Sau nhiều năm tỷ lệ sinh giảm, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết trong một bài báo đăng trực tuyến vào đầu tháng 8 rằng tốc độ tăng trưởng dân số của nước này đã chậm lại đáng kể và sẽ bắt đầu giảm vào một thời điểm nào đó trong khoảng năm 3 năm tới.

Còn theo ước tính công bố vào tháng 7/2022 trên Tạp chí Khoa học Xã hội, tạp chí có bình duyệt của Trung Quốc,dân số nước này có thể đã đạt đỉnh vào năm 2021.

Năm ngoái, tổng dân số của Trung Quốc chỉ tăng 480.000 người, lên mức hơn 1,41 tỷ người. Tỷ lệ tăng tự nhiên - chênh lệch giữa số sinh và số tử - gần bằng 0. Tỷ lệ sinh giảm năm thứ năm liên tiếp xuống còn 7,5 ca sinh trên một nghìn người. Chỉ có 10 triệu trẻ được sinh ra vào năm 2021, mức thấp nhất kể từ năm 1949.

Dân số Trung Quốc tăng 480.000 người vào năm ngoái, lên hơn 1,41 tỷ người.

Vào những năm 1960, Trung Quốc chứng kiến ​​một đợt bùng nổ dân số sau Nạn đói lớn (giai đoạn thiếu đói từ năm 1958 đến 1961, khi các chính sách kinh tế như Đại nhảy vọt, Chiến dịch diệt chim sẻ cùng với thiên tai đã khiến sản lượng nông nghiệp sụt giảm, gây ra nạn đói tại nhiều vùng của nước này). Nhằm hạn chế sự gia tăng dân số quá nhanh chóng, chính phủ đã đưa ra chính sách một con vào năm 1980, yêu cầu các gia đình chỉ có một con duy nhất. Chiến lược này đã làm giảm tỷ lệ tăng trưởng dân số từ 2,5% vào năm 1970 xuống 0,7% vào năm 2000. Nhưng mãi đến 2016, chính sách này mới chấm dứt. Nhiều nhà nhân khẩu học, trong đó có Jianxin Li tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng việc chấm dứt chính sách này là quá chậm trễ để đảo ngược tỷ lệ sinh đang xuống dốc. Ngay từ năm 1997, Li đã dự đoán dân số Trung Quốc có thể đạt đỉnh vào năm 2024 nếu chính sách kiểm soát dân số vẫn được duy trì.

Các nhà nghiên cứu cho biết tỷ lệ sinh đang giảm ở Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm ngay cả sau khi chính sách một con chấm dứt, do người trẻ đã thay đổi thái độ đối với hôn nhân và sinh đẻ.

Theo các số liệu thống kê, năm 2020, độ tuổi trung bình của nam và nữ Trung Quốc khi kết hôn lần đầu là vào khoảng 29 và 28 tuổi. Năm 2010, độ tuổi trung bình này là 26 và 24. Kết hôn muộn hơn cũng có nghĩa là phụ nữ có xu hướng sinh ít con hơn.

“Hầu hết những người trẻ ngày nay vẫn muốn có một gia đình, nhưng áp lực kinh tế từ nhà ở và chăm sóc con cái có thể ngăn cản họ làm điều đó," theo nhà xã hội học Yang Shen tại Đại học Giao thông Thượng Hải.

Đồng thời, trong 10 đến 20 năm tới, Trung Quốc sẽ chứng kiến ​​sự gia tăng dân số già. Hiện tại, hơn 18% dân số Trung Quốc trên 60 tuổi. Tỷ lệ này dự kiến ​​sẽ tăng lên 1/3 vào năm 2050, đạt 300 triệu người.

Dân số già sẽ tạo thành chi phí cho các gia đình và là một vấn đề tài chính đối với chính phủ. Ước tính chi tiêu công cho chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc sẽ phải sẽ tăng gấp đôi từ năm 2015 đến năm 2050 vì tình trạng già hóa dân số.

Nguồn: