Con số thống kê toàn thế giới cho biết: U não đứng thứ 10 về tỷ lệ mắc (2,3 ca/100.000 dân số) và thứ 9 về tỷ lệ chết (2,2/100.000). U não có thể gặp ở bán cầu đại não, tiểu não, thân não, màng não. Phương pháp cũ điều trị chiếu xạ ngoài bằng bằng máy Co-60, LINAC cho hiệu quả thấp, gây nhiều biến chứng. Trong khi đó, phương pháp mới - xạ phẫu bằng “dao gamma quay” cho hiệu quả cao, an toàn cho bệnh nhân và cả cho nhân viên y tế.
Lãnh đạo Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu nhận bằng khen và hoa chúc mừng của lãnh đạo Bộ Y tế nhân kỷ niệm 45 năm thành lập. Ảnh: Nhân dân
Vì vậy, từ năm 2007, Việt Nam-nước đầu tiên ở Đông Nam Á- cùng với 5 nước đầu tiên trên thế giới phát triển phương pháp này. Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (thuộc Bệnh viện Bạch Mai), với sự đầu tư của Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế ung thư, ra đời và đã được trang bị, chuyển giao kỹ thuật sử dụng hệ thống thiết bị xạ phẫu định vị mới là “dao gamma quay”, sản xuất tại Hoa kỳ.
Cùng với đó, một đề tài cấp nhà nước mang tên “Nghiên cứu ứng dụng dao gamma quay điều trị u thân não, u màng não, u dây thần kinh số VIII và ung thư di căn não”, mã số KC.10.39/11-15 đã hình thành và thực hiện trong 5 năm (2014-2015).
Xạ phẫu bằng “dao gamma quay” cho bệnh nhân u não tại TT.Y học Hạt nhân và Ung bướu (BV Bạch Mai). Ảnh:Lao Động.
Một số lượng khá lớn gồm 180 bệnh nhân đã được phân loại theo các nhóm bệnh u thân não, u màng não, u dây thần kinh số VIII và ung thư di căn não để điều trị và tiến hành các phương pháp nghiên cứu.
Và đề tài lớn này vừa mới được Hội đồng khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp Quốc gia do Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức đánh giá nghiệm thu.
Trong báo cáo thành quả thực hiện của đề tài, trong tư cách chủ nhiệm đề tài GS.TS. Mai Trọng Khoa (đồng thời là Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và Giám đốc Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân) cho biết: Đề tài được thực hiện từ tháng 1/2014 đến tháng 12/2015 với mục tiêu đánh giá hiệu quả và tính an toàn của phương pháp xạ phẫu bằng dao gamma quay và hoàn thiện quy trình xạ phẫu bằng dao gamma quay điều trị u thân não, u màng não, u dây thần kinh số VIII và ung thư di căn não.
Đề tài cũng đã góp phần đào tạo 2 tiến sĩ và giúp công bố nhiều bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước.
Tại buổi họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước đề tài, các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao những kết quả nhóm nghiên cứu đạt được, đồng thời cho rằng đây là cơ sở đầu tiên trong nước triển khai áp dụng thành công kỹ thuật xạ phẫu bằng RGK - phương pháp mới hiệu quả, an toàn, kinh tế để điều trị cho bệnh nhân Việt Nam và bệnh nhân đến từ các nước khác.
Kết quả của đề tài đã giúp người Việt Nam có thể tiếp cận và được sử dụng kỹ thuật điều trị tiên tiến, không phải ra nước ngoài chữa bệnh, tiết kiệm chi phí rất lớn cho người bệnh. Cụ thể, theo tính toán, nếu kỹ thuật nói trên thực hiện tại Hoa Kỳ sẽ tốn khoảng 25.000 USD, còn thực hiện tại Việt Nam chỉ khoảng 2.000 USD, chênh lệch 23.000 USD. Với 180 bệnh nhân được lựa chọn nói trên, sẽ tiết kiệm được khoảng 4,14 triệu USD tương đương 91 tỷ VND, chưa kể chi phí ăn, ở và đi lại.
Đề tài cũng góp phần quan trọng trong việc phát triển nền Y học Việt Nam, thúc đẩy ứng dụng các kỹ thuật cao trong y tế, nâng tầm cao mới, ngang bằng các nước trong khu vực và một số nước phát triển trên thế giới.