Trong 5 năm qua trái đất đã trở nên cực kỳ nóng. Năm 2018 là năm nóng đứng thứ tư trong lịch sử từng được ghi nhận, theo nghiên cứu từ Cơ quan khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Dữ liệu cho thấy nhiệt độ bề mặt toàn cầu năm ngoái nóng hơn 0,83 độ C so với nhiệt độ trung bình trong giai đoạn 1951-1980, theo NASA là do sự ảnh hưởng của khí nhà kính có trong khí quyển và biến đổi khí hậu.
"Năm 2018 lại một lần nữa chứng minh xu hướng ấm lên toàn cầu dài hạn khi nó là một năm cực kỳ nóng", ông Gavin Schmidt, người đứng đầu Viện nghiên cứu vũ trụ Goddard của Nasa cho biết.
Theo nghiên cứu của NASA, với dữ liệu từ 6.300 địa điểm cho thấy sự nóng lên mạnh nhất là ở Bắc Cực, nơi băng đang tan rất nhanh.
Sự nóng lên của toàn cầu khiến "lũ lụt ven biển, sóng nhiệt, mưa lớn và thay đổi hệ sinh thái", ông Schmidt nói thêm.
Theo một báo cáo của Met Office dự báo rằng năm 2019 sẽ nóng hơn năm 2018 và năm năm tới sẽ tiếp tục chu kỳ nóng nhất của một thập kỷ từng được ghi nhận.
"Nhiệt độ trung bình toàn cầu từ nay đến năm 2023 được dự báo sẽ vẫn ở mức cao, có khả năng khiến thập kỷ (2014-2023) trở thành thập kỷ nóng kỷ lục trong 150 năm qua", ông Adam Scaife, người đứng đầu bộ phận dự báo dài hạn của Met Office nói.
Trong năm ngoái, thế giới đã chứng kiến những đợt nắng nóng dữ dội từ Nhật Bản đến Vương quốc Anh và Trung Đông. Thế giới còn phải chứng kiến một loạt các vụ cháy rừng thảm khốc ở những nơi gồm Hy Lạp và California.
Mỹ đã phải gánh chịu 14 "thảm họa tỉ USD" trong năm ngoái, gồm cả bão Florence và bão Michael, theo một thống kê mới từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA). Tổng thiệt hại từ những thiên tai này lên tới 91 tỉ USD, là mức thiệt hại lớn nhất kể từ khi NOAA bắt đầu thống kê thiệt hại từ năm 1980.
Nhiệt độ trung bình của Trái đất đã tăng 1 độ C kể từ thời tiền công nghiệp và đa số các quốc gia trên thế giới đã cam kết mục tiêu dài hạn là kìm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C.
Theo Motthegioi