Báo cáo thường niên Lancet Countdown on Health and Climate Change năm 2021 cho thấy tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe con người ngày càng nghiêm trọng, trong khi không phải quốc gia nào cũng có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện các kế hoạch về sức khỏe và biến đổi khí hậu.
Khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2021 cho thấy, chỉ có 45 trong số 91 quốc gia được khảo sát (49%) cho biết có kế hoạch hoặc chiến lược về sức khỏe và biến đổi khí hậu quốc gia, và 69% quốc gia cho biết không có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện các kế hoạch này.
Báo cáo Lancet Countdown on Health and Climate Change năm 2021, do các nhà nghiên cứu hàng đầu từ 38 viện hàn lâm và các cơ quan của Liên hợp quốc thực hiện, cho biết, năm 2020, có tới 19% diện tích đất liền trên thế giới bị ảnh hưởng bởi hạn hán khắc nghiệt trong bất kỳ tháng nào - trong khi trong giai đoạn 1950-1999, con số này không vượt quá 13%.
An ninh lương thực, vốn đã ảnh hưởng đến 2 tỷ người vào năm 2019, đang trở nên trầm trọng hơn. Nhiệt độ tăng cao rút ngắn thời gian sinh trưởng của thực vật, kéo theo năng suất suy giảm và khiến hệ thống lương thực của chúng ta ngày càng quá tải. Năng suất tiềm năng của ngô giảm 6%, lúa mì giảm 3% và gạo giảm 1,8% so với các mức năng suất tiềm năng giai đoạn 1981-2010.
Cháy rừng ở California tháng 10 năm nay. Ảnh minh họa.
Nhiệt độ bề mặt biển trung bình đã tăng lên ở vùng lãnh hải của gần 70% các quốc gia ven biển được phân tích (tương đương (95/136 quốc gia) so với giai đoạn 2003-2005, đe dọa nguồn cung cấp hải sản của các quốc gia này, trong khi trên thế giới có 3,3 tỷ người phụ thuộc vào nguồn thực phẩm từ biển.
Biến đổi khí hậu cũng làm tăng nguy cơ dịch bệnh. Khả năng bùng phát dịch sốt xuất huyết, bệnh do virus chikungunya và Zika đang gia tăng nhanh, nhất là ở các nước có chỉ số phát triển con người rất cao, bao gồm cả các nước châu Âu. Các khu vực xung quanh Bắc Âu và Mỹ đang dần trở thành điều kiện thuận lợi hơn cho vi khuẩn gây viêm dạ dày ruột, nhiễm trùng vết thương và nhiễm trùng máu nghiêm trọng. Ở các quốc gia nghèo có tài nguyên hạn chế, những tác động tương tự đang hủy hoại những tiến bộ trong nhiều thập kỷ nhằm kiểm soát hoặc loại bỏ những căn bệnh này.
Đáng lưu ý, kinh phí đầu tư dành cho các hệ thống y tế nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu chỉ chiếm 0,3% tổng kinh phí dành cho hành động thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Đây là báo cáo thứ sáu của chúng tôi nhằm theo dõi tiến bộ về sức khỏe và biến đổi khí hậu và rất tiếc là chúng tôi vẫn chưa nhận thấy sự thay đổi. Các xu hướng giảm phát thải, phát triển năng lượng tái tạo và xử lý ô nhiễm cũng chỉ được cải thiện chút ít,” Maria Romanello, tác giả chính của báo cáo, nhà nghiên cứu tại Viện Sức khỏe toàn cầu, Đại học University College London (UCL), cho biết.
Các tác giả kêu gọi cần có hành động khẩn cấp trên phạm vi toàn cầu để hạn chế nhiên liệu hóa thạch, giảm thiểu khí nhà kính và phục hồi xanh để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Nếu không đáp ứng mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt ở ngưỡng 1,5 độ C, như đã nêu trong Thỏa thuận Paris, sức khỏe con người sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là những người đang sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và tác động rất ít vào quá trình biến đổi của khí hậu.
Báo cáo vừa được đăng trên tạp chíThe Lancet.
Nhóm Lancet Countdown Tracking Progress on Health and Climate Change tập hợp hơn 120 chuyên gia hàng đầu từ các tổ chức học thuật và các cơ quan của Liên hợp quốc trên toàn cầu. Nhóm được hỗ trợ tài chính bởi Quỹ Wellcome và do University College London (UCL) điều hành.
Mỗi năm, Nhóm công bố báo cáo Lancet Countdown on Health and Climate Change trên tạp chí y khoa The Lancet trước thềm các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc. |
Nguồn: