Tình trạng phụ huynh phải bốc thăm may mắn để con được học mầm mon công lập, như báo chí phản ánh gần đây, đã cho thấy một phần bức tranh quá tải hệ thống mầm mon hiện nay ở các thành phố lớn.

Các tỉnh, thành phố lớn đều đang quá tải trầm trọng, với tỉ lệ số trường/ 1000 dân thấp và số học sinh/ giáo viên cao hơn nhiều so với mô hình chung trên thế giới.

Một tiết học của lớp mầm non.

Nhìn chung, Việt Nam đã có nỗ lực xây dựng cơ sở vật chất, giúp tăng trưởng hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non tương đối đáng kể. Dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng nhưng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực vẫn chưa theo kịp nhu cầu học tập.

1. Năm 2005, bình quân trong cả nước cứ 1000 dân thì có 31,76 trường mầm non, con số này đã tăng lên hơn 2,6 lần sau 15 năm (năm 2019) với khoảng 83,91 trường mầm non/1000 dân. Tương tự, số lớp học mầm non và số giảng viên trên mỗi trường cũng có sự cải thiện đáng kể trong 15 năm qua (xem bảng 1).

Khi đánh giá theo từng tỉnh/thành giai đoạn 2008-2019, chúng ta cũng nhìn thấy sự cải thiện về số lượng trường lớp tương đối rõ ràng. Trong hơn 15 năm phát triển của đất nước vừa qua, đã có nhiều nỗ lực xây dựng hệ thống giáo dục, rõ ràng tăng trưởng kinh tế đã phần nào giảm tải sức ép cho hệ thống giáo dục. Thứ nhất, cải thiện hiệu quả kinh tế đồng nghĩa với các dịch vụ giáo dục được hỗ trợ thông qua nhiều cách thức khác nhau như tiếp cận các thiết bị học tập hiện đại, phát triển các dịch vụ và trung tâm học tập, và nâng cao cơ sở trường/lớp. Cụ thể, hình 4 cho thấy xu hướng tương quan dương giữa quy mô kinh tế và số giáo viên trên mỗi trường, đồng thời quy mô kinh tế gia tăng cũng đi cùng với sự suy giảm tỷ lệ học sinh/giáo viên. Thứ hai, xu hướng phát triển và hội nhập cũng làm giảm tải các áp lực cho hệ thống giáo dục công, mở thêm cơ sở giáo dục ngoài công lập, mở thêm các cơ hội học tập nước ngoài, tích hợp các công nghệ giảng dạy mới.

Tuy nhiên, khi phân tích sâu hơn, mức độ tăng trưởng số lượng trường lớp mầm mon ở các tỉnh, thành vẫn còn khác xa nhau, và điều đáng nói là không phải các tỉnh thành có mức độ phát triển kinh tế xã hội cao nhất thì có đủ cơ sở vật chất theo kịp nhu cầu học. Có thể tạm chia mức độ tăng trưởng về số lượng trường mầm non của các tỉnh/thành phân thành ba nhóm chính:

Nhóm 1 là nhóm các tỉnh có quy mô kinh tế hạn chế (một số tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long), gặp nhiều rào cản trong việc gia tăng số lượng trường lớp, giáo viên và cải thiện chất lượng giáo dục do thiếu phần lớn các nguồn lực tài chính. Số liệu từ niên giám thống kê cho thấy khu vực này có tỷ lệ trường mầm non/1000 dân và tỷ lệ trường tiểu học, THCS, THPT/1000 dân trung bình trong năm 2019 là khoảng 50 trường và 7,4 trường tương ứng, với quy mô GRDP bình quân khoảng 26,2 nghìn tỷ VNĐ so với 81,5 nghìn tỷ VNĐ bình quân các tỉnh/thành cả nước. Hơn nữa, đây cũng là khu vực có tỷ lệ nghèo đa chiều cao hơn gấp 2 lần so với trung bình cả nước.

Nhóm 2 là nhóm các tỉnh/thành phố đang trên đà tăng trưởng kinh tế-xã hội tương đối nhanh chóng (ví dụ tiêu biểu như Hải phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bình Dương), đã mở rộng nhanh chóng cả về số lượng các trường học, giáo viên và lớp học. Cụ thể, số lượng trường mầm non/1000 dân và số lớp học/1000 của một số tỉnh thành như Bắc Ninh và Quảng Ninh đã tăng nhanh chóng từ 38,8 trường/1000 dân và 1406 lớp/10.000 dân tương ứng năm 2010 đã tăng gần gấp đôi với con số là 62,6 trường/1000 dân và 2188 lớp/10.000 dân.

Nhóm 3 là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù tăng trưởng kinh tế nhanh và năng động nhưng áp lực về dân số (cả di cư và tăng trưởng tự nhiên) đã tạo ra sức ép quá lớn với hệ thống giáo dục. Số trường mầm non của hai thành phố này trong năm 2019 chỉ đạt khoảng 47 trường/1000 dân, tức là chỉ bằng khoảng một nửa so với mức trung bình gần 84 trường/1000 dân trong cả nước.

Vấn đề quá tải càng trầm trọng hơn khi sự gia tăng và tập trung dân cư lớn ở một số khu vực (ví dụ: trung tâm thành phố hoặc một số khu vực đông dân khác như quận Hoàng Mai, Hà Nội) khiến cho tỷ lệ số trường mầm non trên 1000 dân giảm dưới 20.

2. Việc quá tải hệ thống trường mầm non còn được thể hiện qua tỷ lệ học sinh trên giáo viên cao. Theo các mô hình giáo dục trên thế giới, tỷ lệ học sinh trên giáo viên lý tưởng là không vượt quá 18/1, nếu vượt ngưỡng 40 học sinh/1 giáo viên thì hiệu quả học tập suy giảm đáng kể. Tại Việt Nam, mặc dù đã có nỗ lực cải thiện đáng kể nhưng xuyên suốt giai đoạn từ 2008 đến 2019, tỷ lệ này chưa được đảm bảo.

Ngoài ra, số trường Tiểu học, Trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT)/1000 dân trong xuyên suốt giai đoạn từ 2008-2019 không gia tăng, thậm chí có xu hướng suy giảm. Cơ sở vật chất không tăng, kết hợp với xu hướng đi học phổ thông ngày càng tăng dẫn đến tình trạng quá tải với hệ thống giáo dục trung học cơ sơ/phổ thông theo thời gian. Cùng với đó là xu hướng gia tăng bất bình đẳng về cơ hội giáo dục giữa các tỉnh/thành phát triển với khu vực miền núi nơi, giữa nhóm dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh.

Để có vốn con người cho phát triển đất nước, việc đầu tư phát triển hệ thống giáo dục trước đại học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần vai trò chủ đạo, nguồn lực đầu tư của nhà nước. Việc quá tải hệ thống giáo dục có thể tạo ra các hệ lụy nghiêm trọng, khó lường trước trong dài hạn (xin lưu ý: những con số ở trên mới chỉ là thống kê chung, chưa có số liệu thống kê riêng về tình trạng quá tải của giáo dục trong khu vực công lập mà nhiều năm nay báo chí phản ánh là quá tải trầm trọng hơn mức chung của ngành giáo dục).

Đối với hệ thống các trường THCS và THPT, một tương lai quá tải là điều không thể tránh khỏi, nếu không có các nguồn lực đầu tư đúng mức nhằm nâng cao số lượng trường học trên 1000 dân và số lượng giáo viên tại mỗi trường. Việc đầu tư thêm vào các tỉnh/thành có mức tăng trưởng thấp cũng là hết sức cần thiết nhằm cải thiện tình trạng bất bình đẳng và tạo ra các khuyến khích phù hợp để hội nhập toàn cầu. Muốn vậy, chính phủ cần tạo các khuyến khích phù hợp về ngân sách và cơ chế để cải thiện tình trạng phát triển kinh tế địa phương song song với đầu tư cho vốn con người. Đây là điều cần thiết để giúp Việt Nam phát triển hài hòa và đạt được các mục tiêu trong giai đoạn phát triển tới.

Trường Quốc tế, ĐHQG Hà Nội