng kết năm 2022 của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, giáo sư Lê Hồng Khiêm cho biết, việc tổ chức khai thác tốt và hiệu quả việc hợp tác với Dubna sẽ chỉ đạt được khi có được những chuyên gia đủ sức dẫn dắt nghiên cứu. Ông hy vọng vào những tín hiệu như vậy đã xuất hiện, ví dụ trong năm 2023, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam có 9 hồ sơ gửi sang Dubna, trong đó có nhóm tham gia khai thác kênh trên lò phản ứng IBR2 rất tiềm năng, cụ thể là về tán xạ neutron góc nhỏ, nhiễu xạ neutron.

Vào thời điểm hiện tại, thật khó ước lượng được sẽ có bao nhiêu nhà khoa học tâm huyết của Việt Nam trở thành những người đạt trình độ quốc tế từ môi trường Dubna nhưng chắc chắn là từ năm 2023, sẽ có nhiều thứ bắt đầu thay đổi để đến một ngày, Việt Nam thực sự khai thác được thế mạnh sẵn có của một quốc gia thành viên mà từ trước đến nay chưa tận dụng được.
Các dự án lớn ở Dubna như Tổ hợp NICA, Đài quan sát neutrino Baikal-GVD cũng là cơ hội để các nhà nghiên cứu Việt Nam lựa chọn tham gia.

Dự án NICA là một máy gia tốc lớn được thiết kế tại Dubna để nghiên cứu về các đặc tính của vật chất baryon đậm đặc. Được khởi công từ năm 2013, NICA chính thức được hoàn tất vào tháng 7/2023. Theo báo cáo tại phiên họp Hội đồng khoa học, trong những đợt vận hành ban đầu với BM@N Experiment, thí nghiệm đầu tiên của dự án NICA, các nhà khoa học đã thu thập được hơn 550 triệu sự kiện. Các nhà khoa học đã bắt đầu phân tích sâu dữ liệu thu được này và hy vọng sẽ trình bày những kết quả đầu tiên vào mùa hè này. Đồng thời, các chuyên gia sẽ bắt đầu làm việc trên máy dò MPD và dự kiến vào tháng 11/2023, họ sẽ thử nghiệm các nguyên tố đầu tiên trên hệ làm mát (ECS) của máy gia tốc NICA.

Các nhà khoa học của Phòng thí nghiệm Phản ứng hạt nhân đang chuẩn bị cho việc tổng hợp nguyên tố 120 của Bảng tuần hoàn. Trong các thí nghiệm của năm 2022, các nhà nghiên cứu đã tổng hợp được ba đồng vị mới và kết quả thực nghiệm đã đem lại những dự đoán lý thuyết. Hiện tại Dubna đang thiết kế và lắp đặt máy gia tốc DC-140 và tái cấu trúc lại phòng thí nghiệm.

Dự án Đài quan sát Neutrino Baikal-GVD tại hồ Baikal đã được bắt đầu. Nhóm hợp tác Baikal-GVD bao gồm 9 viện nghiên cứu và tổ chức thuộc 4 quốc gia. Kính viễn vọng này là một trong ba máy dò neutrino lớn trên thế giới, cùng với IceCube tại Nam Cực và KM3Net ở Địa Trung hải.

Đây là một dự án quốc tế trong lĩnh vực vật lý hạt và thiên văn neutrino, đặt mục tiêu nghiên cứu chi tiết thông lượng các neutrino vũ trụ năng lượng cao và tìm kiếm các nguồn của nó. Baikal-GVD cũng sẽ tìm kiếm các ứng viên vật chất tối, với neutrino từ phân rã của các hạt siêu nặng, bởi các đơn cực từ và các hạt lạ. Đó cũng sẽ là một cơ sở cho các nghiên cứu về môi trường ở hồ Baikal. Trong năm 2022, các chuyên gia đã phân tích dữ liệu thu được ở Baikal-GVD trong các năm 2018 – 2022 và lựa chọn được 11 ứng viên hạt neutrino năng lượng siêu cao. Kết quả của họ đã được xuất bản trên tạp chí Physical Review D.