Trình tự di truyền của virus phân lập từ loài này giống 99% với virus Corona đang lây nhiễm hiện nay - nhưng công trình nghiên cứu này vẫn chưa được công bố chính thức.
Các nhà nghiên cứu tại Quảng Châu, Trung Quốc, đã gợi ý rằng tê tê (Pangolin) - loài thú có mõm dài, ăn kiến thường được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc - là nguồn động vật của chủng virus Corona đã lây nhiễm hơn 40.000 người trên thế giới.
Pangolin là động vật có vảy thường được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc.
Các nhà khoa học nói rằng đề xuất này, dựa trên một phân tích di truyền, có vẻ hợp lý - nhưng cần lưu ý công trình nghiên cứu của họ vẫn chưa được công bố đầy đủ.
"Đây là một quan sát cực kỳ thú vị. Mặc dù chúng ta cần đọc chi tiết hơn, kết luận này đồng nhất với một số dữ liệu khác chỉ ra rằng tê tê mang virus có liên quan chặt chẽ với 2019-nCoV," Edward Holmes, nhà nghiên cứu virus tiến hóa tại Đại học Sydney, Úc, nói.
Nguồn động vật của chủng mới virus Corona, được đặt tên là 2019-nCoV, là một trong những câu hỏi quan trọng mà các nhà nghiên cứu đang cố gắng trả lời.
Virus Corona thường lưu hành ở chim và động vật có vú, và các nhà khoa học đã cho rằng nCoV ban đầu đến từ dơi. Đề xuất này dựa trên sự giống nhau của trình tự di truyền của nCoV với các virus Corona đã biết khác. Nhưng nCoV có thể đã được truyền trực tiếp sang người bởi một động vật khác, như trường hợp SARS lây lan từ dơi sang cầy hương rồi mới sang người.
Giờ đây, Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc tại Quảng Châu nói rằng hai nhà nghiên cứu của họ, Shen Yongyi và Xiao Lihua, đã xác định tê tê là nguồn tiềm năng của nCoV trên cơ sở so sánh di truyền của virus Corona lấy từ động vật và từ người bị nhiễm trong ổ dịch. Các trình tự tương đồng đến 99%, các nhà nghiên cứu báo cáo tại cuộc họp báo vào ngày 7/2.
Ứng cử viên “sáng giá”
Trước đây, các nhà nghiên cứu đã lưu ý rằng virus Corona là nguyên nhân có thể gây tử vong ở tê tê, và nCoV và virus Corona từ tê tê sử dụng các thụ thể có cấu trúc phân tử tương tự để lây nhiễm vào tế bào.
Ngay cả trước khi các nhà khoa học công bố phát hiện mới này, tê tê vẫn được coi là ứng cử viên hợp lý để trở thành một loài trung gian cho virus, vì vậy rất thú vị khi các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các trình tự tương đồng như vậy, David Robertson, nhà virus học tính toán tại Đại học Glasgow, Vương quốc Anh, cho biết.
Tê tê là động vật được bảo vệ, nhưng việc buôn bán bất hợp pháp vẫn phổ biến. Thịt và vảy của chúng được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc. Luật pháp Trung Quốc quy định những người bán tê tê có thể bị phạt từ 10 năm tù trở lên.
Virus Corona xuất hiện ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào tháng 12 và được cho là đã lan truyền sang người tại một chợ hải sản và động vật hoang dã, nhiều người làm việc ở đây đã trở thành những người nhiễm bệnh đầu tiên. Tê tê tất nhiên không được liệt kê trong kho hàng hóa được bán ở chợ nếu có, vì việc buôn bán loài này là bất hợp pháp.
Tháng trước, các nhà khoa học ở Bắc Kinh tuyên bố rằng rắn là nguồn gốc động vật của nCoV, nhưng lý thuyết đó đã bị các nhà nghiên cứu khác bác bỏ.
Shen và Xiao đã không trả lời các yêu cầu bình luận của tạp chí Nature, nhưng Liu Yahong, chủ tịch của Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc, nói tại cuộc họp báo rằng kết quả sẽ sớm được công bố để giúp cho các nỗ lực kiểm soát virus Corona.
Các nhà khoa học hy vọng rằng bài báo sẽ cung cấp thông tin chi tiết bao gồm cả nơi nhóm nghiên cứu tìm thấy tê tê có virus tương tự. Arinjay Banerjee, một nhà nghiên cứu coronavirus tại Đại học McMaster ở Hamilton, Canada, nói rằng một chi tiết quan trọng khác là các nhà nghiên cứu tìm thấy virus ở chỗ nào của con tê tê - ví dụ là virus được phân lập từ mẫu máu hay trực tràng? Điều này sẽ giúp xác định làm cách virus có thể được truyền sang người và làm thế nào để ngăn chặn sự lây truyền như vậy trong tương lai.
Nguồn:
https://www.nature.com/articles/d41586-020-00364-2