Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, vừa công bố chế tạo thành công sinh phẩm RT-LAMP phát hiện virus Corona trong vòng 70 phút. Tuy nhiên các nhà khoa học cảnh báo, cần thận trọng với phương pháp thử bằng kit trên kỹ thuật LAMP vì khả năng âm tính giả và dương tính giả đều cao.
TS. Lê Quang Hòa và TS. Nguyễn Lê Thu Hà (Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) đã hợp tác với Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Quốc tế Innogenex để tiến hành nghiên cứu chế tạo sinh phẩm RT-LAMP phát hiện nhanh chủng virus Corona nCoV-2019. Bộ kit có thể phát hiện nCoV-2019 trong vòng 70 phút.
Theo
thông tin từ nhóm nghiên cứu, ưu điểm của bộ kit này (sử dụng RT-LAMP, một kỹ thuật khuếch đại đẳng nhiệt axít nucleic chuyên dùng để phát hiện RNA của các loại vi rút gây bệnh) là không yêu cầu thiết bị phức tạp, có khả năng ứng dụng ngay tại y tế tuyến huyện hay các bệnh viện dã chiến.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nuôi cấy và phân lập thành công chủng mới virus Corona (nCoV-2019) trong phòng thí nghiệm.
Trong khi nhóm nghiên cứu còn phải xin phép thử nghiệm lâm sàng, trước khi được cấp phép và đưa vào sử dụng, một số nhà khoa học cảnh báo cần thận trọng với kit thử trên kỹ thuật LAMP.
“[Phương pháp này] có thể tạm dùng cho sàng lọc ban đầu ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... một khi số bệnh nhân tăng vọt, nhưng cuối cùng vẫn cần chẩn đoán theo tiêu chuẩn vàng!” GS.TS. Nông Văn Hải, Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, viết trên
trang cá nhân. “Rất cần thận trọng [vì] âm tính giả và dương tính giả của LAMP quá cao!”
Các tiêu chuẩn “vàng” mà WHO, CDC khuyến cáo là Real time RT-PCR và giải trình tự.
Với LAMP, ngay cả “sàng lọc cũng khó chính xác, dễ ‘bắn nhầm’ và ‘bỏ sót’”, GS. Hải viết thêm.
“LAMP không cẩn thận thì ai cũng nhiễm nCoV hết,” TS. Trịnh Thành Trung, Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học - Đại học Quốc gia Hà Nội, bày tỏ đồng tình trong một comment trên trang cá nhân của GS Hải.
“Cái này chưa thể gọi là kit chẩn đoán. Mới có mồi và test trên mẫu chứng dương in vitro. 99% công việc để cái này có thể gọi là kit chẩn đoán đang còn ở phía trước,” TS. Lê Tiến Dũng, thành viên hội đồng ngành sinh học - nông nghiệp quỹ NAFOSTED nhiệm kỳ 2017-2019, viết trong một comment khác. “Chưa thử trên mẫu bệnh, chưa làm đánh giá lâm sàng, chưa so sánh với phương pháp chuẩn vàng. Thậm chí nếu bạn ấy được tiếp cận vào mẫu lâm sàng bệnh nhân hiện có ở Việt Nam thì cũng chưa đủ để đánh giá độ tin cậy vì hiện Việt Nam mới có 14 mẫu lâm sàng riêng biệt (14 người dương tính cho đến nay).”
Trong bối cảnh dịch do nCoV bùng phát, giới khoa học trên toàn cầu đã tăng tốc chu kỳ xuất bản để truyền thông không chỉ những kết luận ban đầu mà còn giải thích cả phương pháp và cách tiếp cận của họ. Tốc độ và số lượng xuất bản các bản thảo nghiên cứu về đợt dịch này là chưa từng có.
Khi các thông tin này đến với công chúng nhanh hơn mà thiếu giải thích có thể gây "hỗn loạn thông tin về dịch bệnh”. “Nếu đó chưa phải là xuất bản được bình duyệt, bạn phải lưu ý giải thích điều đó thật rõ ràng khi có ý định chia sẻ cho nhiều người đọc”, Maj Majumder, nhà dịch tễ học tính toán tại Bệnh viện Nhi và Trường Y Harvard, nhận xét. |
Hoàng Nam