Tổ chức Y tế Thế giới sẽ phải đối mặt với quyết định khó khăn trong việc tuyên bố chấm dứt đại dịch vào thời điểm nào khi giới chuyên môn chưa biết liệu virus còn sinh ra biến thể nào nữa không. Còn khả năng phản ứng chống dịch của các quốc gia trên toàn cầu lại quá khác nhau.

f

Cứ mỗi ba tháng một lần, kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát thành tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng quốc tế, Ủy ban gồm các chuyên gia cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO đều họp để tái đánh giá COVID-19 có còn tương xứng với cấp độ đại dịch toàn cầu hay không. Lần gần đây nhất, tháng 1/2022, các cố vấn vẫn nhất trí giữ nguyên cấp độ này và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã chấp nhận ý kiến của họ. Ủy ban sẽ họp lại vào tháng tư tới, có khả năng họ vẫn đưa ra kết luận tương tự, và một lần nữa có thể sẽ tiếp tục được WHO thông qua.

Nhưng đến một thời điểm nào đó, trong vài tháng hoặc vài năm tới, WHO có thể sẽ đưa ra một đánh giá khác để đi đến kết thúc đại dịch. Hiện tại, các quốc gia như Đan Mạch, Hà Lan, Anh quốc đã tuyên bố chấm dứt đại dịch tại quốc gia họ, dỡ bỏ hầu hết các hạn chế kiểm dịch ngay cả khi Hong Kong hay New Zealand đang phải vật lộn với số ca mắc liên tục phá kỷ lục.

Salim Abdool Karim, nhà dịch tễ và là trưởng nhóm khoa học về COVID-19 của Chính phủ Nam Phi lo lắng “SARS-CoV-2 đã gây ra nhiều khó khăn và thách thức lên nền kinh tế đến mức [các chính phủ] chịu sức ép để kết thúc đại dịch [trên danh nghĩa] sớm hơn”.

Trả giá đắt nếu quyết định sai

Tuyên bố chính thức của WHO về Tình trạng khẩn cấp về mối quan tâm quốc tế về sức khỏe cộng đồng (PHEIC) ràng buộc về mặt pháp lý đối với 196 quốc gia kí kết tuân thủ khuyến nghị của WHO đối với tình huống khẩn cấp. Các nhà sản xuất dược phẩm cũng cam kết bán thuốc kháng virus với giá rẻ hơn theo PHEIC. Nếu tuyên bố đã qua tình trạng khẩn cấp, thì không chỉ thuốc kháng virus, những nỗ lực hợp tác quan trọng khác để kit chẩn đoán và vaccine phổ biến rộng rãi khắp thế giới với giá phải chăng, cũng sẽ bị ngừng lại. Đó là những cơ chế mà các nước nghèo cần, và họ sẽ trả giá đắt nếu WHO quyết định sai.

Đối với toàn thế giới, tuyên bố của WHO về việc SARS-CoV-2 trở thành đại dịch toàn cầu từ hai năm trước đã đánh dấu sự khởi đầu chính thức. Nhưng thực ra tuyên bố đưa ra ngày 11/3/2020 có tính biểu tượng là chính. Thông báo về PHEIC ngày 30/1/2020 mới đưa chúng ta đến các giải pháp.

Các điều chỉnh của PHEIC yêu cầu các quốc gia ký kết phải báo cáo các đợt bùng phát đáng ngờ lên WHO và hỗ trợ các phản ứng với dịch bệnh mà WHO đưa ra, mặc dù WHO không ràng buộc các bên phải thực thi các quy tắc này. Ủy ban các chuyên gia của WHO khuyến nghị gia hạn PHEIC cũng đồng thời liệt kê các hành động mà các quốc gia nên thực hiện, chẳng hạn như tăng cường giám sát các biến thể và mở rộng chương trình chủng ngừa hơn nữa. Đầu năm nay, ủy ban này đã đưa ra khuyến nghị bổ sung: Theo dõi và chia sẻ dữ liệu về các ca nhiễm và tiến hóa của virus trên động vật.

Nếu tuyên bố hết dịch, quyết định chấm dứt PHEIC cũng dẫn đến hệ quả về tài chính. Moderna đã cam kết mở bằng sáng chế vaccine mRNA cho đến khi đại dịch kết thúc, mặc dù người phát ngôn của công ty từ chối cho biết họ sẽ xác định thời điểm đó như thế nào. Pfizer chưa đưa ra cam kết tương tự, nhưng Pfize và Merck đã đồng ý cho phép các nhà sản xuất dược phẩm khác sản xuất các thuốc kháng virus do họ nắm bản quyền cho đến khi WHO tuyên bố kết thúc PHEIC. Hàng chục công ty đã đăng ký sản xuất Molnupiravir của Merck và Paxlovid của Pfizer cho một danh sách dài các quốc gia thu nhập thấp và trung bình thấp.

Chấm dứt PHEIC cũng ảnh hưởng đến các chương trình liên quan đến đại dịch như Sáng kiến Tiếp cận vaccine COVID-19 toàn cầu (COVAX) và tổ chức mẹ của nó, Công cụ Tăng tốc Tiếp cận COVID-19 (ACT-A) – mạng lưới hợp tác toàn cầu nhằm thu mua và phân phối giá cả phải chăng thuốc, kit chẩn đoán và vaccine. “Các hoạt động khẩn cấp của COVAX và ACT-A sẽ ngừng lại – bởi rất khó để duy trì chúng”, theo Seth Berkley, giám đốc điều hành GAVI, liên minh vaccine toàn cầu, tổ chức liên quan không thể thiếu với cả hai chương trình này. “Hy vọng những sáng kiến quan trọng cốt lõi, cách thức hoạt động của tất cả chúng, sẽ được duy trì trong tương lai”.

Ủy ban của WHO có ba tiêu chí để xác định khi nào tuyên bố PHEIC và khi nào dỡ bỏ. Sự kiện sức khỏe cộng đồng phải: 1) nghiêm trọng, đột ngột, bất thường hoặc bất ngờ; 2) có khả năng lan rộng quốc tế; 3) có khả năng cần hành động quốc tế ngay lập tức. Khi cần đánh giá lại các tình huống khẩn cấp, Ủy ban xem xét các số liệu như số ca mắc và số lượng chủng ngừa. Nhưng giới chuyên môn đánh giá việc xem xét lại thực ra lại dựa vào các tiêu chí mang tính xã hội và chính trị hơn là khoa học. “Sẽ không có ngưỡng nào thuần túy khoa học. Thay vào đó, là một đồng thuận về quan điểm”, nhà dịch tễ về bệnh truyền nhiễm Caroline Buckee tại trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan School of Public Health (HSPH) nói.

Đại dịch chỉ kết thúc khi virus có “biến thể cuối cùng”

Quyết định này cũng sẽ khó khăn bởi các biến thể mới phát sinh. Michael Osterholm, nhà dịch tễ về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, Twin Cites nói mình không biết đại dịch kết thúc thế nào. Nó chỉ thực sự kết thúc chỉ khi có một “biến thể cuối cùng” mà ngay cả khi “biến thể cuối cùng” đột biến, cũng không thể ưu việt so với những biến thể “tiền nhiệm” về khả năng lây lan và trốn thoát hệ miễn dịch. “Nếu tôi chơi cá cược, tôi sẽ chọn mốc 2-3 năm nữa”, Michael Osterholm.

Trong lịch sử, WHO đã từng rất thận trọng trong việc dỡ bỏ PHEIC, kể từ khi quy định có hiệu lực vào năm 2007, theo Horace Cox, Giám đốc phụ trách các bệnh lây truyền vector thuộc Bộ Y tế Công cộng Guyana. Ông dự đoán điều tương tự cũng áp dụng với SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, bất chấp việc PHEIC có lẽ còn lâu mới được dỡ bỏ, một số quốc gia đã tự phát trở về trạng thái bình thường như trước đại dịch. Nhiều quốc gia châu Âu đã dỡ bỏ các hạn chế khoảng một tháng nay. CDC Hoa Kỳ đã nới lỏng khuyến cáo đeo khẩu trang vào tuần trước. Tại Quốc hội Hoa Kỳ, đảng Cộng hòa đang cố gắng chặn ngân sách bổ sung cho đại dịch và một số nghị viên đã đề xuất dự luật chấm dứt tình trạng khẩn cấp liên bang được ban bố từ tháng 3/2020.

Dường như chắc chắn Anh quốc và Hoa Kỳ sẽ tiến đến một giai đoạn mà họ nói là: “không coi đại dịch còn là vấn đề nữa”, Horace Cox nói. “Nhưng WHO thì cần phải xem xét điều gì là tốt nhất cho toàn thế giới”.

Dù vậy, ông vẫn lạc quan một cách thận trọng rằng viễn cảnh PHEIC kết thúc không còn quá xa vời. “Nếu phải đưa ra một dự đoán hợp lý, tôi sẽ nói rằng có lẽ vào cuối quý 2 hoặc quý 3 năm nay [2022]”, nếu một biến thể nguy hại mới không xuất hiện.