Mặc dù truyền máu vô cùng quan trọng để cứu sống bệnh nhân, nhưng cần có những biện pháp sàng lọc hiệu quả các căn bệnh như viêm gan B tiềm ẩn, viêm gan E, sốt xuất huyết v.v., để hạn chế nguy cơ lây truyền sang cho người bệnh.

Các tình nguyện viên tham gia hiến máu tại Trung tâm huyết học truyền máu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) vào năm 2022. Ảnh: Báo Thái Nguyên
Các tình nguyện viên tham gia hiến máu tại Trung tâm huyết học truyền máu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) vào năm 2022. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Virus ở thể ẩn


Cách đây đúng 30 năm, Viện Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai (nay là Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương) đã tổ chức Lễ phát động ngày hiến máu nhân đạo đầu tiên.

Từ chỗ tiếp nhận được 139.000 đơn vị máu, đến năm 2023, cả nước đã tiếp nhận được hơn 1,5 triệu đơn vị máu, trong đó, 99% lượng máu là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương tỉ lệ 1,5% dân số [1].

Hiến máu là khi một người tự nguyện cho máu của mình để dùng cho mục đích truyền máu hay chế tạo dược phẩm bằng quá trình phân đoạn (tách các thành phần trong máu). Máu hiến có thể là máu toàn phần, hoặc các thành phần khác của máu.

Đằng sau hoạt động hiến và truyền máu là một quy trình thu thập và theo dõi đầy phức tạp và tỉ mỉ, bởi lẽ truyền máu mặc dù có thể giúp cứu sống bệnh nhân, song nếu không có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả, nó có thể là “cầu nối” lây truyền các tác nhân truyền nhiễm sang cho người bệnh. Do đó, an toàn truyền máu là một trong những hoạt động quan trọng nhất tại các trung tâm truyền máu, và để đạt được điều này, việc sàng lọc các bệnh truyền qua truyền máu vô cùng quan trọng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế quy định bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc một số tác nhân lây truyền bệnh, gồm HIV, virus viêm gan B (HBV), virus viêm gan C (HCV) và vi khuẩn gây bệnh giang mai, đối với tất cả đơn vị máu hiến tặng để nhằm đảm bảo an toàn truyền máu.

Thông thường, các bác sĩ sẽ sử dụng các kỹ thuật như kỹ thuật huyết thanh học để sàng lọc HBsAg (kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B). Nếu kết quả cho âm tính, đồng nghĩa với việc người hiến không mắc viêm gan B.

Những năm gần đây, các chuyên gia trên thế giới đang bày tỏ sự lo lắng rằng kỹ thuật này chưa đủ để sàng lọc viêm gan B, bởi nó có thể không phát hiện ra viêm gan B tiềm ẩn (OBI). Virus viêm gan B tiềm ẩn là những kháng nguyên viêm gan B bề mặt không phát hiện được về mặt huyết thanh học nhưng lại có sự hiện diện của HBV-ADN (định lượng virus viêm gan B trong máu) - dù với nồng độ rất thấp.

Virus có thể tiếp tục tồn tại trong một thời gian dài và có thể tồn tại trong máu suốt cuộc đời của người bệnh. Viêm gan B tiềm ẩn có khả năng lây nhiễm cho người xung quanh, cũng như có nguy cơ tiến triển thành xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan ở bệnh viêm gan mạn tính.

Với mong muốn khảo sát tỷ lệ nhiễm viêm gan B tiềm ẩn ở người hiến máu có kết quả âm tính với kỹ thuật miễn dịch huyết thanh học, vào năm 2016 [2], các bác sĩ thuộc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM đã tiến hành xét nghiệm các mẫu máu hiến trong vòng một năm tại bệnh viện. Sau khi sàng lọc huyết thanh học và cho ra kết quả 172.861 mẫu máu âm tính với HBsAg - đồng nghĩa với không mắc viêm gan B, nhóm nghiên cứu tiếp tục sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử HBV-ADN để xác định tỷ lệ viêm gan B tiềm ẩn.

Theo đó, trong 172.861 mẫu thì có 169 (0,097%) dương tính HBV-ADN; nghĩa là trong 10.000 người hiến máu thì có khoảng 10 người mang virus viêm gan B tiềm ẩn. “Nhờ có kỹ thuật NAT, chúng tôi đã phát hiện được 169 trường hợp viêm gan B tiềm ẩn có thể truyền cho người nhận”, nhóm nghiên cứu viết, “như hiện nay, một túi máu được sản xuất thành ba hoặc bốn sản phẩm tương ứng để cung cấp cho người nhận, thì số người nhận có nguy cơ nhiễm virus HBV tiềm ẩn là 507 đến 676. Đây là một con số vô cùng ý nghĩa, đáng phải suy ngẫm.”

Một nghiên cứu khác gần đây [3] cũng phát hiện tỷ lệ nhiễm viêm gan B tiềm ẩn ở Viện Huyết học - Truyền máu TW giai đoạn 2021-2023 là 0,06% (trong số 625.548 người âm tính với HBsAg). Các nhà khoa học cho rằng bên cạnh phát hiện HBsAg thì việc triển khai và thực hiện kỹ thuật sinh học phân tử phát hiện HBV-ADN cho tất cả các đơn vị máu là rất cần thiết.

Tương tự, tại Hà Nội, một nhóm nghiên cứu khác khi xem xét 623 mẫu huyết thanh âm tính với HBsAg được thu thập từ những người hiến máu vào năm 2021, cũng đã phát hiện ra tỷ lệ mắc viêm gan B tiềm ẩn ở mức 0,3% [4]. Song, các nhà khoa học lưu ý rằng nhóm đối tượng trong nghiên cứu hiện tại là ở thủ đô - nơi có nhiều khả năng tiếp cận vaccine cao hơn và có điều kiện sống tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng. Do đó, việc tiến hành các nghiên cứu ở các tỉnh thành khác của Việt Nam sẽ cung cấp các kết quả chính xác và toàn diện hơn.

Các căn bệnh khác

Bên cạnh rủi ro truyền viêm gan B qua đường máu, các nhà khoa học cũng đang quan tâm đến việc sàng lọc virus viêm gan E (HEV) - một loại virus gây viêm gan cấp tính, thường lây lan qua đường tiêu hóa. HEV chủ yếu được tìm thấy ở các nước đang phát triển, nơi điều kiện vệ sinh kém và nguồn nước bị ô nhiễm. Ước tính, mỗi năm trên thế giới có 20 triệu ca nhiễm viêm gan E, với hơn 3 triệu ca có triệu chứng và 56.600 ca tử vong. Ở phụ nữ mang thai, người được ghép tạng, những người mắc bệnh gan tiềm ẩn và bệnh nhân bị nhiễm HIV và suy giảm miễn dịch, căn bệnh này có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng hơn.

Đường lây nhiễm chủ yếu của virus viêm gan E thường qua đường phân - miệng, tuy nhiên một số ít trường hợp có thể lây truyền qua đường truyền máu.

Vào năm 2004, các nhà khoa học Nhật Bản đã phát hiện một bệnh nhân bị viêm gan E cấp tính sau khi được truyền máu dương tính với HEV. Thông tin này đã góp phần thúc đẩy Nhật Bản và nhiều nước khác tiến hành các nghiên cứu khảo sát mức độ nhiễm virus viêm gan E ở người hiến máu.

Đó cũng là điều mà ThS. Lê Chí Cao (trường Đại học Y Dược Huế), hiện đang là nghiên cứu sinh tại Viện Y học nhiệt đới (trường ĐH Tuebingen, CHLB Đức) và các đồng nghiệp của anh băn khoăn khi tiến hành một nghiên cứu nhằm sàng lọc hơn 500 mẫu máu được hiến tại Khoa Huyết học và Truyền máu của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vào năm 2021. “Có 27% những người hiến máu từng tiếp xúc hoặc từng nhiễm HEV”, anh chia sẻ, “đó là tỷ lệ khá cao”.

Tuy nhiên, xét nghiệm không phát hiện thấy virus viêm gan E trong máu ở những người này vào thời điểm hiến máu [5]. Đó là một tín hiệu đáng mừng, bởi điều này cho thấy nguy cơ lây truyền virus viêm gan E từ người hiến máu tại Việt Nam khá thấp. Dù vậy, xét về góc độ y tế công cộng, việc sàng lọc viêm gan E vào những đợt hiến máu, đặc biệt là ở những vùng lưu hành HEV, có thể giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng lây truyền qua đường này. Một số nước châu Âu như Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Iceland, Pháp và Anh đã đưa ra yêu cầu sàng lọc viêm gan E bắt buộc đối với những người hiến máu.

Bên cạnh những căn bệnh phổ biến trên thế giới, một hướng nghiên cứu khác trên người hiến máu cũng đang nhận được sự chú ý gần đây là nghiên cứu về virus sốt xuất huyết, chikungunya và Zika - những virus có khả năng lây truyền qua muỗi Aedes, đặc biệt phổ biến ở các khu vực đang phát triển như Đông Nam Á.

Hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đều quy định những người vừa khỏi bệnh sốt xuất huyết sẽ phải trì hoãn việc hiến máu trong một khoảng thời gian. Với Zika, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ đã đưa ra lưu ý nếu một người được chẩn đoán mắc virus Zika trong vòng bốn tháng qua, họ không được hiến máu. “Ở một số người, có thể mất tới bốn tháng để loại bỏ virus khỏi máu của họ”, CDC Hoa Kỳ cho biết.

Trong một nghiên cứu vào năm 2020 [6], các nhà khoa học Mỹ và Việt Nam đã khảo sát hơn 3.000 mẫu máu hiến từ Việt Nam và 6.000 mẫu máu hiến từ Thái Lan. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc virus sốt xuất huyết là 0,296% (tương đương 9 mẫu), không có mẫu nào xuất hiện virus Zika và chikungunya. Trong khi đó, tại Thái Lan, 2 mẫu có dấu hiệu có virus chikungunya, 4 mẫu có virus sốt xuất huyết và 1 mẫu có virus Zika.

Phát hiện này cho thấy “việc sàng lọc chủ động các loại virus này ở các khu vực lưu hành bệnh là một lựa chọn giúp gia tăng mức độ an toàn cho nguồn cung cấp máu. Có thể căn cứ đặc điểm dịch tễ học và các nguồn lực tại địa phương để đưa ra quyết định”, nhóm nghiên cứu kết luận.

Chú thích:
[1] https://vienhuyethoc.vn/hanh-trinh-30-nam-giu-dong-mau-luon-chay/
[2]https://bthh.org.vn/69/nghien-cuu-viem-gan-b-tiem-an-o-nguoi-hien-mau-taibenh-vien-truyen-mau-huyet-hoc-30501.html
[3] https://tapchiyhocvietnam.vn/index.php/vmj/article/view/9486
[4] https://www.mdpi.com/2076-0817/11/12/1524#B8-pathogens-11-01524
[5]https://www.researchgate.net/publication/374653105_High_Hepatitis_E_Virus_HEV_Seroprevalence_and_No_Evidence_of_HEV_Viraemia_in_Vietnamese_Blood_Donors
[6]https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/trf.16110