Mặc dù được hứa hẹn kích hoạt bằng một chính sách đầu tư quan trọng như Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030” nhưng lĩnh vực vaccine Việt Nam có thể vẫn sẽ phải chật vật để tồn tại, nếu nhìn từ đại dịch COVID-19.
Rủi ro ở pha cuối cùng
Trong những ngày này, những người ở Viện vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) nhận được một niềm vui nho nhỏ. Công trình “A Newcastle disease virus expressing a stabilized spike protein of SARS-CoV-2 induces protective immune responses” (Virus gây bệnh Newcastle biểu hiện một protein gai ổn định của SARS-CoV-2 dẫn đến những phản hồi miễn dịch bảo vệ) được xuất bản trên tạp chí Nature Communications với sự tham gia của nhóm các nhà khoa học ở trường Y Icahn ở Mount Sinai (New York) và đối tác ở IVAC, Butantã (Brazil), GPO (Thái Lan). Đây là những kết quả rất khả quan thu được trong quá trình phát triển vaccine NDV-HXP-S được thực hiện trong điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn GMP ở Việt Nam, Thái Lan và Brazil: công nghệ tạo chủng NDV-HXP-S và đánh giá sự hiệu quả của vaccine dự tuyển này trong ngăn chặn những biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2 trên chuột thí nghiệm.
Sản xuất vaccine dựa trên công nghệ trứng gà có phôi tại Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC). Nguồn: Báo Nhân dân
Họ có vui trước “điểm thưởng” này? Có lẽ, nếu căn cứ vào những gì trước đây nhiều người hoài nghi đòi hỏi ở Nanogen trong quá trình phát triển Nanocovax thì IVAC xứng đáng tận hưởng niềm vui khi được cộng đồng khoa học quốc tế kiểm chứng sản phẩm mình làm ra.
Nhưng thật ra với họ thì hiện tại, thông tin mới không đủ sức khỏa lấp đi nỗi lo lắng thường trực: chưa tìm được khu vực đủ tiêu chuẩn để chuẩn bị cho thử nghiệm giai đoạn ba, dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng này. Theo kế hoạch ban đầu mà họ vạch ra cho ba giai đoạn ngay từ đầu năm 2021 thì mọi chuyện dường như vẫn diễn ra với các dấu mốc ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Sau hai giai đoạn thử nghiệm thứ nhất và thứ hai vaccine dự tuyển COVIVAC, mọi chuyện diễn ra có vẻ “thông đồng bén giọt”. Tuy nhiên đã có những điều xảy ra nằm ngoài tiên liệu của họ trên đường về đích. Đó là dịch bệnh đã lây lan đến mọi tỉnh thành của Việt Nam và chương trình tiêm chủng bằng vaccine nhập khẩu đang được tiến hành với tốc độ nhanh chưa từng có. Thật khó để chọn được nơi đáp ứng được hai điều kiện quan trọng hàng đầu là có đủ lượng người chưa bị nhiễm COVID và chưa được tiêm vaccine cho thử nghiệm giai đoạn ba.
Do đó, dẫu với một kịch bản mới ở giai đoạn ba được Hội đồng Y đức (Bộ Y tế) chấp nhận cho COVIVAC là không thử nghiệm ngẫu nhiên với giả dược nữa mà thử nghiệm đối đầu với một loại vaccine đã được cấp phép như Astra Zeneca, số lượng người tham gia được giảm xuống còn khoảng 4.000 người chứ không phải hàng trăm nghìn người như thử nghiệm đối chứng thông thường thì IVAC cũng khó có thể chọn được một nơi thỏa mãn điều kiện này để kiểm chứng hiệu quả bảo vệ của vaccine dự tuyển COVIVAC. “Đây là một thử thách rất lớn cho IVAC”, PGS. TS Lê Văn Bé (IVAC) trầm ngâm cho biết.
Có lẽ, trong suốt quãng thời gian vài chục năm phát triển vaccine, chưa khi nào những người ở IVAC lại phải đối diện với hoàn cảnh cam go giữa chừng như thế này.
Cơ hội có lớn hơn rủi ro?
Đến đây, một câu hỏi đặt ra “nếu không thể thử nghiệm giai đoạn ba thì COVIVAC có còn cơ hội”?
Thật khó để trả lời được câu hỏi này với hoàn cảnh Việt Nam hiện tại, khi một nhà phát triển vaccine khác là Nanogen với vaccine dự tuyển Nanocovax dù đã hoàn thành hai mũi tiêm và có kết quả thử nghiệm giai đoạn 3a nhưng vẫn chưa về đến đích. Cho đến tận bây giờ, Nanogen vẫn còn chưa thể “qua cửa” các hội đồng đánh giá của Bộ Y tế. Trong số các đơn vị tuyên bố phát triển vaccine COVID như VABIOTECH, Polyvac, IVAC thì Nanogen là nơi hy vọng bậc nhất bởi các quá trình đều đi rất nhanh. Họ có hai lợi thế là công nghệ protein tái tổ hợp mà họ dùng để phát triển Nanocovax là công nghệ đã thuần thục 15 năm và không bị vướng quy trình thủ tục như các nhà sản xuất nhà nước nhưng có vẻ như lợi thế này đã không giúp được nhiều gì cho họ. “Những yêu cầu đặt ra cho họ với nội dung tương tự như cấp phép trong điều kiện bình thường chứ không phải cấp phép khẩn cấp nữa”, một chuyên gia vaccine người Việt tại nước ngoài nhận xét khi quan sát quá trình cập nhật số liệu theo yêu cầu của các hội đồng.
Có lẽ, điều Nanogen và cả IVAC mong mỏi hiện tại là những tiêu chí xét duyệt khẩn cấp được Bộ Y tế soạn thảo và WHO góp ý sẽ sớm xuất hiện để việc đánh giá ở các hội đồng được diễn ra công bằng, minh bạch như quốc tế. Cập nhật tình hình nghiên cứu mới của thế giới, một vài chuyên gia trong nước như PGS.TS Đỗ Văn Dũng, trưởng khoa Y tế công cộng (trường ĐH Y dược TP.HCM) mới đây đã trả lời Tuổi trẻ là khoa học cho phép đánh giá tính sinh miễn dịch nhằm suy ra hiệu lực vaccine. Trong trao đổi với Tia Sáng, TS. Nguyễn Hữu Huân cũng nhấn mạnh đến vai trò quyết định của kháng thể trung hòa trong việc tạo ra miễn dịch bảo vệ và trích dẫn phát biểu của Peter Gilbert, nhà thống kê sinh học tại Trung tâm nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson “Có thể sử dụng điều này làm cơ sở để cấp phép và phê duyệt các vaccine mà không cần đến những thử nghiệm lâm sàng với 40.000 người vừa tốn thời gian lẫn tiền bạc để hoàn thành”.
Trong lúc còn chưa có tiêu chí xét duyệt khẩn cấp thì giấc mơ của Nanogen hay của IVAC là “làm ra một vaccine có thể bảo vệ người dân Việt Nam một cách bền vững với chi phí hợp lý, giảm sự phụ thuộc vào vaccine nhập khẩu” như lời chia sẻ của TS. Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, trên trang web của viện vẫn chưa thành hiện thực, thậm chí khó có thể trở thành hiện thực nếu như mọi việc cứ giằng dai và không có phép đột biến nào xảy ra...
Vậy mà họ đã sẵn sàng cho giấc mơ này ngay từ khi bắt tay vào phát triển vaccine COVID với mục tiêu tạo ra một thứ vaccine hiệu quả, an toàn và giá thành rẻ. Do đây là vaccine đại dịch nên việc ước lượng quy mô sản xuất đã được tính đến. Cục KHCN và đào tạo (Bộ Y tế) từng cho biết, IVAC dự kiến sẽ đạt quy mô sản xuất vào khoảng 6 triệu liều vaccine/năm còn Nanogen dự kiến quy mô sản xuất vào khoảng 20 đến 30 triệu liều/năm. Cả hai nhà sản xuất này báo cáo là có thể nâng công suất khi được đầu tư. Là người hiểu rõ quy trình sản xuất vaccine nên ông Nguyễn Ngô Quang, Cục phó Cục KHCN và đào tạo (Bộ Y tế) đã cảm nhận được sự dũng cảm khi chấp nhận rủi ro trong sản xuất đó của cả Nanogen lẫn IVAC. “Rủi ro trong sản xuất vaccine rất cao nên các đơn vị này sẽ phải sản xuất theo từng giai đoạn, có thể bắt đầu từ 30 triệu liều, 50 triệu liều và khi làm chủ được công nghệ có thể quy mô tối đa 100 triệu liều/năm”, ông trả lời Tuổi trẻ vào tháng 8/2020.
Thậm chí, trong những cuộc trao đổi với báo giới, Nanogen còn tỏ rõ quyết tâm của mình là hoàn thiện, mở rộng hệ thống kho lạnh với sức chứa 10 triệu liều và đội ngũ xe có hệ thống làm lạnh đạt tiêu chuẩn quốc tế với nhiệt độ từ 2-8°C.
Tuy nhiên, đến giờ thì họ vẫn chưa chắc chắn về cơ hội cung cấp vaccine cho mọi người của mình…
Đủ sức đương đầu với thử thách tương lai?
Phát triển vaccine COVID-19 là một trường hợp đặc biệt trong ngành sản xuất vaccine. Chưa khi nào người ta chứng kiến cuộc phát triển vaccine lại diễn ra nhanh đến thế, chưa khi nào nhiều nền tảng công nghệ lại được “trưng dụng” nhiều đến thế và lượng kinh phí đầu tư của cả chính phủ lẫn doanh nghiệp lại lớn đến thế. Những thông tin hé lộ từ quá trình phát triển vaccine cho thấy, thành công và thất bại chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng manh. Không ai dám chắc mình sẽ về đích, ngay cả ông lớn.
Dẫu vậy thì COVID-19 cũng cho mọi người thấy việc tự chủ trong phát triển và sản xuất vaccine có vai trò quan trọng như thế nào trong kiểm soát dịch bệnh. Đó cũng là điều Việt Nam cảm nhận được nên vào đầu tháng 10/2021, Chương trình KH&CN trọng điểm “Nghiên cứu, sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030” đã được ban hành, mở ra một cơ hội làm chủ công nghệ sản xuất mười loại vaccine và sản xuất được tối thiểu ba loại vaccine đến năm 2025. Con số này sẽ được nâng lên vào năm 2030. Các nền tảng công nghệ mà Việt Nam có thể áp dụng để sản xuất vaccine ung thư, vaccine phối hợp nhiều thành phần… là công nghệ mRNA, công nghệ protein tái tổ hợp, công nghệ vector virus v.v...
Đó là một định hướng đúng đắn nhằm giúp Việt Nam có thể kiểm soát được các dịch bệnh mới nổi và tái nổi trong tương lai gần, thậm chí là trở thành một trung tâm vaccine quốc tế. Có lẽ, đó cũng là ước mơ mà giáo sư Nguyễn Thu Vân, nguyên giám đốc VABIOTECH, từng chia sẻ nhiều năm trước về một nền sản xuất vaccine được phát triển một cách toàn diện và năng lực được củng cố không ngừng. Xét cho cùng, sự sẵn sàng sản xuất loại sinh phẩm đặc biệt này của doanh nghiệp là một trong những chỉ báo về năng lực của y tế một quốc gia cũng như điểm tựa trong trường hợp dịch bệnh khẩn cấp. “Nếu chờ đến lúc quốc tế không viện trợ nữa mới đặt hàng trong nước thì đã muộn vì việc sản xuất vaccine đòi hỏi một quy trình thử nghiệm và thẩm định chất lượng nghiêm ngặt, khá tốn thời gian. Đồng thời, nhà sản xuất vaccine trong nước không thể nào đột ngột tăng quy mô sản xuất một cách quá nhanh”, câu giải thích của giáo sư Nguyễn Thu Vân vào năm 2012 về việc phải tạo ra năng lực sẵn sàng ứng phó của ngành sản xuất vaccine đến giờ vẫn còn đúng đắn.
Do đó, việc xây dựng năng lực cho một ngành sản xuất vaccine không chỉ gói gọn trong khâu hỗ trợ về mặt chính sách làm chủ công nghệ mà còn rất cần đến những chính sách khác, ví dụ như những chiến lược đầu tư lâu dài và bài bản về cơ sở vật chất lẫn con người. “Nếu không có chiến lược dài hạn và chuẩn bị từ trước nguy cơ thiếu vaccine, khả năng bùng phát bệnh dịch sẽ rất dễ xảy ra. Bài toán ở đây là làm sao để chúng ta có thể chủ động điều tiết nguồn vaccine để không bị phụ thuộc hoàn toàn vào cả viện trợ lẫn thị trường nhập khẩu”, cái nhìn thấu suốt của giáo sư Nguyễn Thu Vân từ rất nhiều năm trước trong đánh giá giá trị của việc đầu tư cho ngành vaccine dường như phù hợp với cả bối cảnh đại dịch COVID.
Việc chủ động xây dựng năng lực này cũng là cách giảm thiểu rủi ro cho các nhà sản xuất một mặt hàng đặc biệt cho xã hội. “Hiện tại thì nhà nghiên cứu và sản xuất vaccine đã được các nhà quản lý bắt đầu quan tâm nhưng trên thực tế thì vẫn chưa được quan tâm một cách đầy đủ. Thế thì sao làm vaccine được! Trong ngành vaccine, cứ phải muốn có vaccine là có ngay được đâu. Mình phải nuôi nấng công nghệ, nuôi nấng con người chứ… Dưới góc độ chuyên môn, bài toán đầu tư cho vaccine là đầu tư cho tiềm lực, vì vậy cần được nuôi dưỡng lâu dài”, chia sẻ của một nhà phát triển vaccine nhiều kinh nghiệm cho thấy sự cần thiết của một chiến lược đầu tư bài bản cho ngành.
Trên thực tế, có rất nhiều vấn đề mà những người làm vaccine mong được thay đổi để nâng cao năng lực của mình. Điều này càng quan trọng khi quá nhiều rủi ro ẩn chứa trong chính bản thân vaccine. Nếu không, thật khó để họ có thể nghĩ đến mục tiêu lớn hơn là trở thành những nhà cung cấp vaccine ở tầm quốc tế - điều mà trong những ngày qua không ít lần được nhắc đến.
Ý tưởng xây dựng năng lực cho nhà sản xuất vaccine để họ có thể phát triển lớn mạnh rút cuộc không chỉ dừng lại ở một sản phẩm phục vụ xã hội, góp phần kiểm soát dịch bệnh. Đó còn là cơ hội việc làm ở trình độ cao cho rất nhiều người, là lợi nhuận thu về nếu nhà sản xuất có thể xuất khẩu vaccine. Lợi ích kép của một khoản đầu tư “có lãi” ở tương lai xa như vậy từng được nhà vật lý Michael Fadaray giải đáp khi nhận được câu hỏi “cái này để làm gì?” của người đứng đầu Chính phủ Anh sau khi nghe trình bày về nghiên cứu cảm ứng điện từ của mình: “Rồi một ngày nào đó, ngài sẽ có thể đánh thuế nó”.
Những thông tin hé lộ từ quá trình phát triển vaccine COVID-19 cho thấy, thành công và thất bại chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng manh. Không ai dám chắc mình sẽ về đích, ngay cả ông lớn. |
Việc xây dựng năng lực cho một ngành sản xuất vaccine không chỉ gói gọn trong khâu hỗ trợ về mặt chính sách làm chủ công nghệ mà còn rất cần đến những chính sách khác, ví dụ như những chiến lược đầu tư lâu dài và bài bản về cơ sở vật chất lẫn con người. Nếu không nguy cơ thiếu vaccine, khả năng bùng phát bệnh dịch sẽ rất dễ xảy ra.
GS. TSKH Nguyễn Thu Vân |