Phương pháp học tập nhận thức ra đời như một câu hỏi đầy nghi vấn về tác dụng của các phương pháp học tập truyền thống kiểu một chiều khi người học chỉ đóng vai trò thụ động tiếp nhận kiến thức được người dạy truyền đạt.
Vào những năm 1950, chủ nghĩa hành vi chiếm địa vị thống trị trong các nghiên cứu tâm lý học ở Mỹ. Chủ nghĩa hành vi chỉ quan tâm đến các ứng xử có thể nhận biết được: theo quan điểm này, các quá trình tinh thần, trí thông minh, suy nghĩ… hoặc là những lĩnh vực nằm ngoài tầm với của khoa học, hoặc đơn giản là chúng không tồn tại. Vì thế với những người theo thuyết hành vi, tâm trí con người chỉ là một chiếc hộp đen từ chối mở được ra hoặc yêu cầu phải bỏ qua.
Trong phương pháp học tập nhận thức, giáo viên đưa ra một vấn đề mở và dẫn dắt học sinh trên hành trình xây dựng kiến thức mới.
Không hài lòng với việc chỉ hạn chế vào những ứng xử quan sát được của chủ nghĩa hành vi, các nhà tâm lý giáo dục như Jean Piaget hay William Perry đã yêu cầu một phương pháp tiếp cận mới với quá trình học tập, dành sự chú ý nhiều hơn cho những gì đang diễn ra “bên trong đầu người học”. Đó là một cách “tiếp cận nhận thức” tập trung vào quá trình tinh thần nhiều hơn là những hành vi có thể quan sát được.
Các phương pháp tiếp cận nhận thức có ý tưởng chung là kiến thức bao gồm các biểu đạt tinh thần mang tính biểu tượng và các hình ảnh cùng với những cơ chế hoạt động đi kèm các biểu đạt ấy. Nếu như những người theo thuyết hành vi cho rằng kiến thức là một kho “hành vi” được hấp thụ một cách thụ động thì những chuyên gia về khoa học nhận thức lại cho rằng kiến thức là những thứ do người học chủ động xây dựng dựa trên cấu trúc nhận thức có sẵn của họ. Mỗi người học sẽ diễn giải kinh nghiệm và thông tin dưới góc độ kiến thức hiện có, dựa trên mức độ phát triển nhận thức, nền tảng văn hóa và lịch sử cá nhân của họ. Người học sử dụng các yếu tố này để tổ chức lại các trải nghiệm vừa thu nhận, chọn lọc và chuyển đổi thành thông tin mới. Vì vậy kiến thức là do người học chủ động xây dựng chứ không phải là thụ động tiếp nhận, nó mang đặc điểm của một quá trình tiến hóa và phụ thuộc rất lớn vào quan điểm của người học.
Muốn hiểu lý thuyết “học tập nhận thức”, chúng ta phải biết tới khái niệm “siêu nhận thức”, tức là một dạng “nhận thức của nhận thức ”. Nói cách khác, siêu nhận thức là việc tự ý thức về suy nghĩ và quá tình suy nghĩ trong não bộ của bạn, là cách bạn kiểm tra các quá trình tư duy và tinh thần của mình.
Để làm nổi bật sự tương phản giữa phương pháp học tập theo chủ nghĩa hành vi và học tập theo nhận thức, hãy lấy ví dụ về trường hợp trẻ em học tiếng mẹ đẻ. B.F. Skinner, người được coi là cha đẻ của chủ nghĩa hành vi, cho rằng kiến thức về ngôn ngữ ở trẻ có được là thông qua cơ chế “điều hòa”, bao gồm liên kết, bắt chước và củng cố. Ngược lại, Noam Chomsky, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng, lại cho rằng não người có một “thiết bị” thu nhận ngôn ngữ, một cơ chế bẩm sinh cho phép trẻ phát triển các kỹ năng ngôn ngữ. Theo quan điểm này, tất cả trẻ em sinh ra đều có vốn ngôn ngữ mang tính phổ quát; và với nền tảng ngữ pháp vững chắc này, trẻ em sẽ dễ dàng học ngôn ngữ khi chúng tiếp xúc với một ngôn ngữ cụ thể. Ở đây có một cái gì đó phức tạp hơn chứ không chỉ là những kích thích và những phản ứng đáp trả thuần túy như những người theo thuyết hành vi quan niệm.
Một phương pháp học tập tích cực
Phương pháp học tập nhận thức ra đời như một câu hỏi đầy nghi vấn về tác dụng của các phương pháp học tập truyền thống kiểu một chiều khi người học chỉ đóng vai trò thụ động tiếp nhận kiến thức do người dạy truyền đạt (kiểu thầy đọc, trò ghi). Phương pháp này tôn vinh sự tham gia tích cực và chủ động của người học. Họ sẽ sử dụng các phương thức khác nhau: hình ảnh, thính giác, xúc giác, trải nghiệm để tiếp cận những thông tin mới được cung cấp và sau đó não bộ xử lý thông tin nhằm lưu trữ và lưu giữ thông tin lâu nhất có thể. Trong cách học tập nhận thức, khi giáo viên trình bày một khái niệm mới trong một giờ học toán, học sinh sẽ tự xây dựng kiến thức cho mình thông qua các bước tuần tự: khảo sát một ví dụ hay một trường hợp cụ thể của khái niệm mới đó, suy nghĩ về các khía cạnh liên quan, tìm cách giải nó và đem áp dụng các bước này cho một bài toán mới.
Những người theo quan điểm nhận thức luôn xem học tập là một quá trình phát triển các khả năng và hiện thực hóa các tiềm năng. Mức độ tăng trưởng được đo bằng mức độ độc lập ngày càng tăng của câu trả lời liên quan tới những kích thích xuất hiện tức thời khi các câu hỏi được đặt ra, cho thấy các hoạt động của trí não không còn tuân theo những quy tắc “tự nhiên” gắn liền với những mã di truyền được “cài đặt” từ khi mới sinh, quá trình học tập vì thế đã thay đổi, hoàn thiện cách tổ chức não bộ và hệ thống thần kinh. Điều đó cho phép chúng ta có khả năng dừng lại và suy nghĩ hợp lý về cách chúng ta sẽ phản ứng trước một tình huống nhất định. Những sự kiện mới xuất hiện được người học đưa vào trong hệ thống lưu trữ để kiểm tra, so sánh và xử lý. Sự phát triển trí tuệ phụ thuộc vào những giao tiếp mang tính hệ thống hoặc ngẫu nhiên giữa người dạy và người học.
Những người theo lý thuyết học tập nhận thức nhấn mạnh rằng con người hiện đại sẽ luôn thực hiện quá trình tự học, học tập không còn là một nhiệm vụ hay một nghĩa vụ mà trở thành cách để tồn tại và thích ứng với cuộc sống đang biến động nhanh chóng, học là một cách để có mặt trên đời. Con người sẽ học hỏi khi theo đuổi các mục tiêu và dự án có ý nghĩa nhất với cá nhân mình. Do đó mỗi người học sẽ tự đặt ra các nhu cầu, xây dựng các năng lực phù hợp cho việc học tập thường xuyên của mình.
Các chiến lược học tập nhận thức
Trong một lớp học, mỗi học sinh sẽ có một cách học riêng hiệu quả nhất cho mình: nhận thức bằng trực quan hay hình ảnh, tư duy bằng ngôn ngữ hay logic, có năng khiếu động học hay vận động cơ thể, âm nhạc hay sống nội tâm, thích làm việc theo nhóm hay làm việc độc lập... Nếu xác định được đâu là điểm mạnh của từng học sinh, giáo viên có thể sử dụng chúng để thúc đẩy hoạt động học tập nhận thức. Quá trình nhận thức của học sinh cũng luôn không đồng đều ,thường xảy ra các điểm tắc nghẽn, nếu giáo viên nắm được lý thuyết học tập nhận thức, họ sẽ biết cách giúp họ sinh gỡ rối về phương pháp nhận thức và đuổi kịp các bạn trong lớp.
Các giáo viên có nhiều chiến lược cũng như hình thức học tập nhận thức hữu ích để giúp tối đa hóa thành tích của học sinh, mà dưới đây là một vài chiến lược đơn giản và rất hiệu quả:
- Tăng cường đặt câu hỏi: Khi học sinh tìm kiếm câu trả lời, các em có cơ hội tìm hiểu sâu hơn ý nghĩa của vấn đề. Câu hỏi đưa ra dựa trên câu trả lời trước đó của học sinh có thể giúp các em phân tích kỹ hơn quá trình học và những hiểu biết trong một lĩnh vực nào đó, làm sâu sắc thêm quá trình suy nghĩ của mình.
- Chấp nhận khả năng mắc sai lầm. Trao cho học sinh nhiệm vụ mô phỏng một bài toán thực tế hay bắt tay vào giải quyết một vấn đề thực tế sẽ tạo ra khả năng các em có thể mắc sai lầm và từ đó tự mình rút ra các bài học. Ở đây không có những khuôn mẫu định sẵn mà học sinh phải tự mình lựa chọn các yếu tố, các tham số cần thiết để dựng lên mô hình phù hợp. Một mô hình đủ tốt sẽ giúp các em nhận ra mình mắc sai lầm ở chỗ nào và sửa chữa nó. Điều này cũng giúp học sinh định vị rõ mình đang ở đâu trong một chuỗi các bước lập luận để chuyển hướng suy nghĩ đến một lời giải tốt hơn.
- Khuyến khích và thúc đẩy sự tự phản biện/ tự đặt ra câu hỏi. Việc trao cho học sinh cơ hội được phép theo đuổi hay phát biểu những suy nghĩ cá nhân khác với ý kiến của giáo viên đóng một vai trò lớn trong việc giúp các em hiểu rõ hơn quá trình vận hành tâm trí và xây dựng hiểu biết của mình. Các câu hỏi được nêu ra trong sách hay tạp chí, những khoảng thời gian yên tĩnh một mình, những cuộc thảo luận nhóm hay những câu hỏi tự vấn là những phương pháp hiệu quả nhất để khuyến khích học sinh “suy nghĩ về cách suy nghĩ” của các em.
- Nói to những suy nghĩ của mình. Các giáo viên có thể đảm nhiệm vai trò tiên phong, họ sẽ nói to lên từng bước suy nghĩ của mình, tương ứng với những bước lập luận và giải quyết một vấn đề. Sau đó, họ trao cho học sinh các cơ hội tương tự, giúp các em có cơ hội trình bày rõ ràng, mạch lạc các suy nghĩ của mình.
Các chiến lược của phương pháp học tập nhận thức này sẽ giúp giáo viên tạo ra một môi trường giàu thông tin dựa trên những suy nghĩ tích cực. Việc giáo viên hợp tác với phụ huynh để mở rộng phương pháp học tập tích cực ra bên ngoài lớp học cũng rất hữu ích và cần được khuyến khích.
Phương pháp học tập nhận thức hiện nay đang được ứng dụng rất mạnh mẽ, chẳng hạn như trong việc đào tạo trực tuyến. Các thành tựu mới nhất của công nghệ thông tin, đặc biệt trong lĩnh vực giao diện người-máy, cho phép giáo viên xây dựng bài giảng, bài thí nghiệm, bài thực hành mô phỏng có kết hợp âm thanh, hình ảnh, hoạt hình, video và những nội dung mang tính tương tác nhằm kích thích sự hưng phấn của người học thông qua hai kênh nghe và nhìn. Các nội dung học tập được trình bày một cách rõ ràng và phù hợp với năng lực tiếp thu kiến thức của người học và giúp cho kiến thức được lưu trữ trong bộ nhớ của não lâu hơn. Nhiệm vụ chính của giáo viên trong tương lai sẽ không dừng lại ở việc cung cấp đủ kiến thức cho học sinh (các công nghệ mới như robot hay giáo viên ảo sẽ dần dần đảm nhiệm vai trò này) mà là thiết kế các chương trình giảng dạy phù hợp với năng lực của từng học sinh. Muốn vậy, họ cần nắm vững các học thuyết dạy học tiên tiến, mà phương pháp học tập nhận thức là một trong số đó.
Trong hơn 60 năm qua, đã hình thành và phát triển cả một ngành khoa học, rộng lớn đến mức được ví như sự xuất hiện của một châu lục mới: Khoa học Nhận thức.
Khoa học Nhận thức hiện nay không bó hẹp trong việc nghiên cứu về suy nghĩ của con người mà còn áp dụng trong trí tuệ nhân tạo hay nghiên cứu về nhận thức của động vật. Đặc biệt, Khoa học Nhận thức cho thấy, không thể quy giản nhận thức thành ý thức hoặc các chức năng trí tuệ bậc cao (lập luận, suy tư, phản ánh...) và chỉ ra, phần lớn các hoạt động của trí óc con người nằm ngoài phạm vi của ý thức. |
Tài liệu tham khảo:
1. Anderson, J.R (1983), The Architecture of Cognition. Cambride (MA) : Harvard University Press.
2. Btien,R (1991), Science cognitive et formation. Presses de l’Université du Québec
3. Pressley,M (1995), Cognitive Strategy Instruction, 2nd ed Cambride, MA: Brookline Books
4. Sweller,J. Cognitive load during problem solving. Effects on learning, Cognitive Science, 12, 257-285 (1988)
5. H. Gardner, Histoire de la ré volution cognitive, Payot, 1993.
6. Noam Chomsky, Verbal Behavior, Language.,vol.35, no 1, 1959, tr 26-58.