Phóng viên Trường Phong - Báo Tiền Phong.
Ví dụ, với sự việc liên quan đến một vụ tai nạn giao thông trên đường, một người tình cờ đi qua chụp một bức ảnh, viết vài ba câu đưa lên mạng là đủ.
Những người thích “đếm like” có thể sẽ thêm vài chi tiết lâm li, bi đát, gây sốc, làm thay đổi bản chất sự việc. Rồi thông tin vụ tai nạn đó được biến tấu qua hàng trăm, hàng nghìn lần khác, với trăm ngàn ý kiến bình luận khác nhau. Đến lúc đó, câu chuyện đã đi rất xa... Không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây xuất hiện rất nhiều fake news (tin tức giả) trên mạng xã hội.
Dù có bào chữa thế nào thì báo chí chính thống đã phải nhường bước về độ nhanh nhạy thông tin trước mạng xã hội. Nhà báo, nếu tác nghiệp một cách dễ dãi, phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tin trên mạng xã hội sẽ vô tình tiếp tay cho tin tức giả lan tràn, đánh mất niềm tin của bạn đọc vào báo chí.
Báo chí với đặc trưng riêng vẫn nắm giữ sứ mệnh đặc biệt quan trọng là thông tin chính xác, khách quan về sự việc. Nếu biết tận dụng sức mạnh của mạng xã hội, với bản lĩnh vững vàng, có tình yêu và giữ vững đạo đức nghề nghiệp, các nhà báo và tờ báo chân chính vẫn thu hút và chiếm được niềm tin của bạn đọc.