Một cô giáo ở TP Hồ Chí Minh chỉ viết bảng, không giảng bài suốt hơn ba tháng. Một cô giáo khác ở Hải Phòng phạt học sinh tiểu học uống nước giẻ lau bảng.

Dù bức xúc, phẫn nộ, hay thất vọng, ắt hẳn nhiều người đều nảy trong đầu câu hỏi rằng phải chăng hình mẫu về đạo đức và trí tuệ của người thầy mà xã hội tin tưởng đang bị nứt vỡ? Và đáng hỏi hơn, những hiện tượng đau lòng này xuất phát từ căn nguyên nào?

Bỏ quên những điều căn bản

Trong khi rất nhiều nhà nghiên cứu bỏ công đi tìm triết lí giáo dục Việt Nam, có cả học theo Tây và bắt chước Nhật, thì dường như không mấy ai thấy rằng bản thân nền giáo dục khoa cử truyền thống từng đề đạt và thực thi một cách nghiêm cẩn các chuẩn mực dạy học dành cho người thầy.

Ở đó, chưa bàn đến tầm hiểu sâu biết kĩ hay thông kim bác cổ, người thầy – thường là nhà Nho, hay ngay cả những ông thầy ít chữ ở làng quê, bao giờ cũng được gò trong phẩm chất quân tử trượng phu, nhất cử nhất động đều phải theo lễ nghĩa thánh hiền.

Nhiều người cho rằng nền giáo dục cử tử chỉ giỏi tầm chương trích cú nhưng tôi cũng muốn lưu ý, chính các vị đồ Nho ê a ấy đã cố gắng truyền dạy học trò thông qua bản thân lời nói và cách hành xử của mình. Thầy không chuẩn mực thì sao “thị phạm” được trò và cứ như quân cờ domino, sao giữ được lễ nghi, phong tục cho xã hội?


Trong khi ngành giáo dục không ngừng cải cách, liên tục thay đổi chương trình lẫn phương pháp thì những người thầy trực tiếp đứng lớp, đặc biệt ở các cấp phổ thông, vẫn cứ gánh quá nhiều áp lực, từ chuyện kết quả, thành tích dạy học đến chuyện mưu sinh hằng ngày.

Phải tham dự thật sâu vào bối cảnh trường lớp, nhất là vùng nông thôn, miền núi vùng cao, mới càng hiểu thấu và nhận ra người thầy đang đứng giữa lằn ranh của lý tưởng về nghề cao quý và những thực tế đôi khi bạc bẽo của phận “đưa đò”. Tất cả những ấm ức, bực bội, những bẽ bàng và mặc cảm của người thầy khi thấy “ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu” bỗng chốc có thể trút vào bài giảng, trút lên đầu học sinh.

Trong khi đó, đầu vào đối với sinh viên các trường sư phạm, những người rồi đây sẽ trở thành nhà giáo, vẫn cứ “cá mè một lứa”, không có gì là đặc thù, yêu cầu riêng khác đối với nghề. Tuyển sư phạm chỉ dựa vào kiến thức, đào tạo sư phạm cũng chủ yếu kiến thức thì khó mà rèn nếp làm thầy cho ra thầy.

Bắt đầu từ giáo dục đại học

Nhiều người cho rằng cần chấn chỉnh, xây dựng lại căn nền giáo dục từ các cấp mầm non, tiểu học, hoặc trung học phổ thông. Nhưng theo tôi, bậc đại học, đỉnh chóp của hệ thống giáo dục quốc dân, mới cần kíp thay đổi, tái thiết mạnh tay, dứt khoát và bài bản hơn cả. Bởi nhìn vào đại học là nhìn rõ những nan giải thu nhỏ của giáo dục nước nhà: đời sống tri thức, quan hệ thầy - trò, phương thức và mục tiêu đào tạo, lòng hiếu tri, văn hóa ứng xử… Trong đó, nhất định phải tạo được một mối quan hệ thầy trò, một khí quyển giảng dạy chuẩn mực mà nổi bật nhất là lòng kính trọng.

Thế nào là mối quan hệ thầy và trò ở đại học? Trong “Ý niệm đại học”, một cương lĩnh của giáo dục đại học hiện đại, triết gia Karl Jaspers trả lời: “Sự xuất sắc về trí tuệ, chứ không phải sự tầm thường, ấn định cách thức quan hệ. Chúng ta sống và làm việc cùng nhau dưới nghĩa vụ chung là kêu gọi nhau đạt tới mức cao nhất về các tiêu chuẩn trong suy tư và thi hành”.

Đặc biệt, khi đề cao giáo dục kiểu Socrates (thầy và trò cùng bình đẳng, tự do trước vũ trụ tri thức), ông cho rằng sự kính trọng là không thể thiếu với giáo dục. “Sự kính trọng là bản chất của mọi nền giáo dục. Không có nó tất cả sẽ là vô nghĩa”. Quan điểm này của K. Jaspers, thiết nghĩ, đang khiến chúng ta nhói lòng vì hình như gần đây, mối quan hệ thầy và trò trong lĩnh vực giáo dục chỉ nổi bật ở khía cạnh thực dụng, tính toán sòng phẳng. Trò đóng tiền, nộp học phí thì được học và ngược lại, thầy nhận lương, nhận thù lao thì phải dạy.

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố danh sách 31 đơn vị xác nhận hồ sơ không chuẩn xác cho ứng viên PGS, GS năm 2017, người ta mới ngã ngửa: hóa ra, nhiều đơn vị đào tạo danh tiếng đang buông lỏng hoàn toàn hoạt động giảng dạy, thỉnh giảng của một số “thầy”. “Thầy” đứng lớp hay không, giảng dạy thế nào trường không nắm rõ nhưng lại xác nhận giờ giảng cho “thầy” làm PGS, GS! Thực trạng này, có thể viện lời của K. Jaspers để bình phẩm: “Tất cả đời sống đại học tùy thuộc vào tính chất của những người tham gia trong đó. Đặc trưng của một đại học nào đó được xác định bởi những giáo sư được bổ nhiệm vào đại học ấy”.

Làm sao để hình thành ý niệm về sự kính trọng? Hãy bắt đầu từ những khoảnh khắc đầu tiên khi người học bước vào giảng đường đại học. Nhiều năm quan sát và trải nghiệm, tôi hầu như không thấy đại học nào trang bị cho sinh viên tinh thần đại học mà về bản chất, nó khởi phát từ lòng khao khát tìm biết, nắm bắt những điều chưa thấu suốt, đam mê nhận thức khách quan của thầy và trò. Họ, những người có mặt ở đại học, phải bị/được thúc đẩy bởi tinh thần tranh luận vô tư, dám hiểu biết, ganh đua không hiềm khích, sẵn sàng hợp tác tạo nên kết quả, phải có một đầu óc cởi mở, không để điều gì không bị chất vấn, duy trì chân lí một cách vô điều kiện,...

Ấy thế mà, vào cái khoảnh khắc đầu tiên đó, nhiều trường đại học ở ta chỉ nhăm nhăm tuyên truyền cho tân sinh viên những thành tựu và kết quả, những bước đường xây dựng và phát triển, những tầm nhìn và sứ mệnh… Toàn những điều to tát, những mệnh lệnh hô hào. Rút cuộc, sau bốn năm, đại học thì tốt nghiệp nhưng tinh thần đại học thì vẫn treo lơ lửng ở đâu đó…