Mặc dù là trường đại học khoa học công nghệ hàng đầu Việt Nam nhưng cho đến nay ĐHBK HN cũng vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn trong hoạt động “đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” này.
Trở ngại về tư duy
Khi được hỏi về tại sao các trường đại học Việt Nam trong hoạt động Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ, lại chưa tạo được các công ty spin-off thành công như tại các nước tiên tiến, đa phần người được hỏi sẽ trả lời là vấn đề tài chính, nguồn vốn. Tuy nhiên, tôi cho rằng trở ngại đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam là về Tư duy, về sự nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng của Đổi mới sáng tạo (ĐMST), Chuyển giao công nghệ (CGCN) và sở hữu trí tuệ (SHTT) của trường đại học cũng như của xã hội.
Trên thế giới, trong lịch sử phát triển kinh tế - xã hội, các trường đại học trên thế giới luôn gắn liền thậm chí dẫn dắt sự phát triển của các cuộc cách mạng công nghiệp. Chính vì vậy, bản thân các trường đại học cũng phải trải qua các cuộc cách mạng nội tại để đáp ứng với vai trò và sứ mệnh của mình, từ chỗ chỉ tập trung vào hoạt động truyền thụ kiến thức đơn thuần thông qua các hoạt động đào tạo cho đến sự phát triển thêm của các hoạt động nghiên cứu tạo ra tri thức mới thông qua các hoạt động nghiên cứu phát triển.
Từ đầu thế kỷ 21 tới nay, cùng với hoạt động đào tạo và nghiên cứu phát triển, chức năng chuyển giao công nghệ được các trường đại học nghiên cứu tiên tiến thúc đẩy rất mạnh mẽ. Kết quả nghiên cứu được thương mại hóa dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, tôn trọng bảo hộ sở hữu trí tuệ, spin-off/startup cũng như văn hóa khởi nghiệp dần hình thành.
Không gian làm việc chung của BK Holdings dành cho các startup trong trường đại học. Đây được coi là việc “làm đẹp cho đời” chứ BK Holdings không có nguồn lực để đầu tư hay nắm giữ cổ phần của các startup này. Ảnh: BK Holdings
Quay trở lại Việt Nam, không thể không thừa nhận một thực tế đáng buồn là nền khoa học còn ở mức thấp so với mặt bằng thế giới. Chính vì vậy, các trường đại học chỉ mới dừng lại tập trung ở hoạt động đào tạo, các khái niệm về ĐMST, CGCN, SHTT, spin-off còn khá xa lạ và chưa được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, cùng với sự tiến bộ dần dần về nền tảng khoa học công nghệ của Việt Nam cũng như sức ép về sự thay đổi nhanh chóng của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì đã có sự chuyển biến trong tư duy, cụ thể từ những người ra chính sách cho tới đội ngũ quản lý giáo dục, các nhà khoa học và xã hội. Khoảng cách về tư duy giữa học thuật và doanh nghiệp đã dần được thu hẹp.
Ông LinusWiebe, giám đốc hệ thống ĐMST và spin-off của ĐH Lund (Thụy Điển) chia sẻ: “Cách đây hơn mười năm, việc tôi không tập trung giảng dạy, chỉ chuyên tâm làm công ty spin-off bị đa phần các giáo sư không coi trọng cho lắm, thậm chí là đánh giá thấp. Luôn có một khoảng cách về tư duy giữa giới hàn lâm và doanh nghiệp. Các khó khăn về tư duy trong trường đại học Việt Nam gặp phải hiện nay hết sức phổ biến cũng giống như chúng tôi trước đây”.
Trở ngại về nguồn lực
Trước tiên là nguồn lực về con người, đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp về ĐMST và CGCN hầu như chưa có. Đa phần các trường tự tìm tòi cách đi cho riêng mình. Chính vì vậy việc dùng đội ngũ với tư duy hàn lâm để điều hành doanh nghiệp cũng là một lý do dẫn tới các thất bại của spin-off.
Bên cạnh đó, trở ngại về nguồn lực tài chính (nguồn vốn đầu tư) cũng là một lý do quan trọng không kém. Các trường ĐH tại Việt Nam vẫn đang tập trung cho nhiệm vụ chính là các hoạt động đào tạo, do đó với nguồn tài chính eo hẹp thì việc đầu tư cho spin-off hầu như không có ngoài giá trị quy đổi từ giá trị thương hiệu hoặc một số cơ sở vật chất như nhà xưởng, máy móc đã qua sử dụng.
Năm 2017, ông Linus Wiebe đến tư vấn cho BKHoldings theo sự tài trợ của Chương trình SwissEP (Chính phủ Thụy Sĩ) để phân tích hệ thống doanh nghiệp với 10 đơn vị thành viên, bao gồm các cơ sở đào tạo, spin-off, vườn ươm. Trong năm spin-off, có ba doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình trung tâm thuộc trường sang doanh nghiệp. Đây có vẻ là một cuộc chuyển đổi ngoạn mục khi các đơn vị này chuyển từ những trung tâm luôn được bao cấp điện, nước, cơ sở vật chất và lương cán bộ nhưng năm nào cũng lỗ thành doanh nghiệp tự lo mọi chi phí và có lợi nhuận nhỏ hằng năm trả về trường.
Tuy nhiên, các spin-off này cũng chỉ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ KHCN, tư vấn chứ chưa phát triển bùng nổ từ CGCN thực sự như khái niệm spin-off trên thế giới. Doanh thu trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ cũng chỉ chiếm khoảng 40% tổng doanh thu BKHoldings (khoảng 100 tỷ đồng/năm)–60% doanh thu còn lại chủ yếu đến từ các cơ sở đào tạo.
Theo ông Linus, mặc dù không có đầu tư tài chính (hoặc đầu tư không đáng kể) thì với việc các trường ĐH tại Việt Nam luôn nắm phần lớn cổ phần (từ 51% tới 100%), đồng nghĩa với việc toàn quyền quyết định hoạt động công ty sẽ khiến việc huy động vốn từ các nguồn lực bên ngoài từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, doanh nghiệp … không khả thi vì khối tư nhân luôn e ngại rót vốn vào những công ty “nhà nước chi phối”. Trong khi đó, tại các nước phương Tây, cổ phần của các trường ĐH trong spin-off chỉ dưới 10%, bên cạnh đó, họ có sự đầu tư, hỗ trợ rất lớn từ nhà nước. Chính vì lý do này mà hệ thống doanh nghiệp trong các trường đại học ở Việt Nam luôn rơi vào tình trạng “tự bơi” và “tay không bắt giặc” không huy động được đầy đủ nguồn lực tài chính nào khác ngoài nhà trường.
Cuối cùng là nguồn lực về cơ sở vật chất, giữa nghiên cứu hàn lâm và sản phẩm thương mại vẫn còn khoảng cách, rất cần hoàn thiện công nghệ. Hiện nhà nước đang đầu tư vào nghiên cứu để ra được phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích, sản phẩm khoa học công nghệ. Nhưng những sản phẩm đó mới dừng lại ở mức sản phẩm mẫu, muốn ra tới thị trường phải qua khâu hoàn thiện và kiểm thử. Hiện nay chưa có nguồn lực về cơ sở vật chất như các khu chế thử, sản xuất thử nghiệm đưa vào để thu hẹp khoảng cách nêu trên.
Chính vì vậy, hiện tượng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học bị xếp vào ngăn kéo hiển nhiên không có gì lạ. Nguồn lực cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm tại đại học Việt Nam đang dừng lại ở mục đích để đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản. Một ví dụ điển hình về sự thành công trong việc đầu tư nguồn lực góp phần hỗ trợ spin-off này là mô hình Design Factory tại Đại học Alto (Phần Lan), TechShop của Mỹ hay hệ thống Fablab khắp thế giới. Theo TS.Dũng, rất khó để so sánh điều kiện đầu vào của nước ta với các nước phát triển.
Tuy nhiên với một nguồn lực tài chính đủ mạnh hoặc ít nhất là một cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất thử nghiệm và cơ chế win-win “khiến các nhà khoa học không có cảm giác bị kiểm soát”, thì với điều kiện khó khăn hiện nay vẫn có thể tạo ra một vài đột phá từ số ít những sản phẩm thế mạnh đã có và đủ sức kéo các nhà khoa học ra khỏi “lối mòn” của việc giảng dạy hoặc chỉ hài lòng ở việc lập ra những xưởng gia công có hàm lượng công nghệ thấp.