Thế giới sẽ sử dụng gần 110.000 tấn kháng sinh mỗi năm vào năm 2030, trong đó châu Á là nơi sử dụng nhiều nhất, theo nghiên cứu mới.

Hầu hết các quốc gia không công khai dữ liệu sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp, Thomas Van Boeckel, nhà dịch tễ học tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich), đồng tác giả nghiên cứu mới, cho biết. Một số quốc gia có cung cấp dữ liệu này cho Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH), nhưng khoảng 40% các quốc gia hoàn toàn không cung cấp dữ liệu, kể cả cho WOAH, và "phần lớn dữ liệu về mức độ sử dụng kháng sinh trên thế giới là không dùng được", Van Boeckel nói thêm.

Việc lạm dụng kháng sinh trong nông nghiệp được cho là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn không thể điều trị bằng kháng sinh ở người. Trong nhiều trường hợp, thuốc kháng sinh là cần thiết để điều trị nhiễm trùng ở vật nuôi, nhưng trên thực tế, thuốc còn được sử dụng cho mục đích tăng trưởng và ngăn ngừa bệnh tật ở vật nuôi trong điều kiện đông đúc, mất vệ sinh.

Sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp là nguyên nhân chính gây kháng kháng sinh, và khó ước tính mức sử dụng trong thực tế.

Để ước tính việc sử dụng kháng sinh ở 229 quốc gia, Van Boeckel đã làm việc với Ranya Mulchandani, nhà dịch tễ học tại ETH Zurich và các đồng nghiệp khác để thu thập dữ liệu từ các chính phủ riêng lẻ, khảo sát trực tiếp trang trại và phân tích các bài báo khoa học về sử dụng kháng sinh trong thú y. Họ đối chiếu dữ liệu thu được với dữ liệu về quần thể động vật nuôi trong trang trại trên toàn thế giới, và doanh số bán thuốc kháng sinh từ 42 quốc gia có báo cáo dữ liệu. Từ đó, họ ngoại suy xu hướng cho 187 quốc gia còn lại.

Nhóm nghiên cứu đã tính toán rằng việc sử dụng kháng sinh ở châu Phi có thể cao gấp đôi so với báo cáo chính thức của WOAH, và việc sử dụng ở châu Á thì cao gấp rưỡi.

Nhóm tác giả ước tính, đến năm 2030, thế giới sẽ sử dụng khoảng 107.500 tấn kháng sinh trong chăn nuôi mỗi năm, so với chưa đến 100.000 tấn vào năm 2020.

Khu vực sử dụng nhiều kháng sinh nhất là châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, và xu hướng này được nhóm nghiên cứu dự đoán sẽ tiếp tục cho đến năm 2030. Các nhà nghiên cứu cũng ước tính, mức sử dụng kháng sinh sẽ tăng nhanh nhất ở châu Phi, tăng 25% từ năm 2020 đến năm 2030 do nhu cầu đối với các sản phẩm thịt tăng.

Mức sử dụng kháng sinh năm 2020 (màu cam) và năm 2030 (màu xanh) của các quốc gia sử dụng nhiều kháng sinh nhất, theo tính toán của nghiên cứu mới. Đơn vị: tấn.

Tại một hội nghị cấp bộ trưởng về kháng kháng sinh ở Muscat, Oman, vào tháng 11 năm ngoái, 39 quốc gia - bao gồm các nhà sản xuất nông nghiệp lớn là Nga và Ấn Độ - đã cam kết giảm từ 30% đến 50% việc sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp vào năm 2030. Theo Steven Roach, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Keep Antibiotics Working, TP Iowa, thỏa thuận này có thể sẽ thúc đẩy các quốc gia công bố dữ liệu cơ bản về việc sử dụng kháng sinh của họ. Nhưng hiện nay, phương pháp như trong nghiên cứu mới là cách duy nhất để có được bức tranh toàn cầu về việc sử dụng kháng sinh.

Van Boeckel cho biết trong tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ lập mô hình các kịch bản, chẳng hạn như điều gì sẽ xảy ra nếu nhiều quốc gia áp dụng các phương pháp phân phối thuốc kháng sinh chặt chẽ hơn như của Thụy Điển, đòi hỏi phải có đơn thuốc của bác sĩ thú y.

Nguồn: