Các di vật đá được khai quật tại hang Pắc Tà có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN).
Ông Lâm Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: Được sự nhất trí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dântỉnh Hà Giang, từ ngày 5-15/5, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, Bảo tàng tỉnh Hà Giang tổ chức khai quật khảo cổ hang Pắc Tà.
Đây là một hang rộng lớn, cao khoảng 40 mét, rộng 60 mét và sâu 1.409 mét nằm ở khu vực biên giới Việt-Trung.
Bên trong hang rất sáng, thoáng mát và có một con suối chảy qua. Con suối là nguồn cung cấp nguyên liệu cuội và thức ăn cho cư dân cổ trên hang. Trong hang có rất nhiều thạch nhũ hiện ra muôn hình vạn trạng. Nhiều khối nhũ có màu vàng kim lấp lánh, một số khác có màu trắng.
Theo tiến sỹ Nguyễn Trường Đông, Viện Khảo cổ học, sau thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, vượt qua mọi khó khăn trong địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, kết quả khai quật địa tầng còn tương đối nguyên vẹn.
Di tích còn nhiều bếp lửa, số lượng xương, vỏ nhuyễn thể và đặc biệt là di vật đá có một số lượng lớn. Một số công cụ có hình dáng đẹp, quy chuẩn, còn lại là công cụ không cân đối. Nhiều mảnh tước, công cụ mảnh, nhiều thỏi cuội phiến. Niên đại ước đoán thuộc văn hóa Bắc Sơn, có tuổi đời từ 6.000 đến 11.000 năm cách ngày nay.
Đây là lần đầu tiên phát hiện một di tích tiền sử hang động ở khu vực biên giới Việt-Trung thuộc địa bàn huyện Vị Xuyên. Những di tích hang động ở Hà Giang trước đây mà Viện Khảo cổ phát hiện được ở huyện Bắc Mê (gồm hang Đán Cúm, Nà Chảo, Khuổi Nấng) và ở huyện Yên Minh (là hang Nà Luông).
Sau lần khai quật lần này, mảnh đất địa đầu cực Bắc Tổ quốc đã có đến 5 di tích. Một số lượng lớn di tích và di vật, có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, phản ánh cuộc sống săn bắt, hái lượm của con người thời kỳ cổ xưa đã được các nhà khảo cổ thu thập.
Hà Giang là vùng đất có nhiều loại hình các di tích khảo cổ học thuộc nhiều giai đoạn khác nhau trong thời kỳ tiền sử. Tiêu biểu như hàng loạt các di tích ngoài trời thuộc văn hóa Sơn Vi (từ 11.000 đến 30.000 năm) như ở Cán Tỷ, Tráng Kìm, Lùng Tám, Đông Hà (thuộc huyện Quản Bạ); di tích Đồi Thông (ở thành phố Hà Giang); Mậu Duệ (thuộc huyện Yên Minh).
Di tích hang động có niên đại văn hóa Hòa Bình (từ 7.000 đến 32.000 năm) như hang Đán Cúm. Di tích hang động có niên đại văn hóa Bắc Sơn (từ 6.000 đến 11.000 năm) như hang Nà Chảo, Khuổi Nấng, Nà Luông. Hay các di tích hậu kỳ đá mới (từ 3.000 đến 4.000 năm) như Lò Gạch, cầu Suối Tiên (ở thành phố Hà Giang); Tràng Hương (thuộc huyện Mèo Vạc).
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý đánh giá cao kết quả đạt được của đoàn khai quật Viện Khảo cổ học.
Trong quý Hai, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ di tích. Tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực bảo vệ di tích văn hóa, cảnh quan của hang động và tiến hành xếp hạng di tích. Đẩy mạnh công tác phát triển du lịch, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi có các di tích xóa đói giảm nghèo.
Việc khai quật khảo cổ học di chỉ tiền sử hang Pắc Tà thành công thêm một lần nữa khẳng định sự có mặt của người tiền sử trên vùng đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.
Một số hình ảnh về các di vật đá được khai thác tại hang Pắc Tà:
Ảnh Minh Tâm/TTXVN
Ảnh Minh Tâm/TTXVN
Ảnh Minh Tâm/TTXVN
Ảnh Minh Tâm/TTXVN