Ngay cả khi đóng cửa phần lớn nền kinh tế trong nhiều tháng, các quốc gia vẫn không đáp ứng được mục tiêu giảm phát thải hàng năm để chống lại biến đổi khí hậu.

Nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona đã cản trở nhiều hoạt động kinh tế, thiết lập một thử nghiệm ngoài ý muốn về tác động của lượng khí thải carbon.

GDP của Trung Quốc có thể đã giảm 40% trong ba tháng đầu năm. GDP của Mỹ có thể giảm khoảng 30% đến 50% vào mùa hè. Và sản lượng kinh tế của Anh có thể giảm 25% trong quý này.


Những điều này tác động thế nào đến mức phát thải toàn cầu? Có thể phát thải sẽ giảm khoảng 4% trong năm nay, theo ước tính mới của CarbonBrief, dựa trên phân tích các bộ dữ liệu đại diện cho khoảng 3/4 lượng phát thải trên toàn thế giới.

Mức giảm này lớn hơn mức giảm song hành với bất kỳ đợt suy thoái kinh tế hoặc chiến tranh nào trước đây, Simon Evans, phó phụ trách trang CarbonBrief viết.

Để hạn chế mức nóng lên toàn cầu dưới 1,5 ˚C, thế giới cần cắt giảm 6% lượng khí thải mỗi năm trong thập kỷ tới. Nói cách khác, ngay cả sau khi đóng cửa phần lớn nền kinh tế trong nhiều tháng, bao gồm thương mại, du lịch và xây dựng toàn cầu, các quốc gia vẫn không đáp ứng được mục tiêu giảm phát thải hàng năm.

Và phát thải gần như chắc chắn sẽ tăng trở lại ngay khi các nền kinh tế phục hồi hoạt động, giống như những gì đã xảy ra sau các cuộc suy thoái trước đó.

CarbonBrief nhấn mạnh, con số 4% là ước tính sơ bộ dựa trên dữ liệu hạn chế và có thể thay đổi tùy thuộc mức độ bùng phát dịch và các nền kinh tế phản ứng như thế nào trong những tuần và tháng tới. Mối quan hệ giữa suy giảm kinh tế và giảm phát thải còn phụ thuộc vào việc ngành nào bị ảnh hưởng nặng nề nhất, Evans lưu ý.

Phát hiện này nhấn mạnh rằng việc thay đổi lối sống, giảm nhu cầu tiêu dùng, hạn chế đi lại v.v... chỉ có tác động rất hạn chế trong việc giảm lượng khí thải. Nó nhắc nhở chúng ta rằng phải xem xét lại một về cơ bản cách tạo ra điện, sản xuất hàng hóa và thực phẩm.

Nguồn: