Tàu ngầm Komsomolets dài 120 m của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh đã gặp hoả hoạn cách đây 30 năm và chìm xuống vùng biển của Na Uy, mang theo hai lò phản ứng hạt nhân và ít nhất hai quả ngư lôi có đầu đạn chứa plutonium.
Vụ tai nạn đã dẫn đến cái chết của 42 thủy thủ. Nhưng thay vì nằm yên bình dưới đáy biển ở độ sâu 1.680 m, xác tàu đang rò rỉ chất phóng xạ ra đại dương.
Gần đây, các nhà nghiên cứu Na Uy và Nga đã thực hiện một cuộc thám hiểm chung thông qua phương tiện điều khiển từ xa Aegir 6000 để theo dõi và thu thập thông tin về ô nhiễm phóng xạ quanh khu vực đắm tàu. Họ lấy vài mẫu nước ở bên trong và xung quanh đường ống thông gió của tàu ngầm.
Kết quả cho thấy, nồng độ phóng xạ caesium cao nhất trong các mẫu nước đạt giá trị 100 becquerel (Bq)/lít, cao gấp 800.000 lần bình thường. Để so sánh, các khu vực khác ở biển Na Uy có nồng độ phóng xạ chỉ khoảng 0,001 becquerel/lít, theo Viện nghiên cứu biển Na Uy (IMR).
Hilde Elise Heldal, trưởng nhóm thám hiểm, nhấn mạnh rằng xác tàu ảnh hưởng rất ít đến cá và hải sản ở Na Uy, do nó chìm quá sâu và các chất phóng xạ sẽ nhanh chóng bị nước biển pha loãng.
Quốc Hùng (Theo Live Science)