Công ty CP Thuốc Thú y Trung ương (NAVETCO) đã làm chủ công nghệ và sản xuất thành công vaccine vô hoạt nhũ dầu quy mô công nghiệp phòng bệnh cúm A/H5N1 cho gia cầm do các biến chủng mới gây ra
Điều này đã giúp Việt Nam có thể thay thế được vaccine cúm nhập từ nước ngoài, chủ động và nâng cao chất lượng phòng bệnh cúm gia cầm, góp phần mang lại hiệu quả cho nghề chăn nuôi gia cầm.
Nhiệm vụ cấp bách
“Virus cúm A/H5N1 có đặc điểm dễ biến đổi tạo thành các biến chủng vaccine mới và thực tế đã xuất hiện như clade 2.3.2.1 b,c. Để giải quyết vấn đề này, việc nghiên cứu một vaccine mới có khả năng phòng chống được các clade cũ và mới bao gồm Clade 1, Clade 2.3.2.1a, clade 2.3.2.1b và 2.3.2.1c là một công việc cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của ngành chăn nuôi gia cầm” – ông Trần Xuân Hạnh chia sẻ trong email trả lời với phóng viên báo Khoa học và Phát triển.
Ở thời điểm năm 2017, chất lượng phòng bệnh của các vaccine nhập, thậm chí kể cả với vaccine cúm đầu tiên do NAVETCO sản xuất Navet-Vifluvac không hiệu quả do sự thay đổi của virus tạo nên biến chủng mới. Đó là chưa kể việc nhập khẩu có nhiều bất cập như không chủ động được nguồn vaccine cung ứng, bị động cả về số lượng và thời gian, nếu cần gấp, khó kiểm soát về chất lượng.
Những yếu tố đó khiến NAVETCO mạnh dạn đề xuất với Văn phòng các chương trình KH&CN quốc gia, Bộ Khoa học và công nghệ, thực hiện dự án sản phẩm quốc gia “Công nghệ sản xuất vaccine cúm A/H5N1 cho gia cầm”, trong đó có nhiệm vụ “Nghiên cứu sản xuất vaccine vô hoạt nhũ dầu phòng bệnh cúm A/H5N1 cho gia cầm do các biến chủng mới gây ra tại Việt Nam” số SPQG.05b.03.
“NAVETCO cần sản xuất một loại vaccine mới có phổ hoạt động rộng hơn bằng cách bổ sung thêm chủng virus có đặc tính tương đồng kháng nguyên với các chủng đang lưu hành. Dự án được thừa hưởng các kết quả từ đề tài độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu xây dựng qui trình sản xuất vaccine cúm A/H5N1 cho gia cầm” do Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) chủ trì và dự án “Sản xuất thử nghiệm vaccine cúm A/H5N1 nhũ dầu để phòng chống bệnh cho gia cầm” do chính NAVETCO chủ trì ” – TS Trần Xuân Hạnh cho biết.
Theo đó từ tháng 12/2017-12/2019, nhóm nghiên cứu đã áp dụng và làm chủ được công nghệ nuôi cấy virus cúm trên phôi trứng gà và công nghệ tạo nhũ để sản xuất vaccine cúm gia cầm vô hoạt với chất bổ trợ miễn dịch nhũ dầu. Cụ thể hơn, vaccine được sản xuất trên cơ sở phối trộn tỷ lệ thích hợp hai chủng: Chủng NIBRG-14 và A/Hubei/1/2010 (H5N1)-PR8-IDCDC-RG30 (viết tắt CDC-RG30) với Chủng NIBRG-14 thuộc clade 1 và virus vaccine chủng CDC-RG 30 thuộc clade 2.3.2.1. Nhờ vậy, vaccine được tạo ra có hiệu quả trong việc phòng các chủng virus cúm thuộc clade 1, 1.1; 2.3.2.1a,b,c và H5N6 cho gà, vịt, ngan, chim cút và vịt trời, có hiệu quả ít nhất 6 tháng và có thể bảo quản trong 18 tháng.
“Đây là vaccine phòng cúm đầu tiên của Việt Nam sản xuất bằng phương pháp dùng hai chủng vaccine (vaccine nhị giá). Do phối hợp hai chủng virus nên vaccine có phổ tác dụng rộng đối với các biến chủng khác nhau của virus cúm H5N1 và virus cúm A/H5N6. Vấn đề này có ý nghĩa thực tiễn vì chỉ tiêm một mũi có thể phòng bệnh chống lại được nhiều biến chủng của virus cúm A/H5N1. Không chỉ vậy, việc làm chủ được công nghệ tạo nhũ hiện đại, ở quy mô công nghiệp, không những đảm bảo thu được chất lượng nhũ bền vững, mà còn giúp cho nhà sản xuất đủ khả năng cung cấp vaccine cho thị trường” – TS Trần Xuân Hạnh cho biết.
Đã có vaccine được cấp phép lưu hành
Dù phải tới tháng 12/2019, nhiệm vụ mới kết thúc và nghiệm thu nhưng kết quả của dự án là vaccine Navet- Fluvac 2 đã được Cục thú y, Bộ NN&PTNT cho phép sản xuất, lưu hành theo giấy phép số: 908/QLT-SX 19 ngày 9/5/2019. “Sau khi có giấy phép, công ty đã tổ chức sản xuất và cung ứng vaccine này. Đến nay gần 100 triệu liều vaccine đã được sản xuất và cung ứng. Với qui mô hiện tại, chúng tôi có thể sản xuất khoảng 200 – 250 triệu liều/năm” – TS Trần Xuân Hạnh chia sẻ.
Ngoài ra, dự án cũng hoàn thiện việc sản xuất vaccine ở quy mô công nghiệp trên cơ sở kiểm tra, đánh giá độ dài bảo quản của giống sản xuất ở các thời điểm 3, 6, 9 tháng trong điều kiện bảo quản -80oC và hoàn thiện quy trình gây nhiễm trên trứng (tiêm trứng, thu hoạch nước trứng) bằng thiết bị tự động thay thế phương pháp tiêm thủ công.
Lãnh đạo của NAVETCO cho rằng, kết quả này có được được nhờ công ty hội tụ đầy đủ các yếu tố để triển khai nhiệm vụ nhanh gọn trong thời kỳ ‘nước sôi lửa bỏng’, yêu cầu ráo rốt về vaccine ‘made in Vietnam’ thay thế hàng nhập khẩu vừa tốn kém vừa không hiệu quả trong khi dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Khác với các đơn vị nghiên cứu hay doanh nghiệp khác, NAVETCO là tổ hợp thống nhất giữa nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh, trong đó, công ty có một viện nghiên cứu riêng. Nhờ vậy, khi được Bộ Khoa học và công nghệ tin tưởng giao nhiệm vụ, công ty ngay lập tức huy động toàn bộ cán bộ kỹ thuật từ R&D lẫn bộ phận sản xuất cùng với việc tận dụng trang thiết bị nghiên cứu của toàn công ty. Quan trọng hơn, nếu như khâu triển khai kết quả nghiên cứu ra thực tế sản xuất luôn là cái khó của nhiều đơn vị khác thì ở NAVETCO, việc này lại “dễ như trở bàn tay”. Bởi lẽ cả hai đơn vị đều thuộc công ty, cán bộ sản xuất tham gia vào nghiên cứu nên không mất thời gian để đàm phán quyền lợi và chuyển giao toàn bộ bí quyết công nghệ dễ dàng.
“Dự án thành công đã chứng minh được khả năng và năng lực về mặt khoa học của các công ty sản xuất vaccine trong nước thông qua việc áp dụng thành công hai công nghệ là sản xuất vaccine dùng trứng gà có phôi và công nghệ tạo nhũ, đặc biệt trong sản xuất vaccine nhị giá cúm gia cầm H5N1- một vaccine chưa từng có công ty nào ở Việt nam sản xuất được” – TS Trần Xuân Hạnh nói.
Việc làm chủ được công nghệ sản xuất vaccine, đặc biệt thành công trong kỹ thuật tạo nhũ là cơ sở khoa học để áp dụng nghiên cứu các loại vaccine nhũ dầu khác của thú y.
Vì vậy, TS Trần Xuân Hạnh tin rằng, thành công này chính là nền tảng để giải quyết hiệu quả sự de dọa của bệnh cúm gia cầm đối với sức khỏe cộng đồng. Đây cũng là động lực để NAVETCO nói riêng và các công ty sản xuất vaccine khác ở Việt Nam nghiên cứu tạo ra các sản phẩm mới, chứng minh lợi ích xã hội từ hoạt động của ngành thú y.