Theo thống kê của Công ty tuyển dụng Navigos Group, để chiêu mộ được những nhân sự chủ chốt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các công ty thường phải chi trả mức lương từ 30-90 triệu đồng/ tháng, với nhiều đãi ngộ đi kèm.

Với các lĩnh vực mới như AI, Blockchain, mức lương lên đến hơn 1000 USD/tháng. Tuy nhiên, với mức lương như vậy, đôi khi các startup cũng không tuyển được nhân sự như ý.
Sẵn sàng trả lương cao

Một startup trong lĩnh vực công nghệ từng kể với phóng viên Khoa học và Phát triển về việc tuyển 3 kỹ sư phát triển phần mềm, anh phải chi ra tới hơn 100 triệu đồng chi phí cho các trang web môi giới việc làm hoặc giới thiệu nhân sự, chưa tính lương thử việc, có thể lên tới con số tương đương. Sau hai tháng, 2/3 nhân sự xin nghỉ. Vậy là với hơn 100 triệu, startup này chỉ tuyển được một nhân sự. “Để thu hút ứng viên, tôi không chỉ giới thiệu về đãi ngộ tốt của công ty mà còn phải đưa ra lộ trình phát triển của công ty trong năm năm tới và lộ trình thăng tiến cho ứng viên” – nhà sáng lập này kể. Không chỉ phải trả mức lương cao, các startup giờ đây cũng phải dành không ít chi phí để giành những nhân sự chất lượng cao, nhiều công ty sẵn sàng “phá vỡ cấu trúc lương trên thị trường”.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lòng Viettel cũng gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với việc thiếu nhân sự ngành IT.

Các lĩnh vực thông thường đã thiếu thì tại các lĩnh vực đặc thù như blockchain, AI hay game càng trở nên khó khăn hơn. Tại webinar “Cơ hội nghề nghiệp cho nhân sự blockchain” diễn ra hồi cuối năm 2021, anh Trần Huy Vũ – CTO của Kyber Network, cũng từng chia sẻ về “Mức lương dành cho nhân sự blockchain thường cao hơn các ngành IT truyền thống từ 20-50% trong khi đó yêu cầu về số năm kinh nghiệm cũng thường ngắn hơn. Người có khoảng ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này có thể tương đương mức 6-9 năm ở ngành khác”.
Thực tế, nếu không thể tăng số lượng đào tạo, thì tình trạng thiếu nhân sự sẽ diễn ra triền miên, bởi nhu cầu chỉ có ngày càng tăng chứ không giảm. Bởi các công ty liên tục có nhu cầu tăng quy mô, phát triển thêm sản phẩm và tính năng. Để dễ tưởng tượng, Grab, Momo từ một ứng dụng gọi xe thông thường đã phát triển thành một siêu ứng dụng, cho phép người sử dụng gọi đồ ăn, giao hàng, đi chợ, nạp tiền điện thoại… hay như GHN – startup trong lĩnh vực giao hàng, giai đoạn khởi đầu có 100 nhân viên công nghệ. Sau gần tám năm hoạt động, công ty này có nhu cầu tăng trưởng nhân sự gấp nhiều lần con số này. Họ đã tuyển hàng trăm kỹ sư công nghệ ở đủ mọi trình độ trong mọi lĩnh vực để phát triển phần mềm như thiết kế UI/UX, phân tích dữ liệu, phát triển các tính năng của sản phẩm, phát triển sản phẩm trên nền tảng di động, nhà phân tích dữ liệu.

Càng mở rộng, các startup càng có nhu cầu lớn về nhân sự. Vì thế, cách duy nhất để ‘giành giật’ nhân sự là sẵn sàng trả mức lương không tưởng. Nghiên cứu của Navigos Search từng chỉ ra tỷ lệ nhảy việc trong ngành công nghệ thông tin khá cao và lý do chính khiến 50% nhân sự nhảy việc là lương.

Giữ chân nhân sự: Mỗi người một cách

Nhu cầu về nhân lực IT không chỉ đến từ các startup công nghệ mà rất nhiều công ty chuyên phát triển phần mềm outsourcing với quy mô nhân sự lên tới hàng nghìn, hàng chục nghìn người. Các công ty này cũng sẵn sàng chi thoáng tay trong lương và các khoản đãi ngộ. Đối thủ của các startup Việt đến từ Đông Nam Á, Nhật Bản,Hàn Quốc, châu Âu… nơi có tiềm lực tài chính mạnh. Nếu cũng cạnh tranh bằng lương thì rất khó.

Việc giữ chân nhân sự IT của startup thực sự là một cuộc chiến quyết liệt, mà theo ông Nguyễn Thế Duy – nhà sáng lập của ADT Creative, “câu chuyện này dựa vào nhiều yếu tố”.
“Khi một nhân sự tham gia vào một tổ chức thì họ sẽ nhìn vào hai mục tiêu: học được gì và phát triển bản thân ra sao trong tổ chức đó” – ông Duy nói thêm. Vì thế, khi tuyển dụng nhân sự, ông Duy thường đưa ra các tầm nhìn phát triển, lộ trình đào tạo, thăng tiến để nhân sự nhìn thấy tương lai tại công ty. Với các nhân sự chủ chốt, các startup như ADT Creactive không ngại chia cổ phần như một hình thức đãi ngộ đặc biệt.

Không chỉ startup tư nhân mà ngay cả startup khởi phát trong lòng doanh nghiệp lớn như Trung tâm Dịch vụ truyền hình Viettel của chị Phạm Thanh Phương, thậm chí còn khó khăn hơn. “Ở Viettel, mọi việc không như thế. Là doanh nghiệp nhà nước nên dù khởi nghiệp, chúng tôi vẫn phải chi tiêu theo đúng quy chế tài chính của nhà nước. Chúng tôi không được phép phá vỡ quy chế lương của tổ chức. Thời gian để phê duyệt cho một đề xuất nhân sự có thể mất vài tuần hoặc cả tháng. Điều đó dẫn tới trong thời gian chờ đợi, có thể nhân sự đã bị bên khác thu hút mất” – chị Phương nói.

“Cách mà tôi làm là tìm người cùng chí hướng. Tôi tìm người có cùng đam mê, cùng tình yêu với tầm nhìn, sứ mệnh của công ty. Như là “Anh có đam mê làm dịch vụ truyền hình số 1 Việt Nam không” “Chị có muốn phát triển kênh truyền hình có nội dung thể thao mạnh nhất thị trường không” – đại diện Viettel nói thêm.

Người lãnh đạo của đơn vị này cho rằng, những người có mục tiêu lớn với đam mê công việc sẽ coi lương là thứ yếu. Đây cũng là cách Viettel đi tìm nhân sự lõi cho mình. Họ hiểu rằng, nếu cạnh tranh bằng lương hay chia cổ phần, thì Viettel “không có cửa” so với sự linh hoạt của startup.

Trong khi đó, anh Lê Bá Nam Linh – Chủ tịch Hiệp hội Bóng rổ không chuyên cho biết, startup về đào tạo bóng rổ do anh sáng lập đang có 400 nhân viên cả bộ phận Văn phòng. Vấn đề của ngành mà anh Linh đầu tư phát triển nằm ở chỗ “ngành còn quá mới nên thiếu nhân sự. Đặc biệt hơn, yêu cầu nhân sự phải là vừa chơi bóng rổ, vừa có kỹ năng sư phạm để giảng dạy” nên nhân sự đáp ứng được yêu cầu này trên thị trường rất ít, vì thế, chúng tôi chọn cách tự đào tạo.

Việc tự đào tạo cũng là cách mà nhiều startup lựa chọn, trong bối cảnh thị trường có nhu cầu quá lớn và các trường đào tạo không kịp. Đơn cử như trong lĩnh vực game, từ những năm 2012, các công ty cũng đã phải tự tìm cách tuyển dụng nhân sự có tố chất và nền tảng lập trình, đam mê game để đào tạo. Nhiều công ty startup bên cạnh phát triển sản phẩm cũng phải đầu tư lớn để đào tạo nhân viên đúng với lộ trình phát triển nghề nghiệp đã cam kết kèm theo mức tăng lương, thưởng theo sự trưởng thành của nhân sự.

Cùng với đó, để cạnh tranh với các công ty công nghệ, startup Việt dù là tân binh nhưng cũng phải cạnh tranh để khẳng định vị trí, tên tuổi trên thị trường. Sự cạnh tranh này không chỉ giới hạn trong lãnh thổ Việt Nam mà trên toàn khu vực. Vì các công ty công nghệ đến từ Đông Nam Á hay châu Âu, Mỹ… đã và đang khai thác nguồn nhân lực Việt Nam.