Ít được chú trọng như ô nhiễm không khí ngoài trời, nhưng ô nhiễm không khí trong nhà có thể gây ra những rủi ro sức khỏe đáng kể.

Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học ở Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Kyoto chỉ ra rằng nồng độ và lượng chất vi lượng trong PM2.5 có thể dẫn đến nguy cơ gây ung thư “ở mức cao” cho những người trên 60 tuổi và các nguy cơ khác ngoài ung thư ở mức “không thể chấp nhận được” cho mọi lứa tuổi sống ở những căn nhà gần đường vào mùa đông.

Kết quả này được công bố trên tạp chí Atmospheric Pollution Research vào đầu tháng 2. Các tác giả đã phân tích 320 mẫu bụi thu thập ở 3 địa điểm ‘trong nhà’ ở khu vực ngoại ô, bên đường và ở nội đô từ tháng 11/2018 đến tháng 6/2019.

Kết quả cho thấy nồng độ trung bình của bụi PM 2.5 trong nhà ở Hà Nội đo được là 59,9 ± 23,6 μg/m3, cao gấp 4 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 15 μg/m3.

Trong khi đó, nồng độ bụi siêu mịn PM 0.1 trung bình đo được là 8,2 ± 0,7 μg/m3. Đối với bụi PM 0.1, do không có quy chuẩn để tham chiếu, các tác giả đã so sánh với kết quả của một nghiên cứu trước đó về nồng độ PM 0.1 đo được ở các trường học ở Hà Nội và thấy rằng hai kết quả này tương đương nhau, mặc dù ở trường học không có các nguồn gây ô nhiễm không khí quen thuộc như nấu ăn hay đốt nhang.


Các chất hóa học vi lượng có trong bụi PM trong nhà có thể lắng đọng ở nhiều khu vực khác nhau của hệ hô hấp | Ảnh: Le-ha et al (2022)
Các chất hóa học vi lượng có trong bụi PM trong nhà có thể lắng đọng ở nhiều khu vực khác nhau của hệ hô hấp | Ảnh: Le-ha et al (2022)

Nồng độ PM2.5 trong nhà biến thiên theo mùa, cao gấp 2,5 lần vào mùa đông so với mùa hè. Tuy nhiên nồng độ PM 0.1 trong nhà thì ổn định theo thời gian. Kết hợp với các phân tích 10 chất vi lượng Cr, Mn, Co, Cu, Ni, Zn, As, Cd, Sn và Pb có trong bụi để xác định nguồn thải, các tác giả kết luận, ô nhiễm PM 2.5 trong nhà bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi ô nhiễm không khí ngoài trời (với các nguồn chính là đốt than, khí thải công nghiệp và giao thông), trong khi ô nhiễm PM 0.1 trong nhà có nguồn gốc từ cả nguồn trong nhà và ngoài trời.

Sử dụng một mô hình xem xét mức độ lắng đọng của các chất vi lượng lên đường hô hấp của con người, nghiên cứu nhận thấy 80% lượng PM 2.5 hít thở vào được lắng đọng ở vùng hô hấp trên, trong khi 75% lượng PM 0.1 được giữ ở vùng phế nang.

Trong số các chất vi lượng tìm thấy trong bụi trong nhà ở Hà Nội thì kẽm, chì và crom có mức độ nhiều nhất, trong khi các vi chất độc hại như niken, cadmi, và arsen đã vượt quá giới hạn cho phép của EU.

“Những ước tính này cung cấp cái nhìn sâu sắc về tác động khi hít thở chất vi lượng có trong bụi PM ở trong nhà tại các vùng đường hô hấp khác nhau, và sự cấp bách phải bảo vệ sức khỏe con người, vì mọi người trung bình dành tới 90% thời gian cuộc đời của mình trong các không gian kín trong nhà”, nhóm tác giả viết.

Hiện nay, có rất ít nghiên cứu về bụi PM trong nhà ở Việt Nam. Đây là một trong những nghiên cứu góp phần khỏa lấp khoảng trống kiến thức về đặc tính hóa học của bụi PM trong nhà, đặc biệt là bụi siêu mịn PM 0.1, và sự thay đổi theo mùa của chúng, cũng như đánh giá rủi ro sức khỏe của chúng đối với con người.

Theo phân loại của các nhà nghiên cứu, thuật ngữ ‘trong nhà’ thường được hiểu là những không gian có ít lối thông khí trực tiếp với môi trường bên ngoài, bao gồm nhà ở, văn phòng, công sở, trường học, bệnh viện, tòa nhà, hoặc trong lòng các phương tiện giao thông ô tô, xe bus, tàu hỏa.