Quy trình sản xuất vaccine mRNA của BioNTech gồm 50.000 bước nằm ở các dây chuyền sản xuất trên khắp thế giới, đang được tích hợp vào một nhà máy hợp thành từ các container kích cỡ tiêu chuẩn.

Tại trụ sở ở Marburg, Đức, BioNTech đang hoàn thiện các bước cuối cùng để tạo ra một nhà máy sản xuất vaccine hợp thành từ các container kích cỡ tiêu chuẩn, được gọi là Biontainers,
dự kiến dành cho những nơi thiếu khả năng sản xuất vaccine. Bộ Biontainers đầu tiên sẽ đến một quốc gia châu Phi vào cuối năm 2022, nhưng chưa rõ là quốc gia nào.

Một container trong bộ Biotainers.

Tất cả các hoạt động sản xuất nói chung, đặc biệt là dược phẩm và vaccine, bao gồm một loạt các bước sản xuất và kỹ thuật tinh chỉnh khác nhau, tạo thành một dạng "công thức công nghiệp" bí mật. Mỗi bước và kỹ thuật chỉ do một nhóm các kỹ sư trực tiếp thực hiện bước sản xuất đó nắm giữ. "Công thức" bao gồm mọi thứ, từ cài đặt từng thiết bị đến nhiệt độ, áp suất và thời gian chạy của các phản ứng hóa học. Với sản xuất dược phẩm, các biến số này chính xác đến mức có thể thay đổi tùy thuộc vào thời tiết. Quá trình chuyển giao "công thức" cho các cơ sở sản xuất mới xây dựng chính là điểm nghẽn trong việc mở rộng sản lượng vaccine. Ngay cả trong nội bộ một công ty dược phẩm, quá trình chuyển giao "công thức" cho một cơ sở sản xuất mới cũng phải mất khoảng tám tháng. Và quy trình sản xuất vaccine mRNA của BioNTech gồm 50.000 bước nằm ở các dây chuyền sản xuất trên khắp thế giới.

Ý tưởng của BioNTech là sau khi "công thức" đã được tích hợp thành công vào một bộ Biotainers, họ có thể nhanh chóng nhân bản và sao chép ra các bộ khác và mở rộng quy mô sản xuất mà không cần trải qua quá trình chuyển giao mất nhiều thời gian. “Đây là tương lai của ngành sản xuất không chỉ cho châu Phi mà trên toàn thế giới," Sahin nói.

Các thiết bị được chế tạo ở Đức và đến tay quốc gia khách hàng vào cuối năm 2022. Mỗi bộ Biotainers gồm 12 container và chỉ cần bốn hoặc năm kỹ thuật viên vận hành, có khả năng sản xuất khoảng 40-60 triệu liều vaccine BioNTech mỗi năm, với chi phí “rẻ hơn đáng kể” so với một nhà máy sản xuất vaccine truyền thống có sản lượng tương đương - các cơ sở sản xuất truyền thống có giá ít nhất 170 triệu USD.

Bên cạnh xin chấp thuận và kiểm soát chất lượng Biotainers, BioNTech đồng thời thuê và đào tạo các kỹ thuật viên vận hành địa phương.

Mặc dù theo kế hoạch khả quan nhất, phải hai năm nữa các thiết bị của BioNTech mới đi vào hoạt động, nhưng họ cho biết đã có kế hoạch ứng dụng công nghệ này cho các thuốc khác như vaccine sốt rét hoặc lao.

Nếu kế hoạch của BioNTech thành công, không chỉ năng lực sản xuất thuốc ở lục địa châu Phi, mà cả cách sản xuất thuốc ở khắp mọi nơi cũng thay đổi.

Nguồn: