Khảo sát sơ bộ về thói quen học tập của học sinh phổ thông tại Hà Nội trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa học sinh trường công lập và tư thục, học sinh ở các độ tuổi khác nhau và với gia cảnh khác nhau.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia vừa tiến hành khảo sát sơ bộ về thói quen học tập của học sinh phổ thông tại Hà Nội, trong thời gian từ 7~28/2/2020, tức 2 tuần đầu nghỉ học do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên 460 học sinh cấp hai và cấp ba tại Hà Nội, và tiến hành phân tích sơ bộ 424 dữ liệu.

“Thói quen học tập” được thể hiện qua tổng số giờ tự học ở nhà trong thời gian nghỉ học, bao gồm số giờ tự học trực tuyến và học theo phương pháp truyền thống (tức học offline với sách vở thông thường). Những học sinh được khảo sát trung bình sử dụng 2,8 giờ đồng hồ mỗi ngày để tự học trong những ngày bình thường. Con số này ở Nhật Bản là 2,2 giờ (THCS), 2,5 giờ (THPT), Hàn Quốc là 3 giờ (THPT), Đài Loan là 3,7 giờ (lớp 11), và Ấn Độ là 4~5 giờ (THPT) (Larson and Verma, 1999).

Trong 2 tuần đầu tiên nghỉ học do ảnh hưởng của Covid-19, số giờ học trung bình của học sinh THCS và THPT Hà Nội theo khảo sát là 3,7 giờ.

Trước hết, bộ dữ liệu chỉ ra ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế xã hội đối với thói quen học tập tại nhà trong quá trình đóng cửa trường học do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cụ thể, kết quả sơ bộ cho thấy sự khác biệt về thói quen học tập rõ rệt giữa học sinh trường công lập và tư thục, học sinh ở các độ tuổi khác nhau, và học sinh với gia cảnh khác nhau.

Trong thời gian nghỉ học chính khoá, do ảnh hưởng dịch bệnh, số giờ học trực tuyến trung bình của học sinh trường công lập là 2,8 giờ và số giờ học trực tuyến trung bình của học sinh trường tư thục là 4,6 giờ. Đối với số giờ học theo phương pháp truyền thống, các con số lần lượt là 3,1 giờ và 3,8 giờ.

Học sinh các lớp lớn hơn thường dành ít thời gian hơn để học trực tuyến, có khả năng do các em dễ bị phân tán bởi các trang mạng xã hội và các hình thức giải trí trên mạng. Cụ thể, số giờ học trực tuyến của học sinh các khối cấp 2 trung bình từ 3,1 đến 5,2 giờ; trong khi đối với học sinh cấp 3 con số này còn từ 2,1 đến 2,9 giờ.

Nhóm học sinh sống trong gia đình có thu nhập trên trung bình (từ 20 đến 30 triệu đồng/tháng) dùng ít thời gian hơn cho phương pháp học truyền thống, do ở những gia đình này học sinh có nhiều công cụ, nguồn tài nguyên phong phú hơn dẫn đến học trực tuyến nhiều hơn. Số giờ học theo phương pháp truyền thống trung bình của nhóm này là 2,8 giờ; trong khi ở nhóm có thu nhập từ 10 đến 20 triệu/tháng là 3,3 giờ và ở nhóm có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng là 4,4 giờ.

Bên cạnh đó, định hướng nghề nghiệp (thể hiện qua phương án lựa chọn tổ hợp xét tuyển đại học) ảnh hưởng lớn tới thói quen học tập. Cụ thể, học sinh định hướng thi khối A1 (Toán, Hóa, Anh) có tổng số giờ tự học cao nhất trong tất cả các khối - 4,7 giờ - cao hơn khoảng 1,8 giờ so với các học sinh định hướng thi khối C (Văn, Sử, Địa). Trong khi đó, thời gian học trực tuyến của những học sinh định hướng thi khối D (Toán, Văn, Anh) ít hơn hai tiếng so với những học sinh khối A (Toán, Lý, Hóa) và là thấp nhấp trong tất cả các khối - trung bình là 2,6 giờ.

Thêm vào đó, những học sinh nghĩ rằng mình có khả năng tự học tốt thường dành nhiều thời gian học hơn (trung bình hơn 30 phút) so với các học sinh nghĩ rằng khả năng tự học của mình chưa tốt.

Cuối cùng, kết quả sơ bộ chỉ ra tầm quan trọng của các yếu tố hỗ trợ việc học tập tại nhà hiệu quả theo thứ tự: Tài nguyên học tập phong phú; Môi trường học tập; Động viên từ gia đình; Động lực tự thân; Xác định được mục tiêu học tập mỗi ngày; Kỹ năng tập trung; Sự trao đổi, chia sẻ với bạn bè hàng ngày (như thứ tự từ trên xuống trong hình 1).


Hình 1. Chú thích từ trái sang: Hoàn toàn không đồng ý; Không đồng ý; Không đồng ý/không phản đối; Đồng ý, Hoàn toàn đồng ý

Dữ liệu sơ bộ hiện được đăng tải tại kho dữ liệu của Mendeley (Hoang et al., 2020).

Tài liệu tham khảo:

Hoang, Anh-Duc; Nguyen, Yen-Chi; Dinh, Viet-Hung; Pham, Hiep-Hung (2020), “Dataset of Vietnamese Student's Learning Habit during School Closure due to Covid-19 Pandemic”, Mendeley Data, v1 http://dx.doi.org/10.17632/2pzvmnb2km.1

La, V., Pham, T., Ho, T. M., Hoàng, N. M., Linh, N. P. K., Vuong, T., … Vuong, Q. (2020, March 18). Policy response, social media and science journalism for the sustainability of the public health system amid COVID-19 outbreak: The Vietnam lessons. Sustainability 2020, 12, 2931

Larson, R. W., & Verma, S. (1999). How children and adolescents spend time across the world: Work, play, and developmental opportunities. Psychological Bulletin, 125(6), 701–736.