Các nhà khoa học phát hiện ra quá trình quan trọng trong sửa chữa ADN, có thể được ứng dụng để phát triển loại thuốc đảo ngược lão hóa.

nasa-muon-dung-thuoc-cai-lao-hoan-dong-cho-phi-hanh-gia

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra quá trình giúp sửa chữa ADN. Ảnh: 9News.

Các nhà khoa học công bố phát hiện đột phá, cho phép sản xuất loại thuốc đảo ngược quá trình lão hóa. Nó có thể sửa chữa ADN bị phá hủy, thậm chí bảo vệ phi hành gia trên sao Hỏa khỏi tác hại của bức xạ Mặt Trời, ABC ngày 24/3 đưa tin.

Nhóm nghiên cứu khám phá ra quá trình phát tín hiệu quan trọng trong sửa chữa ADN và chống lão hóa tế bào. Trong thử nghiệm trên chuột, họ nhận ra thuốc có khả năng trực tiếp sửa chữa tổn thương ADN do phơi nhiễm phóng xạ hoặc tuổi già.

"Không thể phân biệt tế bào của chuột già với những con trẻ hơn sau một tuần điều trị. Chúng ta đang tiến gần tới loại thuốc chống lão hóa an toàn và hiệu quả. Có lẽ chỉ cần 3-5 năm để đưa nó ra thị trường, nếu như thử nghiệm diễn ra tốt đẹp", giáo sư David Sinclair, tác giả chính của nghiên cứu, phát biểu.

Thử nghiệm trên con người sẽ bắt đầu trong vòng 6 tháng. Công trình này đã thu hút sự chú ý của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), vốn đang phải đối đầu với thách thức nhằm duy trì sức khỏe cho phi hành gia trong nhiệm vụ kéo dài 4 năm đến sao Hỏa.

Ngay cả trong những nhiệm vụ ngắn, phi hành gia vẫn bị lão hóa nhanh chóng do bức xạ vũ trụ, cùng sự yếu đi của cơ bắp, mất trí nhớ và nhiều triệu chứng khác khi trở lại Trái Đất. Trong chuyến đi tới sao Hỏa, tình hình sẽ tệ hơn nhiều. 5% tế bào của phi hành gia sẽ chết, trong khi khả năng bị ung thư là 100%.

Bức xạ vũ trụ không chỉ là vấn đề với phi hành gia. Người bình thường dễ dàng bị phơi nhiễm khi đi máy bay, với một chuyến bay nửa vòng Trái Đất khiến con người hấp thụ lượng phóng xạ như một lần chụp X-quang.

nasa-muon-dung-thuoc-cai-lao-hoan-dong-cho-phi-hanh-gia-1

Loại thuốc này có thể tăng tốc độ sửa chữa ADN, đảo ngược lão hóa. Ảnh: 9News.

Về lý thuyết, thuốc chống lão hóa có thể giảm ảnh hưởng và tổn thương ADN đối với những người đi máy bay thường xuyên. Một nhóm khác hưởng lợi từ nghiên cứu là những người sống sót sau ung thư hồi nhỏ.

Tiến sĩ Lindsay Wu, đồng nghiệp của giáo sư Sinclair, cho rằng 96% những người sống sót sau ung thư hồi nhỏ bị bệnh mãn tính vào tuổi 45, bao gồm suy nhược thần kinh thể tim mạch, tiểu đường tuýp hai, bệnh Alzheimer và xuất hiện các khối u không liên quan đến ung thư ban đầu.

Tế bào con người có thể tự sửa chữa ADN một cách tự nhiên, nhưng khả năng này giảm theo độ tuổi. Các nhà khoa học xác định được phân tử NAD+ có vai trò then chốt trong tương tác protein kiểm soát quá trình sửa chữa DNA. Đó là phân tử phát tín hiệu thông báo có trong tất cả các tế bào cơ thể.

Biến thể tăng cường của NAD+ được gọi là NMN, có thể cải thiện khả năng sửa chữa tổn thương ADN trong tế bào. Trong 4 năm qua, giáo sư Sinclair và tiến sĩ Wu đã tìm cách đưa NMN vào thuốc.