Vào ngày 18/6/2021, trên trang facebook cá nhân của mình, TS. Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC), thả nhẹ một dòng ngắn gọn và kìm nén cảm xúc “Thất bại của CureVac, một ứng viên vaccine được kỳ vọng lớn. Phát triển vaccine chưa bao giờ là dễ dàng cả”.

Dù phần đông người Việt Nam không biết gì về CureVac nhưng những người cùng làm nghề vaccine thì quá rõ công ty công nghệ sinh học này. Được thành lập vào năm 2000 tại Tübingen, CureVac là “con đẻ” của nhiều nhà khoa học xuất sắc như Ingmar Hoerr –tiên phong về công nghệ vaccine RNA và từng được coi là ứng viên giải Nobel, giáo sư hóa hữu cơ Günther Jung, nhà miễn dịch học và ung thư Hans-Georg Rammensee, CureVac tập trung vào các bệnh truyền nhiễm và thuốc điều trị ung thư, bệnh hiếm gặp. Cho đến hiện tại, họ có mối quan hệ hợp tác với nhiều hãng dược hàng đầu thế giới.

Vậy mà họ thất bại. Hiệu lực vaccine dự tuyển của họ chỉ đạt 47%. Không chỉ những người làm sản xuất vaccine mà ngay cả những người cùng hợp tác làm việc với họ như Philip Santangelo - nhà kỹ thuật y sinh ở Viện Công nghệ Georgia, Atlanta, chỉ thốt lên ngắn gọn với Nature “Tôi thực sự ngạc nhiên và cũng vô cùng thất vọng”.

CureVac thất bại khi phát triển vaccine COVID-19. Nguồn: NYT

Dù có thể chỉ CureVac mới biết rõ điều gì dẫn đến thất bại của mình nhưng rõ ràng là việc phát triển vaccine luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, kể cả với ông lớn.

Rủi ro của nhà sản xuất vaccine

Trong một cuộc tọa đàm trực tuyến “Suy nghĩ vượt ngoài khuôn khổ - Diễn đàn chiến lược về đổi mới sáng tạo hạt nhân” do Hiệp hội hạt nhân thế giới tổ chức vào tháng 6/2021, James Naismith, giáo sư sinh học cấu trúc tại trường Đại học Oxford và là giám đốc Viện Nghiên cứu Rosalind Franklin, cho rằng, một trong những đặc điểm của ngành vaccine là không phải ngành siêu lợi nhuận, ít nhất với việc sản xuất bằng công nghệ hiện đại và so sánh với các ngành công nghiệp khác.

Tiến sĩ Peter Jay Hotez của trường Y Baylor trên The Financial Times cũng đồng thuận với nhận định này và nêu một số ví dụ sống động: hãng Sanofi mất cả thập kỷ (và không biết tốn mất bao nhiêu tiền) phát triển vaccine sốt xuất huyết nhưng sau đó thì phải dừng vì phát hiện nguy cơ rủi ro nhiễm bệnh ở một số trẻ em; GlaxoSmithKline (GSK) tạo ra được vaccine sốt rét đầu tiên trên thế giới– nhưng phải mất tới 30 năm; Merck có được vaccine Ebola như một “khúc ca của chủ nghĩa nhân đạo” (vì phạm vi lây lan mới ở Tây Phi) – nhưng không phải là sản phẩm đem tiền về cho hãng.

Lợi nhuận trong ngành vaccine không phải quá lớn và thường chỉ đến trong dài hạn. Tuy nhiên giáo sư James Naismith cũng lưu ý là trường hợp lợi nhuận “thắng đậm” của Pfizer, Moderna và Sinopharm trong đại dịch lần này là hoàn toàn khác biệt.

Vì vậy, trước tiên khi bước vào ngành công nghiệp vaccine, các nhà sản xuất phải chấp nhận đầu tư rất nhiều về hệ thống trang thiết bị, dây chuyền sản xuất mà không thể thu hồi vốn ngay trong thời gian ngắn. “Thật vô cùng tốn kém để xây dựng các cơ sở sản xuất vaccine”, Jo Walton, một nhà phân tích tài chính tại ngân hàng toàn cầu Credit Suisse, nhấn mạnh.

Do đó, mặc dù bị kích thích bởi công nghệ mới, nhưng thật khó để thuyết phục một công ty đầu tư vào một dây chuyền công nghệ mới trị giá nhiều triệu USD để cung cấp sản phẩm theo công nghệ mới cho một thị trường mà nhu cầu có thể biến động theo năm. Đối với các bệnh truyền nhiễm quen thuộc, không phải ai cũng sẵn sàng tiêm chủng vaccine hằng năm, thậm chí có người chỉ tiêm vaccine vào một số dịp đặc biệt trong suốt cuộc đời. Do đó, nếu muốn thu được lợi nhuận chỉ có thể kiên nhẫn, hoặc chuyển sang con đường đến đích lợi nhuận “ngắn hơn” là làm vaccine điều trị ung thư…

Mặt khác, việc đầu tư vào công nghệ mới luôn luôn tiềm ẩn rủi ro, ngay cả việc phát triển thành công được sản phẩm thì chắc gì nó đã “qua cửa” các cơ quan quản lý. Ví dụ trường hợp thất bại nổi tiếng nhất trong số hơn 100 nhà sản xuất vaccine COVID trên thế giới khi chưa đến vòng đệ trình hồ sơ phê duyệt: Merck thất bại hoàn toàn khi không ra được sản phẩm, liên minh Sanofi và GSK thất bại ngay trong giai đoạn đầu thử nghiệm vì lỗi chọn liều, dẫn đến độ trễ trong quá trình thử nghiệm lâm sàng tiếp theo. Theo Zain Rizvi, một nhà nghiên cứu về khả năng tiếp cận dược phẩm, chính sự khan hiếm của vaccine trên thế giới đã khiến các gã khổng lồ ngành dược cũng mắc lỗi ngớ ngẩn.

Do vậy, trong năm 2020 thì GSK, Sanofi, Merck và Pfizer chiếm ưu thế trên thị trường với các sản phẩm siêu bán chạy như vaccine cúm, viêm phổi, HPV và ngừa bệnh zona nhưng với đại dịch COVID thì chỉ có Pfizer thành công khi liên minh với công ty BioNTech.

Điều đó cho thấy sự rủi ro có thể trực chờ những nhà sản xuất vaccine, trong đó cả trường hợp Việt Nam. Cả hai nhà sản xuất vaccine COVID-19 là Nanogen và IVAC đều sẵn sàng chuẩn bị cho việc nâng quy mô sản xuất, ngay cả khi hai vaccine dự tuyển của họ còn chưa được phê duyệt. Theo báo cáo của Cục KHCN và Đào tạo (Bộ Y tế) vào giữa tháng 6/2021, Nanogen dự kiến nâng quy mô sản xuất khoảng 20 - 30 triệu liều vaccine/năm còn IVAC có khả năng nâng quy mô sản xuất khoảng 6 triệu liều/năm. Để làm được điều này, họ cần phải đầu tư thêm các trang thiết bị chuyên dụng và mở rộng nhà xưởng. Tuy nhiên thì ở thời điểm hiện tại, chưa có ai đủ may mắn có sản phẩm được phê duyệt để có thể triển khai kế hoạch này trên thực tế.

Giảm thiểu rủi ro bằng chính sách

Con đường phát triển vaccine thật cam go cho nên đến thời điểm hiện tại, ngoại trừ trường hợp của Nanogen nhân COVID-19, ở Việt Nam chỉ có các nhà phát triển và sản xuất vaccine nhà nước. Không doanh nghiệp tư nhân nào dám mạo hiểm và chấp nhận rủi ro đầu tư vào một lĩnh vực mà ngay cả những hãng danh tiếng hàng đầu thế giới cũng không tránh khỏi sơ sẩy.

Khi nhìn vào dòng chảy vaccine ra đến thị trường, ở Việt Nam hay ở nhiều quốc gia khác cũng vậy, mọi người đều quan tâm đến một vài chỉ số hiệu lực bảo vệ, sự an toàn, tính sinh miễn dịch nhưng không biết đó chỉ là kết quả dễ thấy của một dự án đầu tư mang tính rủi ro và bất định cao. Giáo sư James Naismith cho rằng, “về tự nhiên thì những dự án như vậy sẽ dễ gặp thất bại. Chính phủ có lẽ là nơi tốt nhất để bảo trợ cho các dự án kiểu như vậy trong ngành công nghệ sinh học”. Ông cũng nêu lên một sự thật tưởng chừng như nghịch lý “các dự án về hệ gene đều chỉ được thực hiện với sự đầu tư của chính phủ và các quỹ từ thiện nhưng y học hệ gene – nếu xét riêng về mặt lợi nhuận của nó – sẽ chỉ chảy về phía các công ty dược phẩm xây dựng trên những đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực đó”.

Điều này cho thấy, không thể để các nhà sản xuất vaccine tự xoay xở. Trong lĩnh vực vaccine, việc để cho thị trường định hướng dường như khó dẫn đến thành công. Chỉ có chính phủ mới có thể có năng lực chấp nhận rủi ro và phần thưởng có thể bằng không hoặc có thể chỉ đem lại những hiểu biết mới mà không tạo ra được sản phẩm.

Với những quốc gia còn hạn chế về nguồn lực như Việt Nam, không nhiều người dám chấp nhận rủi ro trong đầu tư cho nghiên cứu, phát triển vaccine. Hi vọng đã bắt đầu le lói khi trong Chương trình Nghiên cứu, sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030, đã xác định được cơ chế đặc thù để hỗ trợ nghiên cứu sản xuất, đặc biệt chính phủ sẽ có mức hỗ trợ 100% kinh phí dành cho vaccine đại dịch như kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, sản xuất thử nghiệm, kiểm định, mua bảo hiểm và hỗ trợ kinh phí cho người tình nguyện…

Tuy nhiên, với những nhà sản xuất vaccine thì những điều họ mong mỏi có lẽ còn nhiều hơn thế, ví dụ như các khung chính sách rộng mở hơn như chính sách đặt hàng trước khi có sản phẩm; chính sách khuyến khích hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà nghiên cứu, nhà thực nghiệm lâm sàng; chính sách hợp tác với các nhà khoa học quốc tế; chính sách hợp tác giữa các nhà sản xuất và các quỹ quốc tế… Một vài chính sách mới trong khuôn khổ Dự án FIRST từng áp dụng thử nghiệm và đem lại nhiều bài học kinh nghiệm – đầu tư nâng cao năng lực tổ chức KH&CN công lập, mời nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài hoặc nhà khoa học nước ngoài về nước hợp tác nghiên cứu, thành lập các liên minh nghiên cứu/sản xuất…

Trong lĩnh vực sản xuất vaccine của thế giới, người ta từng chứng kiến thành công của công ty công nghệ sinh học Hai-Gui (H&G) ở Trung Quốc như bằng chứng về sự liên kết giữa doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chiến lược kinh doanh và chính sách y sinh của Trung Quốc trong việc thương mại hóa vaccine lao, góp phần giải quyết gánh nặng bệnh lao của Trung Quốc (chiếm 14% ca nhiễm của thế giới). Khi nhìn vào trường hợp này, hai nhà nghiên cứu Julia Fan Li và Elizabeth Garnsey ở Trung tâm Quản lý công nghệ trường ĐH Cambridge (Anh) nhận định: để tạo ra những đổi mới sáng tạo mang tính đột phá đem lại lợi ích cho những người sử dụng, vốn bị giới hạn về cơ hội hưởng thụ, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà đổi mới sáng tạo về công nghệ và các nhà hoạch định chính sách, còn các quỹ từ thiện đóng vai trò xúc tác.

Vậy chính phủ sẽ hoàn toàn “thiệt thòi” khi chấp nhận rủi ro? Theo họ thì trong trường hợp của công ty công nghệ sinh học H&G, chính sách của chính phủ làm giảm bớt nguy cơ rủi ro thông qua việc cung cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư dài hạn và tạo dựng một mạng lưới an toàn để tiếp tục triển khai dự án về vaccine lao, vốn liên quan đến nhiều lĩnh vực kỹ thuật phức tạp. Mối lợi đầu tiên mà họ nhận được là sự bền vững của chương trình y tế công cộng khi cung cấp cho tất cả mọi người một loại vaccine hiệu quả, an toàn và giá rẻ. Việc kiểm soát dịch bệnh còn đem lại lợi ích to lớn hơn là không để lại những vấn đề rủi ro về sức khỏe trong tương lai, vốn đòi hỏi rất nhiều chi phí và nguồn nhân lực để giải quyết.

Với những nhà sản xuất vaccine, ngoài những cơ chế đặc thù để hỗ trợ nghiên cứu sản xuất thì họ cần các khung chính sách rộng mở hơn như chính sách đặt hàng trước khi có sản phẩm; chính sách khuyến khích hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà nghiên cứu, nhà thực nghiệm lâm sàng; chính sách hợp tác với các nhà khoa học quốc tế; chính sách hợp tác giữa các nhà sản xuất và các quỹ quốc tế…