Hầu hết mọi người sẽ học một hoặc hai ngôn ngữ trong cuộc đời. Nhưng Vaughn Smith, người giặt thảm 47 tuổi ở Washington, D.C., nói được 24 ngôn ngữ. Smith là một trong số rất ít những người nói được hơn 10 thứ tiếng, hay còn gọi là hyperpolyglot.

Một nghiên cứu mới đã phân tích hình ảnh não của những người đa ngôn ngữ như Smith để khám phá cách các vùng đặc trưng cho ngôn ngữ trong não phản ứng với việc nghe các ngôn ngữ khác nhau. Theo đó, nghiên cứu phát hiện, những ngôn ngữ quen thuộc gợi ra phản ứng mạnh mẽ hơn những ngôn ngữ xa lạ. Nhưng có một ngoại lệ, đó là ngôn ngữ mẹ đẻ - ngôn ngữ quen thuộc nhất này lại kích thích tương đối ít hoạt động của não bộ.

Ảnh minh họa

Theo Ev Fedorenko, nhà thần kinh học nhận thức tại Viện Công nghệ Massachusetts, người đứng đầu nghiên cứu mới, các nghiên cứu trước giờ đã bỏ qua những gì diễn ra bên trong bộ não của những người đa ngôn ngữ, nói được ít nhất 5 thứ tiếng.

"Có rất nhiều nghiên cứu dành cho những cá nhân có hệ thống ngôn ngữ hoạt động không bình thường, nhưng hầu như không có nghiên cứu nào dành cho những người có kỹ năng ngôn ngữ cao", Fedorenko nói. Một phần do họ chỉ chiếm 1% dân số trên toàn cầu, khiến việc tìm đủ người tham gia nghiên cứu trở nên khó khăn.

Nhưng nghiên cứu về nhóm này có thể giúp các nhà ngôn ngữ học hiểu về các vùng não chuyên biệt nằm ở thùy trán và thùy thái dương bên trái - những khu vực giúp con người xử lý được khía cạnh cơ bản nhất của ngôn ngữ: kết nối âm thanh với ý nghĩa.

Để tìm hiểu cách bộ não xử lý 5 ngôn ngữ trở lên, nhóm Fedorenko quét não của 25 người đa ngôn ngữ, trong đó có 16 người là hyperpolyglot và một người nói được hơn 50 ngôn ngữ.

Khi ở bên trong máy chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) đo lưu lượng máu não, những người đa ngôn ngữ được cho nghe các đoạn ghi âm, mỗi đoạn dài 16 giây, thể hiện lần lượt 8 ngôn ngữ khác nhau, gồm: ngôn ngữ mẹ đẻ của mỗi người, 3 ngôn ngữ khác mà họ biết trong cuộc sống; và 4 ngôn ngữ xa lạ. Tuy nhiên, 2 trong 4 ngôn ngữ xa lạ với người tham gia lại có chung ngữ hệ và liên quan chặt chẽ với ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, ví dụ như tiếng Tây Ban Nha đối với người nói tiếng Ý bản địa; 2 ngôn ngữ xa lạ còn lại đến từ các ngữ hệ không liên quan. Nội dung là các đoạn ngẫu nhiên được lấy từ Kinh thánh hoặc truyệnCuộc phiêu lưu của Alice vào xứ sở thần tiên.

Kết quả, khi nghe bất kỳ ngôn ngữ nào, máu của người tham gia luôn dồn đến cùng một vùng não. Thay vì sử dụng các phần khác nhau của não, những người đa ngôn ngữ dường như sử dụng cùng một mạng lưới cơ bản, giống như những người chỉ nói một ngôn ngữ.

Mức độ hoạt động của mạng lưới ngôn ngữ trong não biến động dựa trên mức độ quen thuộc của một ngôn ngữ. Ngôn ngữ càng quen thuộc, phản hồi càng mạnh. Ngoài ra, hoạt động của não tăng cao đặc biệt khi nghe những ngôn ngữ xa lạ nhưng có liên quan chặt chẽ với những ngôn ngữ đã biết, có thể do não tìm cách hiểu ý nghĩa dựa trên sự tương đồng giữa các ngôn ngữ.

Nhưng có một ngoại lệ. Khi người tham gia nghe tiếng mẹ đẻ, mạng ngôn ngữ trong não "yên tĩnh" hơn so với khi họ nghe các ngôn ngữ khác. Phát hiện cho thấy việc xử lý tiếng mẹ đẻ - ngôn ngữ được học từ độ tuổi rất nhỏ - đòi hỏi ít hoạt động não hơn.

Cũng có thể do não tìm ra cách tiết kiệm lượng năng lượng cho một nhiệm vụ đã làm nhiều lần, như nghe - nói tiếng mẹ đẻ, các nhà nghiên cứu lưu ý. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra kết quả tương tự ở não những người chơi chim cảnh và người bán xe đã qua sử dụng khi họ được yêu cầu nói về các chủ đề quen thuộc và không quen thuộc.

Nhiều người đa ngôn ngữ và hyperpolyglot tự cho rằng họ không có tài năng học ngôn ngữ đặc biệt gì, tuy nhiên Fedorenko nói bà vẫn muốn phân tích cách não của những người này học được số lượng ngôn ngữ ấn tượng, và liệu họ có tài năng bẩm sinh hay chỉ là nhờ sở thích hoặc cơ hội học tập. Hiểu được cách não tiếp nhận ngôn ngữ sẽ mở đường cho các công cụ học hoặc học lại ngôn ngữ dễ dàng hơn sau một cơn đột quỵ hoặc tổn thương não, theo Fedorenko.

Nguồn: