Farm66 - Công ty khởi nghiệp theo mô hình nông trại thẳng đứng chứng minh nông nghiệp - kết hợp với công nghệ - sẽ giúp người dân ở các thành phố, sa mạc và thậm chí cả… ngoài không gian, có thể tự cung tự cấp nguồn thực phẩm tươi sống.

Vào đầu tháng hai, người dân Hong Kong - trung tâm tài chính châu Á với dân số 7,4 triệu người - phải đối mặt với tình trạng thiếu thực phẩm tươi sống. Kệ rau của những siêu thị trong thành phố đều trống rỗng, điều này bắt nguồn từ việc Trung Quốc - nguồn cung thực phẩm chính của Hong Kong - đang đóng cửa biên giới nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh.
Hong Kong là một khu vực đông dân, nơi các tòa nhà chọc trời mọc lên dày đặc, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi chỉ có 0,6% diện tích đất nơi này là đất nông nghiệp. Hơn 90% thực phẩm của Hong Kong, đặc biệt là các sản phẩm tươi sống như rau quả, là hàng nhập khẩu - trong đó nhà cung cấp chính là Trung Quốc. Ông Gordon Tam, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của doanh nghiệp canh tác nông trại thẳng đứng Farm66 ở Hong Kong, mô hình canh tác nông nghiệp trong đó cây được trồng theo lớp xếp chồng lên nhau thay vì những cánh đồng trải dài theo chiều ngang, chia sẻ.

Ông Gorden Tam và trang trại thẳng đứng của mình. Ảnh: CNN

Do Hong Kong thiếu đất nông nghiệp nên ước tính chỉ có khoảng 1,5% lượng rau quả nơi đây được sản xuất tại địa phương. Nhưng ông tin rằng các trang trại thẳng đứng như Farm66, với sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại, gồm cảm biến IoT, đèn LED và robot, có thể thay đổi nền nông nghiệp địa phương — thậm chí có thể chuyển giao bí quyết của mình sang các khu vực khác. “Canh tác thẳng đứng là một giải pháp hữu hiệu vì nó giúp rau có thể được trồng giữa lòng Hong Kong”, ông Tâm nói. “Chúng ta có thể tự trồng rau để không phải phụ thuộc vào hàng nhập khẩu”.

Năm 2013, ông Tam đã cùng ông Billy Lam - người hiện tại là COO của công ty - thành lập nên Farm66. Lúc này, họ là những nhà tiên phong canh tác nông nghiệp theo chiều dọc công nghệ cao ở Hong Kong. Điểm khác biệt giữa họ với các startup nông nghiệp theo chiều dọc khác, đó là Farm66 sử dụng công nghệ bước sóng và ánh sáng LED tiết kiệm năng lượng trong trang trại. “Chúng tôi phát ra rằng các màu sắc khác nhau trên quang phổ ánh sáng giúp thực vật phát triển theo những cách khác nhau. Đây là bước đột phá công nghệ của chúng tôi”, ông Tam tiết lộ. Chẳng hạn, ánh sáng xanh có thể làm tăng kích thước lá. Ánh sáng đó khiến lá nhỏ hơn, nhưng thân cây sẽ cao hơn.

Ông Tam sử dụng máy tính bảng để điều khiển robot chăm sóc cây.

Đối với một số loại cây, như rau diếp, Farm66 định hướng trồng lá to hơn; trong khi đối với cà chua hoặc dâu tây, lá nhỏ hơn giúp dồn năng lượng và chất dinh dưỡng vào trái. Công ty đã thử nghiệm các điều kiện trồng trọt khác nhau để tạo ra nhiều loại kích thước cây trồng - thậm chí họ có thể trồng cây húng quế có lá lớn đến mức che được khuôn mặt của một người.

Farm66 còn sử dụng các cảm biến IoT để kiểm soát chất lượng và giúp quản lý trang trại trong nhà, đây là điểm giúp họ tuyển dụng và giữ chân công nhân. “Một vấn đề lớn đối với ngành nông nghiệp canh tác truyền thống là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Tam giải thích. “Con cái của những người nông dân không muốn tiếp quản những trang trại. Họ cho rằng đó là một công việc quá đỗi tẻ nhạt”.

“Song bằng cách ứng dụng công nghệ, chúng tôi có thể cải thiện môi trường làm việc để những người trẻ sẵn sàng dấn thân làm nông nghiệp. Farm66 hiện có 15 nhân công toàn thời gian, bao gồm các nhà phân tích dữ liệu, nhà khoa học về thực phẩm, kỹ sư cơ khí, cùng tham gia sản xuất đến 7 tấn rau củ mỗi tháng”.

Hướng đi này của Farm66, đặc biệt là việc phân tích dữ liệu về cường độ ánh sáng, dòng nước và điều hòa không khí, đã gây ấn tượng cho ParticleX, một quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào công nghệ ở Hong Kong, khiến họ quyết định đầu tư vào công ty. “Tôi đánh giá cao việc Gordon Tam và nhóm của ông đã chú trọng quá trình phân tích dữ liệu về phương thức canh tác”, ông Mingles Tsoi, giám đốc khảo sát thị trường của ParticleX lý giải. “Đó là lý do tại sao chúng tôi chọn doanh nghiệp này làm mục tiêu chính để đầu tư”.

Những nhà đầu tư khác của Farm66 gồm Quỹ Doanh nhân Alibaba, nhà phát triển bất động sản Sino Group của tỷ phú Singapore Robert Ng, Cyberport của Chính phủ Hong Kong, Khu Công viên Khoa học công nghệ Hong Kong. Cho đến nay, công ty đã huy động được khoản tiền tài trợ lên tới 4 triệu USD.

Đầu năm nay, Farm66 đã nhận được nguồn tài trợ từ Hengqin Financial Investment của Chính phủ Trung Quốc và được chấp thuận tham gia Quỹ Thiên thần HK Tech 300, một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Đại học Thành phố Hong Kong (nơi đồng sáng lập Lam nhận bằng cử nhân hóa học ứng dụng). Năm ngoái, công ty đã lọt vào danh sách Forbes Asia 100 to Watch đầu tiên, với tư cách là công ty khởi nghiệp đáng chú ý đang trên đà phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trồng rau trên sa mạc và… vũ trụ

Bước vào trang trại của Farm66, bạn sẽ nhìn thấy rau quả được trồng trong hệ thống aquaponics - một hệ thống sản xuất thực phẩm bằng cách phối hợp giữa nuôi trồng thủy sản thông thường với thủy canh trong một môi trường cộng sinh.

Trong hệ thống aquaponics đã được cấp bằng sáng chế của mình, Farm66 lắp đặt bể cá bên dưới các kệ chứa đầy các loại rau và thảo mộc xanh tươi. Trong nuôi trồng thủy sản thông thường, chất bài tiết từ các loài động vật thải ra có thể tích lũy trong nước làm tăng độc tính của nước. Tuy nhiên, với hệ thống của Farm66, cây trồng sinh trưởng nhờ chất dinh dưỡng từ chất thải của cá thay vì phân bón thương mại Sau đó, thực vật lọc nguồn nước nuôi cá, tạo ra một hệ sinh thái trong nhà tự điều chỉnh.

Ngoài việc đóng gói sản phẩm để bán cho các siêu thị, khách sạn và các cửa hàng bán lẻ cao cấp, Farm66 gần đây cũng nhận được đơn hàng từ các gia đình, trường học và tổ chức tư nhân để giúp họ tự trồng thực phẩm trong nhà bếp và không gian nhỏ. “Chúng tôi cung cấp hệ thống từ trang trại đến bàn ăn cho các tổ chức để họ có thể tự trồng rau cho bản thân”, ông Tam, người có bằng thạc sĩ về phát triển đô thị bền vững từ Đại học Bách khoa Hong Kong, cho biết. “Chúng tôi muốn thúc đẩy nông nghiệp đô thị và các nguyên tắc ESG (một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng) để cải thiện chất lượng cuộc sống”.

Farm66 đã làm việc với các ngân hàng địa phương hàng đầu. Ông Tam cho biết thêm, công ty đang có kế hoạch hợp tác với các nhà phát triển bất động sản như Tập đoàn Sino, Tập đoàn Chinachem và Tập đoàn Henderson của tỉ phú Lý Triệu Cơ để đưa hệ thống canh tác đô thị của mình vào các tòa nhà dân cư và thương mại, chẳng hạn như trang trại không sử dụng đất chạy bằng năng lượng mặt trời hoặc gió trên các mái nhà.

Dù đã thành lập gần 10 năm và gây dựng được lượng khách hàng lớn, nhưng ông Tam cho biết Farm66 hiện đang hoạt động chưa đến 30% công suất. Theo ông, chi phí thiết lập các trang trại thẳng đứng quá cao đã đẩy giá bán lên, trở thành một rào cản khiến họ khó thu về lợi nhuận. Do đó, công ty đang chuyển trọng tâm sang nghiên cứu và đổi mới, đồng thời đang tìm cách cải tiến để tối ưu hóa quá trình vận hành trang trại.

Công ty đã phát triển các robot nguyên mẫu giúp tự động hóa quy trình thu hoạch và trồng trọt. Thông qua việc hợp tác với các nhà máy ở Trung Quốc để sản xuất robot trên quy mô lớn, Tam tin rằng mình có thể cắt giảm chi phí trồng trọt trong tương lai.

“Rồi sẽ đến lúc mọi người nhận thức được việc nhập khẩu thực phẩm gây ra các vấn đề nghiêm trọng về môi trường, xã hội như thế nào - nó tiêu thụ nhiều năng lượng hơn và thải ra nhiều carbon hơn”, ông Tsoi, giám đốc và là thành viên sáng lập của Viện Phân tích tác động xã hội Hong Kong, cho biết. “Tiêu dùng sản phẩm địa phương là hành vi tiêu dùng bền vững”.

Ông Tam hiện có kế hoạch mở rộng Farm66 ra ngoài Hong Kong, bằng cách xuất khẩu các hệ thống canh tác đô thị và chuyển giao bí quyết sang các khu vực khác. Chẳng hạn, Farm66 đã tạo ra một trang trại di động từ một container vận chuyển cho các thành phố sa mạc ở Trung Đông.

Cũng giống như các tỷ phú Elon Musk và Jeff Bezos, ông đang ấp ủ tham vọng vươn ra ngoài vũ trụ. “Chúng tôi đang nghiên cứu những cách thức canh tác trong không gian”, ông Tam tiết lộ. “Hiện tại chúng tôi là doanh nghiệp đi đầu trong việc nghiên cứu về công nghệ tiên tiến ứng dụng vào nông nghiệp, chẳng hạn như trồng cây trong môi trường không trọng lực”.
“Chúng tôi có rất nhiều ý tưởng canh tác sáng tạo”, ông tự tin. “Chúng tôi hy vọng sẽ giúp mọi người nhận ra rằng nông nghiệp, kết hợp với công nghệ, sẽ tạo ra một tương lai đầy hứa hẹn”.

Theo Forbes, CNN