Việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) yêu cầu các khách sạn, quán càphê có sử dụng tivi cho khách đóng tiền tác quyền âm nhạc gây nhiều tranh cãi trong dư luận, bị nhiều người cho là chuyện lạ lùng, vô lý.

Tuy nhiên, đây là điều phù hợp với pháp luật Việt Nam và đã được thực hiện từ lâu trên thế giới.

Lý do quán càphê phải trả tác quyền

Giữa tháng 5 vừa qua, dư luận xôn xao vì Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) “đòi” thu tác quyền âm nhạc ở các phòng khách sạn tại Đà Nẵng. Gần đây, VCPMC lại gửi công văn yêu cầu các quán càphê trả tác quyền. Lần này, VCPMC kiên quyết: “Không có chuyện dừng lại, người đề nghị tạm dừng là không hiểu luật pháp!”. Theo trung tâm, việc phát nhạc trong các quán càphê, quán bar, nhà hàng là hành vi xâm phạm quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng của tác giả và do đó phải trả tiền tác quyền.

Ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - cho rằng yêu cầu của VCPMC là đúng với quy định luật pháp hiện hành về quyền tác giả, quyền liên quan và thông lệ quốc tế.

Khoản 1, điều 23 Nghị định 100/2006/NĐ-CP giải thích, quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng “do chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được”.

Một quán càphê trên đường Triệu Việt Vương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Châu Long

Theo quy định trên, khi các quán càphê, quán bar, nhà hàng bật đĩa nhạc hoặc video nhạc, họ đang gián tiếp thực hiện quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng của các tác giả. Chính vì việc “biểu diễn trước công chúng” này chưa được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép, các quán càphê, quán bar, nhà hàng phải trả phí tác quyền âm nhạc. Vì vậy, đề xuất thu phí các quán càphê, quán bar, nhà hàng có phát nhạc trong kinh doanh là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Một số ý kiến không đồng tình, cho rằng, đài truyền hình, đài phát thanh đã trả phí tác quyền rồi, nên các cơ sở kinh doanh nói trên không phải trả phí nữa. Điều này là không đúng. Thực ra, phí mà các đài truyền hình và đài phát thanh trả là phí phát sóng, một loại phí khác phí tác quyền.

Hơn nữa, dù các đài đã trả phí tác quyền thì đó là để chính họ được sử dụng các tác phẩm âm nhạc. Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào muốn sử dụng một tác phẩm âm nhạc đều phải tự mình trả phí cho tác giả. Nguyên tắc này giống như khi đi mua vé xem phim, nếu cả nhóm bạn năm người đi cùng nhau thì họ phải mua năm chiếc vé xem phim chứ không phải một.

Cách thu tác quyền của tây

Đúng như nhận định của Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng, hành vi của VCPMC phù hợp với thông lệ quốc tế. Đơn cử ở Mỹ, các tổ chức đại diện quyền biểu diễn lớn nhất là ASCAP, BMI và SESAC đều thường xuyên cử đại diện đến các quán càphê, quán bar và nhà hàng để thực thi quyền bản quyền (thuật ngữ “quyền tác giả” trong luật Việt Nam là “bản quyền” trong luật Mỹ - PV).

Thậm chí, đại diện của họ còn đóng giả khách hàng gọi điện đến các quán càphê để hỏi xem họ sẽ mời ban nhạc hát bài gì trong ngày, từ đó yêu cầu trả phí. Các tổ chức trên tính tiền bản quyền dựa trên loại nhạc được chơi (nhạc sống hay ghi âm), quy mô và lượng khách đến quán. Đặc biệt, phí bản quyền cho các cơ sở tương tự về quy mô và lượng khách sẽ giống nhau; không có chuyện phí ở thành phố sẽ cao hơn ở nông thôn. Theo ASCAP, phí bản quyền mà các cơ sở kinh doanh nhỏ phải trả chỉ khoảng 1-2USD/ngày.

Tương tự, ở Pháp, các nhà hàng, quán càphê muốn phát nhạc hoặc chơi nhạc sống đều phải mua bản quyền từ SACEM - một tổ chức đại diện quyền tác giả của Pháp. Phí bản quyền được tính dựa trên số giờ mở cửa, loại giấy phép kinh doanh, số nhân viên và mức thuế phải đóng.

Tuy nhiên, không phải mọi quán càphê, quán bar hay nhà hàng ở Mỹ đều phải trả phí bản quyền khi phát nhạc thông qua đài hoặc tivi. Các cơ sở kinh doanh thức ăn, đồ uống có diện tích nhỏ hơn 349m2 (không tính bãi đậu xe), sử dụng dưới 6 bộ loa và tivi màn hình nhỏ hơn 55 inch... không phải trả phí bản quyền nếu họ phát nhạc miễn phí cho thực khách.

Xét cho cùng, việc thu phí tác quyền tại các khách sạn, quán càphê của VCPMC là hoàn toàn có cơ sở pháp luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không nên đánh đồng tất cả các cơ sở kinh doanh và thu cùng một mức phí. Nên chăng VCPMC công khai cách tính phí tác quyền để nếu mức phí hợp lý và cách tính minh bạch, các cơ sở kinh doanh sẽ vui vẻ hợp tác.

Bên cạnh đó, pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng cần quy định chi tiết hơn về vấn đề này, đặc biệt là quy định các trường hợp không phải trả phí tác quyền để khuyến khích sự phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thể hiện tính nhân văn của pháp luật.