Trái cà phê có lông. Hạt có kích cỡ cực lớn. Không chứa caffeine. Những giống cà phê này không có khả năng tạo ra nước cà phê được nhiều người yêu mến, nhưng bù lại, chúng mang những đặc điểm di truyền cho phép chống chịu được các điều kiện bất lợi như hạn hán hay dịch bệnh – rất có ích cho việc phát triển các giống cà phê trong tương lai.


Việc bảo tồn các giống cà phê hoang dã sẽ có giá trị lớn với ngành công nghiệp cà phê trong tương lai.Trong hình, nông dân đang hái cà phê ở Ethiopia. Ảnh: Science.

Gần đây, hai nghiên cứu cho biết có tới 60% các loài cà phê hoang dã này có nguy cơ tuyệt chủng, một số trong 10 đến 20 năm tới, do tình trạng phá rừng, định cư con người và biến đổi khí hậu.

Có 124 loài được biết đến trong chi Coffea, nhưng đa số chúng ta chỉ biết đến hai giống cà phê được thuần hóa: C. arabica vốn chiếm hai phần ba thị trường cà phê toàn cầu và C. canephora, hay còn gọi là robusta, chiếm thị phần còn lại. Nhưng giống arabica đặc biệt hay nhiễm bệnh, như bệnh nấm gỉ sắt lá chẳng hạn. Bệnh cũng bắt đầu lây lan tới cả các giống lai arabica-robusta từng có sức đề kháng tốt.

Để lập bản đồ vị trí và sức khỏe của các loài cà phê dại, Aaron Davis, trưởng phòng nghiên cứu cà phê tại Vườn Thực vật Hoàng gia Kew – Anh và các đồng nghiệp đã thực hiện nghiên cứu quy mô nhất từ trước đến nay. Nhóm đã xem xét hơn 5.000 hồ sơ về các giống cà phê dại được ghi chép bởi các nhà nghiên cứu và thám hiểm, vừa thu thập thêm dữ liệu từ hàng chục chuyến thám hiểm tới các khu vực trọng điểm ở Châu Phi, Madagascar và các đảo Ấn Độ Dương.

Sau khi lập bản đồ vị trí của từng giống, nhóm xác định – dựa trên quần thể thực vật và môi trường sống – xem giống nào đang bị đe dọa. Trong báo cáo của nhóm, đăng trên tạp chí Science Advances, thì 60% số giống có nguy cơ tuyệt chủng, và một số có lẽ đã bị tuyệt chủng. “Chúng tôi biết rằng tỷ lệ sẽ cao, nhưng chúng tôi không thực sự nghĩ rằng nó sẽ cao đến mức đó”, Davis nói. Đặt trong so sánh thì chỉ có 22% tổng các loài thực vật trên toàn thế giới đang bị đe dọa.

Trong một nghiên cứu riêng, Davis đã hợp tác với các nhà nghiên cứu khác từ Kew và từ Diễn đàn Môi trường, Biến đổi khí hậu và Rừng Cà phê ở Addis Ababa - Ethiopia để có cái nhìn chuyên sâu về giống arabica dại, có nguy cơ thấp trong phân tích toàn cầu. Nghiên cứu mới của họ sử dụng dữ liệu viễn thám và mô hình máy tính. Kết quả, họ phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu có thể làm giảm một nửa số quần thể arabica tự nhiên vào năm 2080. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy các loài cà phê hoang dã có vẻ thuộc nhóm nguy cơ thấp khác trên thực tế có thể có nguy cơ cao hơn, Davis nói.

Sarada Krishnan, giám đốc các sáng kiến toàn cầu tại Vườn Thực vật Denver Botanic và chủ sở hữu một đồn điền cà phê ở Jamaica cho rằng, những bài báo mới này củng cố những gì chúng ta biết về tính dễ bị tổn thương của các loài cà phê hoang dã. Hai năm trước, Krishnan và các nhà khoa học khác đã nghiên cứu một cách giữ cho các loài cà phê dại tồn tại: thông qua các ngân hàng gene. Những kho này lưu trữ vật liệu di truyền có thể được trồng lại thành cây, kể cả khi anh em họ hoang dã của chúng bị xóa sổ.

Hầm chứa hạt giống nổi tiếng nhất là hầm “tận thế” trên đảo Spitsbergen - Na Uy. Tuy nhiên, hạt cà phê không có khả năng nảy mầm sau khi được làm đông lạnh. Bởi vậy, thay vào đó, việc bảo tồn được tổ chức tự phát trong 52 bộ sưu tập tại chỗ ở các nước trồng cà phê. Đó là một hoạt động tốn kém, đòi hỏi nhiều lao động ở các khu vực nơi nguồn lực hạn chế, khiến cho việc duy trì các giống cà phê tiếp tục bấp bênh, theo bà Krisnan và nhiều người khác.

Nhưng vì không thể cứu tất cả các giống cà phê, nên nhóm của Krishnan ưu tiên tập trung tại bốn ngân hàng gene (ba ở châu Phi và một ở Costa Rica) trong nỗ lực bảo tồn các giống cà phê hoang dã. Các nhu cầu cấp bách bao gồm: Nâng cấp điều kiện bảo tồn các giống cây hiện có, bổ sung các loài hoang dã mới và cho phép chia sẻ dữ liệu và vật liệu di truyền – và kêu gọi được khoảng 25 triệu đô la tài trợ từ ngành công nghiệp cà phê cho tất cả các hoạt động này trong vòng 25 năm tới.

Các giống cà phê hoang dã sẽ được dùng để phát triển các giống mới, có khả năng chống chịu sâu bệnh và hạn hán bởi các nhà lai giống cà phê như Simon Martin Mvuyekure. Một số người khác thì hi vọng tạo ra một giống lai với hương vị như hạt giống huyền thoại đã cứu ngành công nghiệp cà phê Panama gần 10 năm trước.

Những người trồng cà phê ở nước này từng đối mặt với tình trạng giá cà phê rớt xuống thấp kỷ lục và phải bán đi những mảnh đất không còn sinh lời nữa cho đến khi một trang trại thử nghiệm một dòng cà phê dại mà hạt giống được lấy từ ngân hàng gene Costa Rica. Được biết đến với tên Geisha, hương thơm đặc biệt của nó được đánh giá cao và phá vỡ mọi kỷ lục tại các cuộc đấu giá. Đến nay đây là loại cà phê đắt nhất trên Trái đất.

Nguồn: